Không dễ để người Việt dùng linh vật Việt

TP - Lần đầu tiên triển lãm về sư tử và nghê tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho thấy những tác phẩm đẹp, tinh xảo. Nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế, một trong những người thực hiện triển lãm này chia sẻ với Tiền Phong quanh câu chuyện dọn dẹp sư tử đá và hình tượng nghê trong văn hóa Việt.

Không dễ để người Việt dùng linh vật Việt ảnh 1 Trong khi sư tử đá Tàu chỉ là thú canh cửa thì nghê Việt Nam (hình ảnh tại triển lãm) là linh vật có thể ngồi chiếu trên. Ảnh: T.Toan

Hơn 60 hiện vật nghê, sư tử Việt Nam tại triển lãm đa dạng về trạng thái, chất liệu tạo tác. Nghê nói chung tồn tại ở ngoài nhiều đến mức nào?

Có hai không gian mà nghê rất nhiều - đình và chùa. Kể từ những ngôi đình làng thế kỷ 16 trở về sau, nghê xuất hiện nhiều trong trang trí kiến trúc. Người ta bảo không thấy nghê chẳng khác nào ra đường không thấy cây, xe máy. Người Việt mà bảo là không thấy nghê thì quá vô lý, chỉ là anh có định nhìn thấy nó hay không. Như Kinh thánh: Ngươi không thấy ta đâu, vì trong lòng ngươi không có ta. Nói không thấy nghê, chính là vì trong lòng họ không có con nghê - biểu hiện giá trị Việt. Người Việt trong quá trình hội nhập bị xao động, lai tạp pha trộn, mất đi bản chất.

Sau công văn 2662 của Bộ VHTT&DL về dọn dẹp hiện vật lạ, một số làng nghề rơi vào lao đao, bế tắc. Đến một số làng nghề thời điểm này, anh thấy thế nào?

Phải chia sẻ khó khăn của làng nghề. Công văn 2662 tác động người tiêu dùng sản phẩm tâm linh rất mạnh, theo hiệu ứng domino. Nhà chùa trả lại cho thí chủ, thí chủ tìm đến xưởng đá. 

Tôi chắc rằng nếu điều tra sẽ có kỷ lục: Việt Nam là nước ngoài Trung Quốc có sư tử đá Trung Quốc thời Minh Thanh lớn nhất thế giới. Có địa phương như Ninh Bình, mật độ sư tử đá còn cao hơn vùng tôi từng khảo sát, đó là đất của người Đồng ở Liễu Châu (Trung Quốc). Đình đền miếu mạo, công sở ở đây không có con sư tử đá nào, vì đây là vùng của tộc người Bách Việt, họ thờ linh vật khác. Người ta cũng không cần con sư tử đá trong ngữ cảnh văn hóa, vì sản phẩm du lịch của họ độc đáo, đặc sắc. Làng nghề của họ sống bằng chính văn hóa của mình, khi làm ra đồ lưu niệm từ linh vật như cú mèo, chim uyên ương. 

Sư tử đá phá làng nghề chỉ là chuyện sớm muộn, anh nghĩ sao?

Bài học cho làng nghề Việt Nam: Sản phẩm văn hóa thì giá trị văn hóa là quan trọng - bản quyền. Hàng nghìn con sư tử đá ở Việt Nam không có chữ ký, không tìm ra tung tích làng nghề vì đó là sản phẩm cóp nhặt. Sản phẩm không có thương hiệu trong thời kỳ toàn cầu hóa, sớm muộn cũng bị ế ẩm. Công văn của Bộ thực ra là tất yếu, nhưng có tất yếu quan trọng hơn, các làng nghề không dự đoán được. 

Từ chục năm nay ít nhiều có ý kiến phản đối trên các diễn đàn học thuật. Nhưng làng nghề cứ sản xuất sư tử đá hàng loạt, không thăm dò thị trường, không đánh giá phản hồi tiêu cực của sản phẩm, chỉ chạy theo lợi nhuận. Đó là cái giá phải trả, có thể nói một cách nặng nề rằng đây là nhân quả: Khi làng nghề không bắt rễ bằng nội lực văn hóa của mình, chạy theo các nhu cầu thị trường, sẽ dẫn đến hậu quả cay đắng. Những người ở làng nghề nói với tôi, họ có chút ân hận vì mình là người Việt mà không hiểu ông cha mình. Họ cảm thấy đây là nhân quả, có người lại nói sao công văn không ra đời sớm hơn. 

Mỹ thuật nghê đẹp thế nhưng hiếm thấy ở các làng nghề, vì tạo tác khó hơn chăng?

Tôi mới nghe câu chuyện: Đôi nghê đá trong khuôn viên nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất cũ, mới nhìn qua tưởng nghê cổ. Đôi nghê này được làm theo kiểu cổ, nhưng không bán được suốt chục năm, sau đó gia đình cụ mua về. Như thế có thể hình dung, nếu người thợ chỉ có tình yêu truyền thống thì không thể sống nổi. 

