Tình trạng bế tắc đang bước sang ngày thứ hai, khi những người tị nạn tiếp tục cắm trại qua đêm ở biên giới Belarus. Trước đó, vài nghìn người tị nạn đã tiếp cận biên giới Ba Lan, tìm cách phá bỏ hàng rào dây thép gai khiến lực lượng an ninh Ba Lan phải sử dụng hơi cay.
Theo ước tính của Ba Lan, có tới 4.000 người người đang cố trụ ở biên giới. Trong đó, nhóm lớn nhất tập trung gần cửa khẩu Kuznica-Bruzhi.
Khoảng 10.000 người tị nạn ở những nơi khác ở Belarus cũng được cho là đang hướng về biên giới để tìm cách vào EU. Thứ trưởng Nội vụ Ba Lan – Blazej Pobozy cho biết Warsaw đã tăng cường lực lượng bảo vệ biên giới lên tới 20.000 người (gồm quân đội, cảnh sát, biên phòng), và điều thêm nhiều khí tài quân sự đến khu vực này.
Việc Ba Lan đưa quân đến biên giới bị chính quyền Belarus chỉ trích. Tổng thống Belarus - Alexander Lukashenko lên án hành động của Warsaw, gọi việc Ba Lan đưa quân đội đến đối đầu với “những người bất hạnh ở biên giới là một hình thức huấn luyện hoặc đe dọa nào đó”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ba Lan Lukasz Jasina cáo buộc Nga đang lợi dụng cuộc khủng hoảng di cư ở biên giới Ba Lan - Belarus để làm gia tăng căng thẳng ở châu Âu.
Đáp lại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết căng thẳng ở châu Âu đã kéo dài nhiều năm, một phần do châu Âu và các nước đồng minh khác như Mỹ can thiệp vào công việc của các quốc gia có chủ quyền. Bà Zakharova viện dẫn sự sụp đổ của nhà nước Iraq, “Mùa xuân Ả Rập”, chiến dịch của NATO chống lại Libya…
Đồng quan điểm, Bộ trưởng Ngoại giao Belarus Vladimir Makei biết những người tị nạn – phần lớn là người Kurd – “đều đến từ các quốc gia có vấn đề, đã trải qua sự can thiệp của phương Tây”.
“Tôi sẽ nhắc lại những gì Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov vừa nói. Trách nhiệm giải quyết cuộc khủng hoảng di cư ở biên giới Ba Lan – Belarus thuộc về phương Tây, vì nó được tạo nên bởi các hành động của phương Tây ở Trung Đông”, bà Zakharova nhấn mạnh.