Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:

Không để ngư dân vay nặng lãi vươn khơi

 Ngư dân bám biển xa gặp nhiều khó khăn. ảnh: Nam Cường
Ngư dân bám biển xa gặp nhiều khó khăn. ảnh: Nam Cường
TP - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo tại Hội nghị chuyên đề về tìm giải pháp và chính sách phát triển thủy sản tổ chức hôm qua (15/4) tại Đà Nẵng, rằng: Cố gắng bằng mọi giá không để ngư dân vay nặng lãi vươn khơi”.

“Biển là tiềm năng, lợi thế, là không gian sinh tồn của dân tộc, giúp chúng ta hội nhập quốc tế. Ngư dân bám biển giúp chúng ta giữ vững chủ quyền biển đảo, vì thế, bằng mọi giá, huy động mọi nguồn lực tốt nhất có thể, mọi sức mạnh từ Nhà nước, nhân dân và doanh nghiệp để giúp bà con ngư dân kiên cương bám biển, vượt mọi khó khăn. Cố gắng bằng mọi giá không để ngư dân vay nặng lãi vươn khơi”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo tại Hội nghị chuyên đề về tìm giải pháp và chính sách phát triển thủy sản tổ chức hôm qua (15/4) tại Đà Nẵng.

Hội nghị do Bộ NN&PTNT tổ chức, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát. Tham gia có đại diện các bộ, ban ngành liên quan cùng lãnh đạo 28 tỉnh thành ven biển và tỉnh Vĩnh Long.

Đừng để ngư dân sợ ra khơi vì… chính sách

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, đến năm 2013, có gần 118 ngàn tàu cá tham gia khai thác thủy sản, trong đó tàu công suất trên 90CV là 28.285 chiếc (chiếm trên 23%), sản lượng khai thác 2,7 triệu tấn. Cả nước có 3.750 tổ đội sản xuất với 22 ngàn tàu cá tham gia (145 ngàn lao động) và 50 nghiệp đoàn đã đi vào hoạt động. Tuy nhiên, một thực trạng đáng báo động là do vướng phải nhiều khó khăn khác nhau, ngày càng nhiều ngư dân bỏ biển trở về bờ.

Bộ trưởng Phát cho hay, đến 90% tàu cá đóng bằng tàu gỗ, sử dụng động cơ từ thiết bị cũ, thiếu thiết bị bảo quản đảm bảo chất lượng hải sản cho chế biến và xuất khẩu. Do vậy, tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch lên tới 25-30%. Riêng với tàu đánh bắt xa bờ, hiện ngư dân gặp rất nhiều khó khăn, một trong những nguyên nhân là thiếu vốn do chính sách hỗ trợ cứng nhắc, bất cập.

Chương trình hỗ trợ ba năm 2008-2010 chỉ hỗ trợ được 23 tàu cá công suất 90CV trở lên đóng mới; thay máy mới cho 120 tàu 40CV trở lên. Do mức hỗ trợ thấp, giá máy mới 100% nhập khẩu lại quá cao nên không khuyến khích được ngư dân. Các chính sách khác như giảm thiểu rủi ro, phòng tránh thiên tai trên biển; hỗ trợ ngư dân khai thác trên các vùng biển… đều còn nhiều hạn chế.

Ông Phạm Gia Khiêm, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về biển đảo, cho rằng, cần phải đầu tư hơn nữa vào mô hình sản xuất, không thể cứ để mãi ngư dân phát triển hình thức “săn bắt, hái lượm” như hiện nay.

“Đừng để ngư dân sợ ra khơi vì chính sách, như thế là chúng ta thua rồi”, ông Khiêm nói. Ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, nhận định, chúng ta đang sử dụng “tính nhân dân” quá nhiều: Đào tạo không có, bảo quản không có, vốn liếng cho đóng tàu không có, sản xuất cũng không nốt. Ngư dân vẫn phải đi biển, mỗi chuyến đi bao bọc 10-15 trụ cột gia đình, vay hàng trăm triệu đồng, lỗ cũng phải đi.

Đóng tàu vỏ thép: Có ngay 10 ngàn tỷ

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình khẳng định: Trước mắt, NHNH có ngay một khoản tiền 10 ngàn tỷ đồng để triển khai hỗ trợ, đặc biệt chú trọng cho ngư dân toàn quốc đóng tàu mới công suất lớn, tàu vỏ thép vươn khơi xa.

Theo ông Bình, đến lúc đặt ra vấn đề đóng mới toàn diện. Gói 10 ngàn tỷ đồng cho ngư dân vay đóng tàu sắt, tàu công suất lớn với thời hạn 10 năm, lãi suất 6%. Địa phương phải hỗ trợ 2 - 3%, như thế mới mong ngư dân nhẹ gánh.

