Chiều 29/10, thảo luận về Dự thảo Luật Thuế xuất khẩu (sửa đổi) và Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế, nhiều đại biểu tỏ ra không đồng tình với quy định xóa tiền nợ thuế cho các Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thuộc danh sách cổ phần hóa (CPH) hoặc đã CPH nhưng chưa nộp thuế.
Theo ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng), quy định trên sẽ tạo ra sự bất bình đẳng, trong khi các doanh nghiệp khác phải nộp thì lại có những doanh nghiệp được xóa nợ. “Xóa thuế để CPH doanh nghiệp là khuyến khích trốn thuế, như vậy là không ổn. Nhà nước phải có quản lý, nếu không là có lỗi lớn”, ông Thuyền nhấn mạnh.
Đồng tình quan điểm trên, ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cho rằng, nếu xóa nợ sẽ dẫn đến không đảm bảo sự cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp, thành phần kinh tế. “Đối với các DNNN chúng ta thu thuế cũng đưa về ngân sách mà CPH cũng đưa về ngân sách. Do đó, không nên xóa để bảo đảm sự minh bạch. Đồng thời nên truy thu đến cùng để làm rõ trách nhiệm”,
ông Ngân nói.
Tuy nhiên, ông Bùi Đức Thụ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, xóa các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt chậm nộp đối với DNNN thuộc danh sách CPH, giao bán, sáp nhập, sắp xếp lại do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt như Dự thảo luật nhằm đẩy nhanh tiến trình CPH. Hơn nữa, DNNN thực chất cũng là tiền của nhà nước và thu thuế cũng là đưa về ngân sách nhà nước.
Đối với việc có nhiều trường hợp doanh nghiệp cổ phần hóa xong rồi cơ quan quản lý nhà nước mới phát hiện ra nợ thuế, theo ông Thụ đây cũng là vấn đề gây ra nhiều băn khoăn. “Thực hiện xong CPH tức là doanh nghiệp đã có pháp nhân mới, nay nếu ta đòi được thuế, có được không? Cái này nói thật là rất khó”, ông Thụ nói.
Tại báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Pháp luật lại không nhất trí với quan điểm của Ủy ban Tài chính – Ngân sách cũng như quy định trong Dự thảo luật. Ủy ban Pháp luật cho rằng, Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định, nguyên tắc khi CPH hoặc chuyển đổi sở hữu thì: “Công ty chuyển đổi đương nhiên kế thừa toàn bộ các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ, gồm cả nợ thuế, hợp đồng lao động và các nghĩa vụ khác của Công ty được chuyển đổi”. Vì vậy, quy định về xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt chậm nộp đối với DNNN đã thực hiện CPH hoặc chuyển đổi sở hữu và pháp nhân mới không chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ tiền thuế, tiền phạt là không phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.