Tàu có chiều dài trên 25 mét rộng 7,5m, cao 3,6m, tổng trọng tải khoảng 120 tấn, công suất trên 900 CV.
Vừa cho con tàu cá vỏ thép sừng sững còn mới tinh chạy từ Nha Trang (Khánh Hòa) vào neo đậu tại cảng Sa Cần, ngư dân Mai Thành Văn, trú ở xã Bình Chánh (Bình Sơn) vui mừng cho biết, ông không nghĩ rằng mình lại được sử dụng con tàu cá “khủng” và hiện đại như vậy.
Tuy chưa vươn khơi xa, nhưng trong quá trình di chuyển từ Khánh Hòa về Quảng Ngãi, tàu cá này đã cho thấy tính vượt trội về tốc độ di chuyển, tính an toàn cùng các tính năng của thiết bị hàng hải, cũng như mức tiêu thụ nhiên liệu so với tàu vỏ gỗ truyền thống.
“Để chuẩn bị cho chuyến vươn khơi sắp tới còn nhiều việc phải làm như làm quen với các thiết bị trên tàu, công tác vận hành. Ngoài ra phải đầu tư thêm gần 2 tỷ đồng để mua ngư cụ, tiếp thêm nhiên liệu... Chỉ mong những chuyến biển làm ăn hiệu quả, tàu về tôm cá đầy khoang là mừng”, ngư dân Mai Thành Văn bộc bạch.
Theo ông Văn, ngoài các tính năng vượt trội so với tàu vỏ gỗ, trên tàu cá vỏ thép của ông còn được trang bị đầy đủ các trang thiết bị hàng hải như la bàn, radar, thiết bị định vị toàn cầu GPS, thiết bị cứu sinh, cứu hỏa, nên đảm bảo an toàn và kéo dài thời gian hoạt động trên biển. Đây là điều mơ ước của ngư dân đang hoạt động tại các ngư trường xa bờ.
Ông Lê Văn Toàn – Phó Giám đốc Cty TNHH MTV Đóng tàu Nha Trang (Tổng Cty Công nghiệp tàu thủy VN) cho biết, đây là tàu cá vỏ thép đầu tiên được công ty đóng theo công nghệ mới.
Bên cạnh thiết bị hàng hải hiện đại, tàu cá còn được trang bị hệ thống đánh bắt hiện đại như máy dò cá, hệ thống hầm cá được bọc cách nhiệt và phủ nhựa composite…, nên hải sản sẽ được bảo quản tốt hơn.
“Trung bình tuổi thọ của tàu gỗ chỉ khoảng 10 năm, còn tuổi thọ của tàu vỏ thép lên đến 20 năm hoặc lâu hơn nữa, tuỳ thuộc vào công tác sửa chữa bảo trì, nên ngư dân sẽ tiết kiệm một khoản không nhỏ”, ông Toàn khẳng định.
Hiện Tổng Cty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam đang đầu tư đóng thử nghiệm 6 tàu vỏ thép đầu tiên cho ngư dân, trong đó đã bàn giao 2 chiếc cho ngư dân Quảng Ngãi và Nam Định. Trong thời gian tới sẽ bàn giao số tàu còn lại cho ngư dân.
Nên có cơ chế cho vay hợp lý
Được biết, để sở hữu con tàu này, ông Văn sẽ trả dần nợ gốc cho công ty trong 5-7 năm. Theo ông Nguyễn Ngọc Oai, để thực hiện tốt chủ trương này, Chính phủ cần tháo gỡ một số vướng mắc trong vay vốn để ngư dân tham gia chương trình, như gỡ bỏ cơ chế thế chấp tài sản, trang bị kiến thức vận hành tàu vỏ thép cho ngư dân…
Theo ông Nguyễn Ngọc Oai - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản: Hiện đại đội tàu cá là điều cần thiết theo chủ trương của Chính phủ. Do đó, ngoài phần đầu tư của ngư dân, Nhà nước cũng đang có chính sách hỗ trợ bằng cách hỗ trợ lãi suất trong thời gian cho vay.
“Việc hiện đại đội tàu cá sẽ tạo điều kiện cho ngành khai thác hải sản phát triển theo yêu cầu đề ra, đồng thời để ngư dân làm quen với mô hình mới nâng cao thu nhập, đảm bảo an toàn khi hành nghề tại những vùng biển xa, đồng thời góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia”, ông Oai nói.
Ông Phạm Trường Thọ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho rằng, để ngư dân tiếp cận với chủ trương này, Nhà nước cần quan tâm hơn nữa về nguồn vốn cũng như các cơ chế cho vay được thuận lợi, ngoài ra phải có cơ chế và chính sách hỗ trợ hợp lý để khuyến khích ngư dân.
“Một tàu cá nếu đóng bằng vỏ thép và được trang bị đầy đủ phải tốn khoảng chục tỷ đồng. Do đó, ngoài vốn đối ứng của ngư dân, Nhà nước cũng nên xem xét lại cơ chế cho vay hợp lý, bởi theo cơ chế vay vốn theo hình thức thương mại như hiện nay thì ngư dân không đủ lực theo”.