Không thể trì hoãn!

Không thể trì hoãn!
TP - Sau vụ cướp 2,2 tỷ đồng trong tổng số hơn 3 tỷ đồng giữa hai lần giao ca tại trạm thu phí BOT cao tốc Long Thành - Dầu Giây, dư luận lại dấy lên câu hỏi nhức nhối bấy lâu nay: Con số thực thu của trạm này và ngót trăm trạm khác trên cả nước  hàng ngày, hàng tháng, hàng năm là bao nhiêu?

Theo báo cáo của VEC, tổng thu của trạm trên trong năm 2018 là 1100 tỷ đồng, vị chi trung bình khoảng 3 tỷ đồng mỗi ngày. Với hơn 3 tỷ đồng tiền mặt trong két sắt ở thời điểm giao ca, dư luận nghi ngờ rằng với 3 ca trong ngày, con số thu được phải lớn hơn gấp nhiều lần. VEC phủ định điều này và cho rằng, hơn 3 tỷ trong két là số tiền dồn lại của 3 ngày liên tiếp chưa kịp chuyển ngân hàng.

Chưa rõ đúng sai thế nào, bởi chưa có bên thứ ba độc lập kiểm chứng và lên tiếng. Tuy nhiên, dư luận và hàng triệu người nộp phí mỗi ngày dọc các cao tốc từ Bắc chí Nam có quyền nghi ngờ tính minh bạch của các trạm thu phí BOT. Bởi trên thực tế, việc gian lận thu phí BOT đã từng xảy ra không chỉ một lần, có vụ đã bị khởi tố. Tại sao họ nghi ngờ ? Câu trả lời nằm ở chỗ, việc thu phí tại hầu hết các trạm BOT hiện vẫn dùng tiền mặt theo phương pháp thủ công, do chính chủ đầu tư các dự án BOT thực hiện. Như vậy, người biết chính xác nhất mỗi ngày một trạm BOT có bao nhiêu lượt xe đi qua và thu được bao nhiêu tiền, lại chính là các chủ dự án BOT. Trong khi hàng triệu người dân – những chủ thể phải móc hầu bao có thời hạn - lại không hề được biết và được giám sát quá trình thu phí thủ công đầy nhạy cảm này. Lỗ hổng to tướng cho nguy cơ tham nhũng, tiêu cực cũng từ đây mà ra!

Chính vì vậy, Thủ tướng chính phủ đã ra yêu cầu bắt buộc tất cả các trạm BOT phải sử dụng công nghệ thu phí không dừng. Tức máy thu chứ không phải người thu, số lượt phương tiện lẫn số tiền thu được mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm sẽ ngay lập tức được hiển thị công khai về ngân hàng và cơ quan quản lý nhà nước. Theo lộ trình bắt buộc, hết năm 2018 tất cả các trạm trên QL1 phải thu phí không dừng, hết 2019 là tất cả các trạm trên toàn quốc. Đáng buồn, đến nay mới có lác đác một số trạm triển khai ì ạch công nghệ này, với rất nhiều lý do được đưa ra chủ yếu liên quan tới việc chọn nhà thầu công nghệ. Xin lưu ý, công nghệ thu phí không dừng thời 4.0 này đã được thế giới dùng từ lâu, rất phổ biến và dễ dàng.

Lý do các chủ đầu tư BOT trì hoãn việc thu phí không dừng cũng hoàn toàn dễ hiểu. Chậm ngày nào, nguy cơ người dân bị “móc túi” ngày đó. Chậm ngày nào, cơ hội trục lợi của chủ đầu tư kéo dài ngày đó. Không loại trừ có lợi ích nhóm trong tình huống này.

Vậy nên, công khai minh bạch trong việc thu phí tại các trạm BOT, tức công khai minh bạch vòng đời thu phí trên các con đường BOT theo thời gian thực, là đòi hỏi cấp thiết của người dân. Thu phí không dừng chính là phòng chống tham nhũng. Không thể trì hoãn phòng chống tham nhũng, và không ai cho phép điều đó!

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".