Có giai đoạn người Việt quay lại sản phẩm tâm linh của người Việt, chạy theo những cái có thể hiệu ứng mốt. Ở đây có vấn đề liên quan thẩm mỹ, theo nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng đây là thị hiếu trọc phú - thích khoe, phô trương. Theo mỹ thuật truyền thống, con nghê không thể phô trương. Có thể làm rất to, nhưng bản chất nghê thuộc về thế giới tinh thần. Con nghê cho đến nay to nhất là cao khoảng 1m7, đổ khuôn ở Bảo tàng Bắc Ninh. Về cơ bản, nghê thường thấp hơn người, vì tỉ lệ nhân trắc học, nó nhìn con người, con người nhìn nó. 

Một linh vật thể hiện giá trị Việt, sáng tạo độc đáo như con nghê, liệu có thể phát triển rộng rãi ở lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng?

Tuyệt vời. Trong xã hội hiện đại nhiều áp lực, con người cần cái gì đó vui vẻ, con nghê của mình làm được, vì trạng thái biểu cảm tốt. Trong triển lãm có thể thấy nghê rất đa dạng từ chậu cảnh, đèn, trang trí thành bậc. Ngày nay, ta hoàn toàn có thể đưa nghê hòa nhập đời sống, qua những sản phẩm như đôi nghê làm hộp đựng danh thiếp, làm chặn giấy… Chẳng gì không thể làm được cả, chỉ cần động não một chút. Cái chết của làng nghề là thiếu người nghĩ. Các cụ nói rồi, một người lo bằng kho người làm. 

Trao đổi với chủ tịch làng nghề Ninh Vân, Ninh Bình, ông bảo thợ thừa sức làm con nghê. Vấn đề là thị trường, câu chuyện khó nhất chính là làm sao thực hiện khẩu hiệu: Người Việt dùng linh vật Việt. Nghe qua tưởng hợp lý quá đi chứ, nhưng lại rất khó. 

Nan đề chính là đưa hàng nghìn hiện vật lạ đi đâu, liệu có thể tái chế sư tử đá không?

Tái chế đơn giản. Người Việt nhà nào cũng cần cối đá, dùng để giã vừng lạc quá chuẩn (cười). Hoặc có thể đục sư tử thành chó đá. Cơ bản những con sư tử đá làm từ đá nguyên khối, tương đối dễ tạo tác. Ở góc độ là người công đức, họ rất muốn thứ họ cung tiến vẫn phải ở di tích. Nguyện vọng không thể chấp nhận được, vì nó vi phạm Luật Di sản. 

Di tích thì dễ vì điều chỉnh theo Luật Di sản, còn những nơi khác, cơ quan, doanh nghiệp e hơi khó. Quan điểm của anh ra sao?

Theo tôi những nơi dứt khoát không nên có. Ví dụ chẳng có lí gì đôi sư tử Bắc Kinh tồn tại ở nghĩa trang cấp quốc gia Mai Dịch: Cả cuộc đời hy sinh đấu tranh vì sự nghiệp cao cả độc lập dân tộc, khi nằm xuống con cháu cung tiến đôi sư tử Tàu ở đó, thật phi lý. Rồi báo chí đưa một số khu nghĩa trang liệt sỹ cũng sừng sững đôi sư tử Tàu. Đây là cõi thiêng, phải là hồn thiêng dân tộc, đúc kết từ linh vật Việt.

Trong sự giao thoa văn hóa với Trung Quốc, việc sử dụng sư tử đá có vẻ tự nhiên. Người ta thấy đối tác có, mình cũng phải có. Nhưng nhìn dưới góc độ văn hóa doanh nghiệp là thất bại: Người ta làm việc với đối tác Việt Nam, có nghĩa Việt Nam phải phô trương thế mạnh văn hóa của mình, tại sao mình lại sử dụng yếu tố văn hóa không phải của mình. Ngày xưa Bạch Thái Bưởi đóng tàu thủy Đinh Tiên Hoàng, vì hồi đó phải cạnh tranh với tàu của thương nhân Hoa kiều. Dù tàu Bạch Thái Bưởi đóng ra có thể chậm hơn, người Việt vẫn chọn vì có lòng tự hào dân tộc. Các doanh nghiệp có thể học bài học này từ đầu thế kỷ trước, về ý chí chấn hưng dân tộc.

“Hình tượng sư tử và nghê trong nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam”, triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, kéo dài hết 17/11. Hơn 60 hiện vật đủ chất liệu từ đá, sành, gốm, gỗ lần đầu tiên ra mắt công chúng, giúp khẳng định giá trị thuần Việt của nghê. Nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế nói thêm, anh sắp xuất bản cuốn Phác thảo chân dung linh vật Việt: Nghê (nhìn từ trường hợp đền vua Đinh, vua Lê), được coi là cuốn sách đầu tiên về linh vật nghê.

MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.