“Tiền đã có, nhưng quan trọng cách tổ chức, phối hợp giữa các bộ, ngành với địa phương. Đóng tàu sắt 5-7 tỷ đồng, mỗi chuyến ra khơi xấp xỉ 1 tỷ đồng. Như vậy, ngư dân ra khơi, ôm 6-8 tỷ đồng mà toàn bộ là tiền ngân hàng. Ngư dân phải thế chấp bằng tàu vì không còn gì để thế chấp. Và nữa, nợ quá hạn ngân hàng có dám xiết tàu không? Chắc chắn không. Bởi thế, phải có chính sách hợp lý. Nên chăng chuyển sang hỗ trợ từng hộ dân sang hợp tác xã, doanh nghiệp? Trách nhiệm phân chia rõ ràng. Có như vậy các tổ chức tín dụng mới hào hứng nhập cuộc”, Thống đốc Bình nói.

Khi Thống đốc vừa ngắt lời, Thủ tướng hỏi, có ngay vốn 10 ngàn tỷ đồng, nhưng NNHN có thể giảm lãi suất cho vay xuống còn 5% được không? Thủ tướng chỉ đạo: NHNN giảm lãi suất xuống còn 5%, các địa phương phải cùng gánh lãi suất với T.Ư, tức là địa phương hỗ trợ ngư dân từ 2 - 3% lãi suất. Ngư dân vay vốn chỉ còn lại 2 - 3%/năm lãi suất, đó là mức chấp nhận được. Nhiều lãnh đạo tỉnh thành tán đồng chủ trương này.

Ông Văn Hữu Chiến, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, sau khi trao đổi nhanh với Bí thư Thành ủy Trần Thọ, đã quyết định Đà Nẵng sẽ hỗ trợ 2% lãi suất cho ngư dân trong gói 10 ngàn tỷ đồng.

Tuy nhiên, do vốn tự bỏ ra lớn, không phải ngư dân nào cũng mặn mà với tàu sắt. “Nhà nước cho vay 5 tỷ, ngư dân bỏ ra 5 tỷ để đóng tàu sắt, họ cho rằng thà để 5 tỷ đóng tàu gỗ còn hơn. Cho dù cá ngừ xuất khẩu sang Nhật, họ yêu cầu con cá từ khi vớt khỏi mặt nước đến khi đưa sang chỉ có 10 ngày. Ngư dân đi một chuyến hết 15-20 ngày, rồi đóng gói, đưa vào TPHCM, như thế mất cả tháng”, bà Trần Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, nói.

Ra mắt Lực lượng Kiểm ngư Việt Nam

Không để ngư dân vay nặng lãi vươn khơi ảnh 1Sáng 15/4, tại Đà Nẵng, Lực lượng Kiểm ngư Việt Nam thuộc Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) chính thức ra mắt. Lực lượng thực hiện chức năng kiểm tra, tuần tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật và thanh tra chuyên ngành thủy sản trên các vùng biển Việt Nam, đồng thời góp phần hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân yên tâm sản xuất, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tham gia bảo vệ an ninh, trật tự và chủ quyền quốc gia trên các vùng biển. Lực lượng Kiểm ngư được tổ chức từ trung ương đến các vùng, gồm Cục có trụ sở chính ở Hà Nội và 4 chi cục kiểm ngư.

Được mùa cá ngừ đại dương

Ngày 15/4, ông Biện Minh Tâm, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên, cho biết, từ đầu tháng 4 đến nay, gần 50 tàu câu cá ngừ đại dương của ngư dân thành phố Tuy Hòa đã về bến sau nhiều ngày đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa-Trường Sa, với sản lượng bình quân hơn 1,5 tấn cá/tàu, thu lãi trên dưới 80 triệu đồng.

Tính ra, mỗi thuyền viên đi một chuyến biển dài khoảng 25 ngày có thu nhập 4-5 triệu đồng. Cá ngừ đại dương đang di chuyển xuống phía Nam và xuất hiện khá nhiều, nên các tàu sau khi cập bến khoảng ba ngày sẽ xuất bến với ngư trường tập trung ở khu vực quần đảo Trường Sa.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên, sản lượng cá ngừ đại dương từ đầu vụ đến nay đạt khoảng 1.900 tấn.

Văn Tài

MỚI - NÓNG
Chính sách vượt trội của Phú Yên
Chính sách vượt trội của Phú Yên
TPO - Hiệp hội Xúc tiến Phát triển Điện ảnh Việt Nam công bố kết quả thực hiện chỉ số thu hút đoàn làm phim. Tỉnh Phú Yên dẫn đầu cả nước ở bộ chỉ số thu hút đoàn làm phim (PAI). Danh sách Top 10 còn có nhiều địa phương hấp dẫn như TPHCM, Đà Nẵng, Ninh Bình.