Phần lớn doanh nghiệp gặp khó khăn khi tiếp cận vốn. Ảnh minh họa: Như Ý |
Khó khăn về vốn, dòng tiền đang là thách thức lớn nhất đối với DN ở nhiều ngành nghề. Trong khi đơn hàng, doanh thu, doanh số giảm mạnh, DN chật vật xoay xở.
Lãi vay cao, tiền hoàn thuế chậm
Lãi suất cao là bài toán nan giải với doanh nghiệp ngành sản xuất lúc này. Ông Ngô Sách Vinh, Tổng giám đốc Công ty CP Cơ khí Sao Việt, nhận định, năm nay khó khăn của DN sẽ lớn hơn, do nhiều khách hàng giảm sản lượng. Chính sách miễn, giảm thuế năm qua đỡ cho DN phần nhỏ khó khăn, tuy nhiên trở ngại lớn nhất lúc này vẫn là lãi suất cho vay. “ Mặt bằng lãi suất tăng mạnh thời gian qua, với mức lãi suất cao như hiện nay (từ 12-15%/năm - PV), DN lại phải chậm thu tiền từ khách hàng sau 1-2 tháng trời, thì tính ra, chúng tôi gần như không còn lãi”, ông Vinh nói.
Đặc thù của công nghiệp hỗ trợ là chi phí đầu tư lớn, máy móc giá trị cao, thời gian hoàn vốn dài, nên DN trong ngành rất mong mỏi được hỗ trợ thực chất. Trong khi lãi vay cao, để DN có thể quay vòng vốn, ông Vinh cho rằng, cần hỗ trợ việc hoàn ngay thuế giá trị gia tăng với máy móc, thiết bị nhập khẩu dùng cho sản xuất. Việc chậm hoàn thuế khiến DN đọng vốn lớn. “Đầu tư 200 tỷ đồng thì đọng 20 tỷ đồng tiền thuế, DN không còn vốn làm ăn”, ông Vinh nhấn mạnh.
Dù có bước hồi phục ngoạn mục, song ngành dịch vụ, du lịch vẫn còn nhiều khó khăn bủa vây. Đại diện Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa cho biết, hiện chỉ có 10-15% khách sạn tại đây hoạt động, đa số phải bù lỗ. Thu không đủ chi, DN càng thêm khó khi phải gánh lãi vay 12-15%/ năm. Các DN du lịch đều mong gói cấp bù 2% lãi suất được áp dụng rõ ràng. DN cũng cần được vay mới, tiếp tục hoạt động để có tiền trả lãi ngân hàng, không chuyển thành nợ xấu.
Chủ một DN kinh doanh khách sạn ở Vĩnh Hải, Nha Trang cho biết, mỗi tháng đang phải trả lãi ngân hàng khoảng 5 tỷ đồng, trong khi doanh thu mùa thấp điểm chỉ 1,5 tỷ đồng/ tháng. “Chỉ tính chi phí, khấu hao vận hành, khách sạn phải có doanh thu 2,5 tỷ đồng/ tháng mới đạt điểm hoà vốn. Khách ít, mỗi tháng chúng tôi chỉ thu được 1,5 tỷ đồng, không đủ bù chi phí, lại gánh thêm tiền lãi ngân hàng quá cao. Lãi suất của các khoản vay cũ được cơ cấu lại đã lên 10%/ năm, còn vay hiện tại đều 12-15%/ năm. Bất động sản thế chấp cho khoản vay bị định giá chỉ bằng 50% giá thị trường.
Về gói hỗ trợ lãi suất, vị này cho biết, ông đã tìm đến các ngân hàng quốc doanh, tư nhân trên địa bàn, nhưng đều không tiếp cận được. “Tiêu chí để được hỗ trợ là DN có khả năng phục hồi là rất viển vông. Chúng tôi rất khó chứng minh khi khách quốc tế từ 2 thị trường chính là Nga, Trung Quốc bị gián đoạn, khách trong nước thì chưa vào kỳ nghỉ. Nhiều DN đang gặp tình trạng tương tự, nếu tình hình kéo dài thì hầu như đứng bên bờ vực phá sản”, chủ khách sạn nói.
