Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Đặng Thị Bích Liên:

Sau 'hiện vật lạ' là chữ viết ở đình, đền, chùa

TP - Trao đổi với PV Tiền Phong về việc thực hiện Luật di sản, di dời hiện vật ngoại lai, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Đặng Thị Bích Liên cho biết, kết quả bước đầu rất khả quan. Nhiều di tích đã di dời hiện vật ngoại lai ra ngoài. Tiếp theo, Bộ sẽ nghiên cứu việc sử dụng ngôn ngữ, chữ viết ở nơi thờ tự. Đây là vấn đề còn gây tranh cãi.
Sau 'hiện vật lạ' là chữ viết ở đình, đền, chùa ảnh 1

Sư tử đá ở cổng chùa Làng Cót, Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: Như Ý.

Tiếp nhận hiện vật lạ là vi phạm pháp luật

Bà có thể cho biết tình hình di dời hiện vật lạ ra khỏi di tích đang được triển khai như thế nào?

Việc đưa các hiện vật ngoại lai ra khỏi di tích, đầu tiên là trách nhiệm của các địa phương. Bộ có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn. Vừa qua, tôi và đoàn công tác của Bộ đã đi khảo sát, nắm tình hình tại khu sản xuất tượng đá, tượng linh vật lớn nhất cả nước là Non Nước (Đà Nẵng). Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng rất ủng hộ chủ trương này và khẳng định sẽ từng bước giải quyết các vấn đề liên quan đến người lao động như chuyển đổi nghề nghiệp, định hướng sản xuất.

Với làng nghề của Đà Nẵng cũng không đáng ngại vì đầu ra dành cho xuất khẩu nhiều. Chỉ đạo về di dời hiện vật ngoại lai ra khỏi di tích xuất phát từ Luật Di sản. Trong quản lý di tích ngay từ năm 2011, các địa phương đã có kiểm kê, báo cáo. Các di tích đều có hồ sơ quản lý, những vật lạ không nằm trong hồ sơ quản lý di tích thì buộc phải đưa ra. Hiện nay cơ quan chức năng mới nhắc nhở chứ đúng ra khi tùy tiện đưa hiện vật vào là vi phạm pháp luật.

Khó nhất hiện nay là phân biệt hiện vật ngoại lai, Bộ có hướng tháo gỡ ra sao tình trạng này?

Ngay đầu năm mới, mùa lễ hội sắp tới Bộ sẽ cùng với các địa phương yêu cầu các di tích không được tiếp nhận các di vật lạ. Bộ cũng chỉ đạo Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh, Bảo tàng Mỹ thuật VN, Bảo tàng lịch sử Quốc gia trưng bầy các mẫu linh vật thuần Việt để người dân dễ dàng phân biệt. Ngày 7/11, Bảo tàng Mỹ thuật VN trưng bầy các mẫu linh vật và cùng với đài truyền hình, báo chí đưa các mẫu linh vật này đến với công chúng.

Tôi muốn nhấn mạnh là: Bộ không áp đặt mà chỉ khuyến cáo, định hướng về thẩm mỹ còn các di tích, địa phương có quyền quyết định việc trưng bầy các mẫu linh vật nào cho phù hợp với di tích, với địa phương mình. Đúng là có tình trạng bản thân người cung tiến và sư trụ trì nhiều chùa cũng rất khó phân biệt được đâu là sư tử đá Việt với sư tử đá ngoại lai. