Biết làm nông dân nhờ game
Với một giao diện thân thiện và dễ chơi (cả trên mobile và web), Khu vườn trên mây thực sự chinh phục được những người chơi khó tính bởi tính nhân văn mà trò chơi đem lại. Không có cảnh bạo lực, máu me, cướp bóc…, nhưng Khu vườn trên mây lại có một sức hút lạ kỳ khi xoay quanh câu chuyện của Sói, Jack và Khăn Đỏ cùng nhiều nhân vật dễ thương đã gặp trong câu chuyện cổ tích của bà, của mẹ.
Thực tế cho thấy, trên các kho ứng dụng hiện nay có rất nhiều game nông trại. Thế nhưng, không phải game nào cũng thu hút được người chơi. Nguyễn Hà Linh, cô học sinh trường Trung học Cơ sở Nam Trung Yên (Hà Nội) kể rằng, không cần mất quá nhiều thời gian, mỗi ngày, cô dành thời gian hơn 30 phút để chăm bẵm cho khu vườn nhà mình.
Với sự thân thiện, gần gũi ấy, Khu vườn trên mây đã chinh phục nhiều người chơi, đặc biệt là khách hàng trẻ tuổi. Chỉ tính riêng trên mobile, sau một năm ra mắt, game này đã có hơn 5 triệu lượt tải (tại ba hệ điều hành iOS, Android, Windows Phone). Trung bình mỗi ngày có khoảng 400.000 người chơi với 150 triệu giao dịch mỗi ngày.
Trao đổi với người viết, đại diện của VNG khẳng định, Khu vườn trên mây là sản phẩm do nhóm làm game của đơn vị này sáng tạo 100% và hoàn toàn không bắt chước bất kỳ sản phẩm nào. Sau 6 năm sản xuất và phát hành cho đến nay, Khu vườn trên mây vẫn luôn giữ được cộng đồng chơi và ủng độ đông đảo.
Tia sáng cho ngành game
Vẫn theo vị đại diện của VNG, sự thành công của Khu vườn trên mây đã tạo động lực to lớn cho đội ngũ phát triển game của VNG trong việc tự tin hơn cũng như đem lại nguồn kinh phí không nhỏ để đơn vị này chinh phục con đường làm game còn chông gai phía trước.
Thực tế cho thấy, ngành game Việt gặp không ít khó khăn trong thời gian qua. Phần vì những trò chơi đậm chất bạo lực đã và đang bị cơ quan quản lý xem xét rất ngặt nghèo, không cho phát hành. Thêm vào đó, với việc “không biên giới” của Internet, các game ngoại tràn vào với tốc độ chóng mặt cũng làm diện mạo ngành game thay đổi. Từ một ngành được xem là hái ra tiền, game Việt nhanh chóng có những bước lùi với việc “im ỉm đóng” cửa hàng loạt studio lớn, thay vào đó là những studio game nhỏ mọc lên với phương châm “làm bé, lấy ngắn nuôi dài.”
Bên cạnh đó, đa phần các game mang tính giáo dục lại hay… chết yểu. Có thể kể ra đây những game có mức đầu tư rất lớn như Thuận Thiên Kiếm hay game 7554 (cốt truyện xoay quanh chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954) đều bị khai tử sau một thời gian ngắn ra mắt thị trường.
Như vậy, có thể thấy rất rõ việc đầu tư vào ý tưởng để sản xuất game là vấn đề vô cùng quan trọng. Hãy nhìn game Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông gây sửng sốt ngành game toàn cầu với chú chim đập cánh hết sức đơn giản từ đồ họa cho đến cách chơi là một ví dụ điển hình.
Theo các chuyên gia về game, sức sống của một game online ngắn thì 8 tháng, dài thì 3-4 năm nhưng riêng Khu vườn trên mây đã bước qua tuổi thứ 6 và tiếp tục có một sức hút đáng nể. Đây có thể xem là một điểm sáng, để những người đam mê và đang sống với ngành game có thể học hỏi, từ đó xây dựng nên những trò chơi chinh phục người dùng.
Một nguồn tin từ VNG cũng tiết lộ, dù Khu vườn trên mây đã đem lại “trái ngọt” cho đơn vị trồng, nhưng VNG vẫn sẽ tiếp tục đầu tư mạnh mẽ để sản phẩm này tiếp tục mới lạ trong mắt người chơi. Bên cạnh đó, VNG sẽ tiến hành từng bước trong việc đưa Khu vườn trên mây “tiến quân” ra thị trường quốc tế, đánh dấu thêm vị trí của Việt Nam trên bản đồ game thế giới.
Với những gì đã có, chúng ta có thể đặt niềm tin vào một sự thành công của Khu vườn trên mây khi bước ra sân chơi toàn cầu...