Không được ăn tiết canh và gia cầm ốm

Không được ăn tiết canh và gia cầm ốm
TP - Hôm qua (18/6), PGS.TS Nguyễn Trần Hiển - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho biết, qua phân lập virus cúm ở các trường hợp nhiễm H5N1 thời gian qua các nhà khoa học đã phát hiện có sự thay đổi nhỏ ở gene của virus cúm A/H5N1.

Tuy nhiên, về cơ bản chủng virus cúm H5N1 phân lập đầu năm 2007 không khác nhiều so với chủng virus của các năm trước đó. TS Hiển cho biết thêm để khẳng định những thay đổi này theo chiều hướng khiến bệnh cảnh nặng lên hay nhẹ đi thì vẫn phải nghiên cứu thêm.

Cùng ngày, TS Nguyễn Huy Nga - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, liên quan đến trường hợp tử vong của bệnh nhân nam 20 tuổi, ở xã Khánh Thượng (Ba Vì- Hà Tây) tại Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia do nhiễm cúm A H5N1 (phát bệnh ngày 2/6, tử vong ngày 10/6), ngành y tế đã tiến hành bao vây địa bàn có phát sinh người nhiễm, tiến hành tiêu độc khử trùng môi trường và giám sát toàn bộ những người có tiếp xúc với bệnh nhân.

Đây là bệnh nhân đầu tiên tử vong sau 17 tháng Việt Nam không có bệnh nhân nhiễm virus H5N1. Được biết, trước khi mắc bệnh, gia đình bệnh nhân có nuôi 20 con gà chọi cùng vịt.

Tuy nhiên kết quả xét nghiệm những con gà chọi mà bệnh nhân nuôi và sử dụng lại cho kết quả xét nghiệm âm tính với virus cúm gia cầm. Hiện ngành y tế đang triển khai nghiên cứu và tìm ra cơ chế lây nhiễm virus cúm gia cầm ở trường hợp đặc biệt này.

Trước tình hình liên tiếp có người mắc cúm A/H5N1, hôm qua Bộ Y tế tiếp tục cảnh báo yêu cầu người dân tuyệt đối không được ăn tiết canh gia cầm, nhất là tiết canh vịt vì nguy cơ lây nhiễm virus cúm A/H5N1 là rất lớn, không nên ăn thịt gia cầm không rõ nguồn gốc, thịt gia cầm ốm.

Mới đây Bộ Phúc lợi, Lao động và Y tế Nhật Bản cảnh báo, số người có các triệu chứng bất thường khi dùng thuốc trị cúm gia cầm Tamiflu ở nước này đã tăng lên 211 người trong năm 2007 và tổng cộng là 1.377 người kể từ khi Nhật Bản đưa thuốc vào sử dụng từ năm 2001. Nguyên nhân ban đầu được các nhà khoa học Nhật Bản cho rằng có thể Tamiflu gây ức chế thần kinh, sinh ra nhiều tác dụng phụ.

Đề cập đến thông tin trên, ông Nguyễn Huy Nga cho biết, Việt Nam chưa ghi nhận bất cứ trường hợp nào bị phản ứng phụ với thuốc Tamiflu. Trong thời gian qua, các bác sĩ Việt Nam vẫn sử dụng Tamiflu để điều trị cho bệnh nhân đạt hiệu quả cao.

Hiện nay Bộ Y tế đã chuẩn bị hơn 20 triệu viên Tamiflu ở dạng viên và nguyên liệu dự trữ tại 5 công ty dược để sẵn sàng đối phó với đại dịch cúm A H5N1 có thể xảy ra trên người.

TS Nguyễn Trần Hiển cho biết thêm, vắc xin phòng H5N1 do các nhà khoa học của Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư nghiên cứu sắp được thử nghiệm lâm sàng trên người.

Đến nay, công tác chuẩn bị thử nghiệm đã cơ bản hoàn thành với 20-30 người tình nguyện được chọn thử dùng vắc xin này. Tuy nhiên, vắc xin này được thử nghiệm nhanh hay chậm phụ thuộc vào quyết định của Hội đồng Khoa học và Hội đồng Đạo đức của Bộ Y tế.

TS Hiển cho biết việc thử nghiệm vắc xin lần này nhằm kiểm tra tính an toàn và khả năng sinh miễn dịch của vắc xin.

MỚI - NÓNG