Không để Hiến pháp phải chờ luật

Ông Đinh Xuân Thảo
Ông Đinh Xuân Thảo
TP - “Sau khi Hiến pháp được ban hành cần nhanh chóng sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật liên quan để những quy định mới của Hiến pháp đi vào cuộc sống. Không để Hiến pháp phải chờ luật”.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp TS Đinh Xuân Thảo nhấn mạnh như vậy khi trả lời Tiền Phong ngày 6/2.

Thưa ông, Hiến pháp sửa đổi có hiệu lực từ 1/1/2014, theo đó có rất nhiều văn bản luật cần phải sửa đổi. Có ý kiến đề nghị QH tăng thêm một kỳ họp trong năm nay để tập trung công tác xây dựng pháp luật, đưa những nội dung mới của Hiến pháp vào thực thi?

Theo tôi, cùng với việc tuyên truyền, phổ biến nội dung của Hiến pháp, khâu hoàn thiện luật và thể chế trên cơ sở những quy định mới của Hiến pháp là rất quan trọng.

Chúng ta phải nhanh chóng sửa đổi, bổ sung một loạt các luật cũng như văn bản dưới luật liên quan đến Hiến pháp nhưng phải tuân theo đúng quy trình làm luật rất chặt chẽ. Có ý kiến của ĐBQH đề xuất tăng thêm một kỳ họp QH trong các năm 2014-2015 để nhanh chóng giải quyết, ban hành các luật cấp bách. 

Đây là ý kiến rất hay, xu hướng chung là QH phải họp thường xuyên hơn. Tuy nhiên, quan trọng nhất không phải QH họp thông qua luật mà là bước chuẩn bị các luật, chất lượng luật mới quan trọng nhất.

Hiện nay, khoảng 80% dự án luật trình QH do Chính phủ soạn thảo. Bây giờ nếu tăng thêm một kỳ họp khoảng 10-15 ngày, thậm chí dài hơn, cũng có thể được. Chính phủ phải tập trung vào công tác chuẩn bị dự án luật để trình, không thể để như trước đây, có dự án phải đưa vào đưa ra quá nhiều lần.

Luật phải thực chất

Thời gian không còn nhiều nữa và nhiều quy định của Hiến pháp đã có hiệu lực thi hành ngay, năm 2014 cần tập trung sửa đổi những nội dung nào thưa ông?

Trong dự kiến chương trình đưa vào nghị quyết của Ủy ban Thường vụ QH về thực thi Hiến pháp, số đầu văn bản đưa ra khá nhiều, theo đó mỗi kỳ họp sẽ phải cho ý kiến, thông qua khoảng 20-30 luật. Nhưng trước mắt, phải rà soát toàn diện xem cái gì có thể làm ngay trong năm 2014, còn lại năm 2015, tức là trước khi kết thúc nhiệm kỳ này, phải hoàn thành. 

Trong dự kiến nghị quyết của UBTVQH đưa ra lộ trình từ 2014-2020 sẽ phải hoàn thiện rất nhiều văn bản luật liên quan đến Hiến pháp mới. Tuy nhiên, thực tế cho thấy một số nội dung sẽ bị vướng, phải chờ đợi thời gian quá dài, do vậy cần áp dụng hình thức một luật sửa nhiều luật, có như vậy quy định của Hiến pháp mới có thể thực thi. 

Ông Đinh Xuân Thảo

Cấp bách nhất phải sửa là những luật về tổ chức Quốc hội, Chính phủ, Tòa án, Viện kiểm sát...; Luật tổ chức Chính quyền địa phương, Luật bầu cử QH, HĐND, Luật giám sát QH... cũng phải làm ngay.

Bên cạnh đó, những luật liên quan đến thẩm quyền, chức năng vừa có sự điều chuyển của một số cơ quan như QH, Chính phủ, Chủ tịch nước... rất quan trọng cũng phải kịp thời sửa đổi.

Ví dụ, QH phê chuẩn thẩm phán TANDTC, UBTVQH phê chuẩn Đại sứ đặc mệnh toàn quyền, hay việc phong hàm cấp tướng của Chủ tịch nước cũng phải sửa thì mới thực thi được.

Hiến pháp dành toàn bộ chương 2 quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, phải triển khai thực thi những quyền này như thế nào?

Đây là những nội dung trọng tâm của Hiến pháp mới. Theo quy định, nội dung các quyền này phải được áp dụng trực tiếp, nhưng quy trình, thủ tục, cách thức thực hiện quyền đó như thế nào thì Hiến pháp không quy định mà phải là luật. Ví dụ các quyền lập hội, hội họp, biểu tình, tự do tiếp cận thông tin đều có nội dung rất cụ thể, nhưng khi thực hiện phải được Luật quy định cụ thể.

Không để kinh tế đình trệ

Một mảng quan trọng khác là nội dung về kinh tế, mặc dù Hiến pháp quy định rất ngắn gọn nhưng chứa đựng nhiều vấn đề mới, muốn thực hiện phải cụ thể hóa bằng luật ra sao?

Một luật được ban hành sớm nhất theo tinh thần Hiến pháp là Luật Đất đai. Tuy nhiên, thực tế áp dụng Luật Đất đai đang đặt ra nhiều vấn đề và sẽ rất khó khăn.

Ngay như ở Hà Nội, nhiều dự án bây giờ phải tạm dừng vì thu hồi đất theo quy định mới là không hề đơn giản. Nếu không có quy định cụ thể hướng dẫn về việc thu hồi đất, chắc không thể nào thực hiện được. Nhưng nếu để chậm trễ sẽ ảnh hưởng, làm ngưng trệ đối với các dự án phát triển kinh tế xã hội nói chung.

Cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.