Không để trò chơi dân gian biến thành cá cược thương mại

Lễ hội chọi trâu tại Lập Thạch - Vĩnh Phúc.
Lễ hội chọi trâu tại Lập Thạch - Vĩnh Phúc.
TP - Bộ VHTT&DL trình Chính phủ xin chủ trương xây dựng Nghị định về quản lý và tổ chức lễ hội, trong đó phần được chú ý nhất liên quan thủ tục cấp phép lễ hội.

Tờ trình của Bộ trưởng VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện nêu, dù công tác tổ chức lễ hội những năm qua có chuyển biến tích cực nhưng vẫn có những lễ hội chỉ chú trọng hình thức quy mô, chưa đảm bảo nội dung. Bộ VHTT&DL cũng nêu một loạt bất cập như: Một số lễ hội duy trì tập tục chứa đựng yếu tố bạo lực chưa phù hợp xu thế thời đại; phản cảm, bạo lực vẫn diễn ra ở không ít lễ hội; thực hiện văn minh lễ hội còn yếu; đặc biệt xuất hiện xu hướng tự nâng cấp, đặt tên lễ hội thành quốc gia, quốc tế, thương mại hoá làm giảm nét đẹp văn hóa trong hoạt động lễ hội. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo đánh giá của Bộ VHTT&DL chưa đầy đủ, cho nên cần thiết phải có Nghị định riêng về quản lý và tổ chức lễ hội để khắc phục những hạn chế nêu trên.

Về cấp phép lễ hội, Bộ đề xuất với các lễ hội sau đây cần phải được cấp phép trước khi tổ chức thực hiện: Lễ hội dân gian được khôi phục lại sau nhiều năm gián đoạn ở quy mô tổ chức trong nhiều huyện thuộc một tỉnh, lễ hội VHTT&DL quy mô toàn quốc hoặc khu vực, lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài tổ chức tại Việt Nam. Theo đó Bộ trưởng VHTT&DL cấp giấy phép đối với lễ hội VHTTDL quy mô khu vực hoặc toàn quốc. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cấp giấy phép đối với các lễ hội có nguồn gốc nước ngoài. Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố cấp phép các lễ hội cấp tỉnh.

Để có được giấy phép tổ chức lễ hội, lễ hội đó phải hội đủ các yêu cầu: Không thể hiện các nghi thức mô tả cảnh đâm chém, đánh đập tàn bạo, rùng rợn, kinh dị hay mô tả cảnh thỏa mãn, khoái trá của kẻ gây tội ác; đảm bảo nội dung của phần nghi lễ và các hoạt động lễ hội không chứa đựng các nội dung thể hiện sự kích động bạo lực, truyền bá các hành vi tội ác trái với truyền thống yêu hòa bình và nhân ái của dân tộc; nội dung, hình thức lễ hội không tuyên truyền mê tín dị đoan làm mê hoặc người khác, trái với tự nhiên, gây tác động xấu về nhận thức, bao gồm: cúng khấn trừ tà ma, chữa bệnh bằng phù phép; lên đồng phán truyền, xem bói, xin xăm, xóc thẻ, truyền bá sấm trạng, phù chú và các hiện tượng tương tự khác; không lợi dụng việc tổ chức lễ hội để thương mại hóa nhằm mục đích trục lợi cá nhân.

Không để trò chơi dân gian biến thành cá cược thương mại ảnh 1 Nghị định quy định quản lý và tổ chức lễ hội được kỳ vọng chấn chỉnh bất cập lễ hội. Ảnh: Nhật Minh.

Bỏ nếu không phù hợp

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền cho rằng về mặt quản lý nhà nước một nghị định về lễ hội là hết sức cần thiết. “Lễ hội không đơn giản là một di sản văn hoá, hiện nay nó là hoạt động mang tính cộng đồng và trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống văn hoá xã hội. Đơn giản như đốt vàng mã, xả rác thải trong lễ hội cũng là vấn đề xã hội. Vì vậy nhà quản lý có ra mệnh lệnh quản lý cũng là điều dễ hiểu. Lễ hội giờ không còn là lễ hội làng quê, không phải ai muốn làm gì thì làm”, ông Bùi Trọng Hiền nói.

Lãnh đạo Bộ VHTT&DL cũng báo cáo Chính phủ một số giải pháp chấn chỉnh tình trạng lợi dụng lễ hội để thương mại, trục lợi. “Hiện tượng thương mại hoá lễ hội, coi trọng mục tiêu về kinh tế khi tổ chức lễ hội dẫn đến nhận thức sai lệch về lễ hội. Nhiều nơi còn coi di tích và lễ hội là nguồn lợi riêng của địa phương nên tập trung khai thác giá trị kinh tế, dịch vụ làm giảm giá trị truyền thống của lễ hội”, lãnh đạo Bộ nêu.

“Người ta nương theo khẩu hiệu du lịch tâm linh, thương mại hoá-xu hướng tất yếu của xã hội mới- để kiếm tiền cho địa phương và cá nhân. Phải thẳng thắn nhìn nhận thương mại không xấu, bởi di sản đem lại giá trị thương mại là chuyện bình thường nhưng nếu hành vi đó gây ảnh hưởng tới xã hội thì cần quản lý cụ thể bằng luật. Chúng ta không thể thả nổi tự nhiên để họ thích làm gì thì làm, để họ chặt chém tăng giá vô độ, bày ra trò chơi dân gian như chọi trâu thành hình thức cờ bạc, đánh cược thương mại. Đến lúc chúng ta phải kiểm soát hành vi đó”, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiện nói.

Một số nhà nghiên cứu lâu nay lên tiếng vì không riêng chọi trâu, trong hàng chục năm qua chúng ta làm sống dậy nhiều giá trị văn hoá, lễ hội cổ xưa không còn phù hợp. “Trong xã hội ngày nay cần đặt vấn đề khác hẳn với xã hội Trung cổ. Những lễ hội đó không phải cái nào cũng cần sống lại, phục hồi nguyên si. Mỗi giá trị văn hoá sinh ra có thời điểm phù hợp, đặc biệt hành vi tín ngưỡng, đả thương hay sát sinh đó”, Bùi Trọng Hiền nói.

Trao đổi với Tiền Phong, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Trịnh Thị Thủy cho biết Bộ đã trình Chính phủ xin chủ trương xây dựng nghị định. Sau khi có ý kiến của Chính phủ, Bộ sẽ thành lập ban soạn thảo, tổ biên tập để thống nhất dự thảo nội dung và lấy ý kiến rộng rãi. Nghị định này sẽ tạo hành lang pháp lý không cho phép phục dựng tràn lan các lễ hội nói chung, lễ hội chọi trâu không gắn với truyền thống nói riêng.

Về di sản văn hoá phi vật thể quốc gia Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nói, Bộ có văn bản đề nghị tăng cường công tác quản lý lễ hội nhất là chọi trâu. Cuối  tháng 8, Bộ phối hợp Hải Phòng tổ chức toạ đàm lấy ý kiến các nhà quản lý, chuyên gia để điều chỉnh việc tổ chức lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn cho phù hợp.

Đối với các lễ hội dân gian định kỳ, dự thảo Nghị định nêu BTC có trách nhiệm thông báo bằng văn bản chậm nhất 20 ngày trước ngày tổ chức tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định, trong đó nêu rõ tên, nội dung, quy mô, thời gian, địa điểm và các điều kiện cần thiết để đảm bảo trật tự an toàn và bảo vệ môi trường.

Dự thảo Nghị định này cũng nêu biện pháp giảm chi phí tổ chức lễ hội, hạn chế quy trình thủ tục không cần thiết gây lãng phí; đưa hoạt động lễ hội về đúng giá trị văn hoá cộng đồng, tâm linh chứ không phải sự kiện mang tính chất thương mại.

MỚI - NÓNG