Hội nghị Trung ương 3, khóa XI vừa kết thúc với một quyết định mạnh mẽ: Tái cơ cấu nền kinh tế. Cuối tuần qua, báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội cũng đề cập vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế.
Điều đó cho thấy, tái cơ cấu đang là vấn đề vô cùng bức thiết đối với nền kinh tế vốn đang tiềm ẩn nhiều bất ổn. Tuy nhiên, không ít các Đại biểu Quốc hội lấy làm băn khoăn: “Tái cơ cấu nền kinh tế, không thể chỉ nói suông”.
Không phải đến bây giờ vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế mới được nói tới, mà từ chục năm trước, việc chuyển dịch nền kinh tế (một hình thức của tái cơ cấu kinh tế) đã được đặt ra. Tuy nhiên, cho đến nay hiệu quả của nó vẫn chưa có gì rõ rệt, đáng kể.
Có nhiều nguyên nhân khiến tiến trình chuyển dịch - tái cơ cấu nền kinh tế chuyển biến chậm chạp và nặng về hô khẩu hiệu. Song theo các chuyên gia, căn cốt của vấn đề nằm ở “nút thắt tư duy”. Tiến sỹ Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc nghiên cứu Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright có lý khi cho rằng chúng ta đang sử dụng một “hệ điều hành” quá cũ để điều hành một nền kinh tế mới - nền kinh tế mở, hội nhập ngày càng sâu với thế giới. Hệ quả của nó là sự tụt hậu của nền kinh tế, sự kém hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước, hệ thống ngân hàng, tài chính chưa đủ vững mạnh...
Nhiều chuyên gia cho rằng, tái cơ cấu nền kinh tế sẽ khó có hiệu quả như mong đợi nếu không có sự can đảm, quyết tâm từ phía Chính phủ để tiến hành cuộc đại phẫu thuật nền kinh tế. Đó là một nền kinh tế khỏe mạnh, cường tráng trong tương lai, một nền kinh tế đi vào đúng quỹ đạo cạnh tranh lành mạnh để phát triển, nền kinh tế mà ở đó không còn những mệnh lệnh hành chính khiên cưỡng.
Tin rằng, chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế từ Hội nghị T.Ư 3 của Đảng sẽ nhanh chóng đi vào cuộc sống bằng những quyết sách đúng đắn, kịp thời trên cả 3 lĩnh vực đầu tư công, thị trường tài chính và doanh nghiệp nhà nước.