Khủng hoảng Myanmar thử thách chính quyền Biden

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki trong cuộc họp báo ngày 1/2. (Ảnh: AP)
Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki trong cuộc họp báo ngày 1/2. (Ảnh: AP)
TPO - Cuộc đảo chính ở Myanmar đang được coi như một phép thử sớm đối với chính quyền Biden trong nỗ lực lấy lại vị thế của Mỹ với tư cách một nhà lãnh đạo ủng hộ dân chủ trên toàn thế giới.

Lên nắm quyền với cam kết khôi phục sự ủng hộ vững chắc của Mỹ đối với quyền con người và cởi mởi chính trị, Tổng thống Joe Biden sớm gặp phải thách thức nghiêm trọng ở Myanmar. Sau khi đầu tư nhiều thời gian, sức lực và tiền bạc để tạo nên thay đổi, Mỹ giờ đối mặt với tình thế đảo ngược dân chủ ở Myanmar, nguy cơ càng giúp Trung Quốc củng cố vị thế ở quốc gia Đông Nam Á này.

Và dù tình hình Myanmar không liên quan trực tiếp đến bất ổn chính trị nội bộ ở Mỹ, giới chuyên gia cho rằng các chính phủ nước ngoài có thể nắm bắt những dấu hiệu về sự hỗn loạn ở Mỹ trong những tháng cuối cùng của nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump.

“Nó không hẳn vì chúng ta. Mỗi thứ có động lực riêng, nhưng chắc chắn họ nắm bắt manh mối từ chúng ta. Điều kết nối cả hai sự kiện là trong suốt chiến dịch tranh cử, nhóm của ông Biden nhấn mạnh rằng ủng hộ dân chủ sẽ là ngôi sao phương bắc – một quan điểm chỉ đạo vì dân chủ”, ông Dan Fried, người từng là nhà ngoại giao của Mỹ ở châu Âu, nói với AP. 

Các trợ lý của ông Biden bác bỏ gợi ý cho rằng vụ nổi loạn ở Đồi Capitol ngày 6/1 sẽ làm giảm ảnh hưởng của Mỹ sau này. Nhưng họ thừa nhận rằng đó sẽ là một nhân tố phải tính đến khi ông Biden nỗ lực tái khẳng định vai trò lãnh đạo về giá trị của Mỹ sau 4 năm ông Trump thờ ơ.

“Mỹ vẫn là quốc gia mà thế giới trông chờ…sự lãnh đạo, và điều đó sẽ mất một chút thời gian, nhưng chắc chắn ông ấy cam kết làm điều đó”, thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki hôm qua nói về ông Biden. 

Trước đó, ông Biden ra tuyên bố nói rằng ông sẽ xem xét tái trừng phạt Myanmar. Mỹ dỡ bỏ trừng phạt Myanmar sau khi nước này chuyển đổi từ chính quyền quân sự sang dân sự khi ông Obama đang là tổng thống Mỹ. 

Tình thế ở Myanmar hiện nay được đánh giá là sẽ tạo lợi thế lớn hơn cho Trung Quốc, sau khi phương Tây đã rất nỗ lực để giảm bớt ảnh hưởng của Bắc Kinh ở quốc gia Đông Nam Á này. 

“Đây chắc chắn là một cuộc khủng hoảng sớm đối với chính quyền Biden, và nó thực sự kết tinh sự tương phản giữa thể chế mà Mỹ và Trung Quốc ủng hộ”, ông Danny Russel, cựu trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương, đánh giá. 

Theo Theo AP
MỚI - NÓNG