Ông Lê Văn Khương, Trưởng phòng Doanh nghiệp (Cục phát triển Doanh nghiệp, Bộ KH&ĐT), đơn vị soạn thảo luật khẳng định, Dự thảo Luật không vi phạm các cam kết quốc tế và VCCI cũng đã có văn bản khẳng định điều này. “Luật không hỗ trợ trực tiếp mà hỗ trợ tất cả doanh nghiệp (DN) nói chung, không bao cấp, không đưa tiền cho DN, không làm cho DN ỷ lại, nhỏ mãi không chịu lớn”, ông Khương nói.
Về ý kiến Dự thảo Luật này đè lên 7 Luật khác nên không khả thi, đại diện Bộ KH&ĐT cho biết, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã quán triệt, Luật không đụng chạm 3 luật cơ bản (Luật đất đai, Luật ngân sách nhà nước và Luật thuế). Quy định về thuế sẽ tổng hợp sửa đổi ở Luật thuế. Trong hồ sơ Dự thảo Luật hỗ trợ DNNVV đã đánh giá sự liên quan đến các luật khác nhau để khi thực hiện không có xung đột, 1 luật sửa nhiều luật.
Về nguồn lực hỗ trợ, Cục Phát triển DN khẳng định không có chuyện lấy ngân sách để hỗ trợ đều cho cả 500.000 DN trên cả nước, với số tiền khoảng 10 triệu đồng/DN. “Chúng tôi chọn 3 nhóm DN và các DN tiềm năng để hỗ trợ, không hỗ trợ tất cả 500.000 DN hiện có bởi nếu làm vậy thì thành phát chẩn”, lãnh đạo Cục phát triển DN nói.
Về tên gọi của Dự thảo Luật, Bộ KH&ĐT khẳng định, thông lệ quốc tế không nước nào gọi Luật bảo vệ DNNNVV nên Ban soạn thảo chọn tên gọi Luật hỗ trợ DNNVV để phù hợp với các nước khác.
Trả lời câu hỏi về việc thực thi Luật sau khi ban hành, đại diện Bộ KH&ĐT cho rằng, khâu thực thi pháp luật của Việt Nam chưa tốt nên còn câu chuyện hành xử của công chức khi hỗ trợ DN. Trong quá trình thực thi Luật, với các nghị định hướng dẫn cụ thể sẽ hạn chế tối đa điểm yếu này.