Gánh nặng chi phí tài chính
Với ngành xuất khẩu, DN phải “liệu cơm gắp mắm” để duy trì hoạt động. Ông Trần Việt Anh, Tổng Giám đốc CTCP Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn, cho rằng, các DN xuất khẩu hiện nay chỉ muốn lãi suất giảm, chứ không có nhu cầu vay mới. DN đang phải cạnh tranh khá gay gắt, buộc phải nhận đơn hàng với giá thấp để tạo việc làm cho người lao động. Do đó, nhu cầu vay vốn của DN rất thấp. “Thậm chí, rất nhiều DN có hạn mức tín dụng nhưng không dám đăng ký giải ngân, vì với mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay, việc vay vốn ngân hàng sẽ khiến DN tăng chi lên rất lớn”, ông Anh nói.
Sau gần 1 năm triển khai, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội 2022-2023 mới giải ngân được hơn 80.800 tỷ đồng. Việc triển khai một số chính sách hỗ trợ đã hết thời gian thực hiện, số khác có kết quả hạn chế, chưa đạt yêu cầu. Như gói cấp bù 2% lãi suất (nguồn lực 40.000 tỷ đồng), mới có khoảng 134 tỷ đồng được giải ngân, chiếm 0,3% gói hỗ trợ. Năm nay, áp lực giải ngân rất lớn, tổng vốn của chương trình phục hồi và đầu tư công là hơn 700.000 tỷ đồng. Đây là số vốn lớn nhất từ trước đến nay trong đầu tư công.
Doanh thu giảm mạnh, trong khi chi phí tài chính tăng vọt mà hoạt động trông chờ một phần lớn vào nguồn tiền đi vay khiến lợi nhuận của nhiều DN ở một số ngành nghề đang bị bào mòn. Thống kê qua mùa báo cáo tài chính quý 4/2022 trên sàn chứng khoán niêm yết cho thấy, chi phí tài chính của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) tăng gấp đôi cùng kỳ, lên hơn 192 tỷ đồng. Doanh số giảm, các chi phí tăng cao khiến Vinatex lần đầu báo lỗ 5 tỷ đồng (sau cổ phần hoá). Chi phí tài chính tăng mạnh cũng là một trong những nguyên nhân làm giảm tới 99% lợi nhuận của Công ty CP Nhựa Đông Á. Theo báo cáo tài chính quý 4/2022, chi phí tài chính của DN gần 23 tỷ đồng, tăng 64% so với cùng kỳ, chủ yếu đến từ chi phí lãi vay. Chi phí tài chính của Công ty CP Vĩnh Hoàn tăng 2,7 lần, tương ứng tăng thêm 289 tỷ đồng, lên 395 tỷ đồng trong quý 4. Tháng 1/2023, Vĩnh Hoàn tiếp tục báo cáo doanh thu giảm ở các thị trường trọng điểm. Với mặt hàng thế mạnh là cá tra, giảm 44% doanh thu xuất khẩu. Lợi nhuận của Công ty CP Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC Sugar) cũng giảm một nửa do áp lực từ chi phí lãi vay. Chi phí tài chính, chủ yếu là chi phí lãi vay, tiêu tốn của DN hơn 414 tỷ đồng, gấp 2,5 lần. Trừ đi các chi phí, TTC Sugar báo lãi 122 tỷ đồng, bằng một nửa so với cùng kỳ, thấp nhất 3 năm. DN giải trình, lợi nhuận bị kéo lùi do mặt bằng lãi suất tăng, đẩy chi phí lãi vay lên cao.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, năm 2022, cả nước có 208.300 DN đăng ký thành lập mới và quay lại hoạt động. Số lượng rút lui là 143.200 DN. Như vậy, cứ 3 DN đăng ký thành lập mới thì có khoảng 2 DN rời bỏ thị trường. Xu hướng này tiếp tục kéo dài qua năm 2023, ngay tháng 1, lượng DN rút lui cao gấp 4 lần thành lập mới. Cụ thể, toàn thị trường có 43.900 DN rút lui (tạm ngừng, chờ giải thể hoặc hoàn tất giải thể).
(Còn tiếp)