Không để người có biểu hiện tham nhũng tham gia bộ máy lãnh đạo

Quang cảnh hội nghị
Quang cảnh hội nghị
TP - Theo Báo cáo tổng hợp của Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam thì vấn đề chuẩn bị nhân sự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII là một trong những nội dung được nhân dân quan tâm đặc biệt trong năm 2015.

Ngày 29/12, Hội nghị lần thứ bảy Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương (T.Ư) Mặt trận tổ quốc (MTTQ) Việt Nam đã chính thức khai mạc. Theo Báo cáo tổng hợp của Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam thì vấn đề chuẩn bị nhân sự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII là một trong những nội dung được nhân dân quan tâm đặc biệt trong năm 2015.

Báo cáo cũng nêu rõ, đại đa số các tầng lớp nhân dân đều tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của Nhà nước. Tuy nhiên, nhân dân mong muốn nhân sự được bầu vào các chức vụ chủ chốt trong Đảng, chính quyền tới đây phải là những người có đủ đức, đủ tài. Nhân dân cũng đề nghị Đảng, Nhà nước kiên quyết loại trừ những trường hợp thoái hóa, biến chất, có biểu hiện tham nhũng, lợi ích nhóm tham gia vào bộ máy lãnh đạo các cấp.

Cũng theo Báo cáo, hiện nhân dân hết sức lo lắng trước tình trạng thực phẩm không an toàn. Các loại trái cây, thực phẩm… có xuất xứ từ Trung Quốc chứa độc tố xuất hiện tràn lan. Bên cạnh đó, việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và sử dụng hoạt chất cấm trong sản xuất, chế biến nông sản đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người tiêu dùng. 

Đối với ý kiến của nhân dân bất bình trước việc Trung Quốc tăng cường các hoạt động cải tạo, bồi đắp xây dựng công trình tại hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, Báo cáo cho biết, Bộ Ngoại giao đã có văn bản trả lời. Theo đó, từ tháng 9-2014 đến nay, Trung Quốc ráo riết triển khai các hoạt động bồi đắp, cải tạo và xây dựng quy mô lớn trên các cấu trúc mà Trung Quốc đang chiếm đóng bất hợp pháp tại Trường Sa. Những hoạt động này của Trung Quốc đã vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông, phá vỡ nguyên trạng Biển Đông, đe dọa đến hòa bình, ổn định, tự do hàng hải và hàng không trong khu vực.

Hành động trên của Trung Quốc cũng đã vi phạm chủ quyền Việt Nam và đi ngược lại nhận thức của lãnh đạo hai nước cũng như Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam  - Trung Quốc năm 2011. Từ đầu năm 2015 đến nay, Bộ Ngoại giao đã có 22 lần tiếp xúc, trao đổi với đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, trong đó có 7 lần giao thiệp và trao 9 công hàm phản đối việc làm của Trung Quốc tại Biển Đông.

MỚI - NÓNG