Đạo diễn Anh Tú bảo, anh không thích dùng từ Việt hóa khi nói về bản dựng Hamlet cho Nhà hát kịch Việt Nam, nhưng thừa nhận “chăm chăm làm cho người Việt”. Điều này thể hiện trước hết ở nỗ lực cắt ngắn hết sức có thể, đưa kịch bản Hamlet kéo dài hơn bốn tiếng xuống một nửa. Anh mạnh dạn phóng tác trò dân gian Xuân Phả (Thanh Hóa) đưa vào màn mở đầu và một vài lớp kịch khác trong vở diễn. Mấy câu song thất lục bát trong đoạn Hamlet và Ophelia thể hiện tình cảm cũng đưa vở diễn trở nên gần gũi hơn. Trang phục và hóa trang không cố giả Tây, khiến diễn viên có phần tự nhiên, khán giả thấy vừa mắt hơn.
“Hamlet không phải một vở về trả thù”, Anh Tú chia sẻ. Anh lí giải, nếu chỉ đơn giản trả thù, Hamlet không phải day dứt, vật vã đến thế. Anh chọn cách khai thác tinh thần nhân văn, tính thời đại của Shakespeare ở khía cạnh lôi tất cả phần tăm tối nhất của con người ra ánh sáng, tập trung nhấn vào bốn đoạn độc thoại của Hamlet, Claudius, Gertrude và Ophelia. Ở Hamlet là sự day dứt, đấu tranh tiêu diệt cái ác dù phải trả giá đắt. Hoàng hậu Gertrude là màn tự vấn về tội lỗi, đức hạnh, còn màn độc thoại của Ophelia cho thấy một bi kịch của tình yêu trong một xã hội giả dối.
NSƯT Trung Anh đóng đinh vai hiền lành, thừa nhận khá đắn đo khi nhận vai Claudius. Anh nói đồng cảm với đạo diễn ở khía cạnh bắt con người đối diện với tội lỗi của mình. “Không tập trung nhiều vào thể hiện cái ác qua ngoại hình, cử chỉ, tôi nhấn vào màn độc thoại của Claudius-phần thật nhất của con người. Ông ta biết được tội ác, ý thức được tội ác nhưng vẫn phạm tội. Ông ta muốn sám hối, nhưng lại biện minh cho cái xấu, cái sai bằng những việc như cầu Chúa, rồi nghĩ rằng nước mưa rửa sạch bàn tay”, anh nói. Phần nào Trung Anh thoát được chất hiền lành, diễn tả được chân dung một kẻ giết anh đoạt ngôi vua, cướp luôn hoàng hậu.
Hamlet là vở diễn chồng chất bi kịch, cái chết nhưng không quá bi lụy khi đạo diễn chọn cái kết le lói ánh sáng hy vọng. Hamlet cùng Laertes được lên thiên đàng sau màn thách đấu. Claudius và Gertrude phải chết để trả giá cho tội lỗi, tuy nhiên, đạo diễn để hai con người này được chuộc lỗi và có quyền hy vọng. Claudius sau khi chết dưới lưỡi gươm của Hamlet, cảm thấy thanh thản, vì tội lỗi đã phải trả giá, thoát được tảng đá đè nặng tâm trí mỗi đêm. Hai con người ấy cầm tay nhau đến một thế giới khác, ở đó họ thể sửa sai và tiếp tục yêu nhau.
Đạo diễn rắp tâm dùng những vở kịch kinh điển để nâng trình cho diễn viên. Danh xưng anh cả đỏ mất dần, khi những diễn viên gạo cội lần lượt hưu, diễn viên trẻ hiện tại ít năm qua khá mờ nhạt. NSƯT Anh Tú thành công khi nâng tầm diễn xuất của những gương mặt trẻ. Tạ Tuấn Minh nhận được nhiều lời khen của báo giới sau mấy đêm diễn chiêu đãi. So với hôm chạy vở đầu tiên, Minh biết cân đối sức và chuyển tải tinh thần của chàng Hamlet trong cuộc chiến không khoan nhượng cái ác. Anh diễn như nhập đồng ở nhiều tầng lớp diễn biến tâm lý của Hamlet. Khuất Quỳnh Hoa trong vai Ophelia, Phương Nga vai hoàng hậu Gertrude ít nhiều chiếm cảm tình của khán giả. Diễn viên phụ như Việt Thắng (Polonius), Mai Nguyên (Guildenstern) hay Phú Đôn vai phù đào huyệt dù ít đất diễn, nhưng tròn vai.
Có thể Hamlet của Nhà hát Kịch Việt Nam là bản dựng gần gũi, phù hợp với khán giả Việt Nam. Tuy vậy nhiều khán giả khó tính muốn đạo diễn phải cầu kỳ hơn nữa: Ví như đoạn Hamlet cố tình mời gánh hát vào cung để diễn lại câu chuyện giết vua bằng cách đổ thuốc độc vào tai, ám chỉ thủ phạm sát hại đức vua Đan Mạch, cha của Hamlet.
Thậm chí màn thách đấu giữa Laertes và Hamlet, cốc rượu độc và một loạt cái chết bi thảm ở cuối cần sức nặng, ấn tượng và kịch tính hơn nữa. Đạo diễn Anh Tú còn tiếc nuối, dù nhạc sỹ Giáng Son sáng tác xong hai ca khúc về tình yêu của Hamlet và Ophelia, nhưng diễn viên chưa hát được. Đây cũng là một ý tưởng của đạo diễn để vở diễn thêm mềm mại.
Một đêm duy nhất tại Nhà hát Lớn
Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam Nguyễn Thế Vinh nói rằng nhất định phải kéo khán giả trở lại với sân khấu. Có thể là hơi liều và cũng là cách làm sang cho một vở kịch kinh điển trở lại sân khấu sau cả chục năm, nhà hát quyết bán vé tới 1 triệu đồng. Hamlet diễn một tối 3/11 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, sau đó trở lại diễn định kỳ tối thứ sáu, thứ bảy hằng tuần tại sân khấu Nhà hát Kịch Việt Nam số 1 Tràng Tiền.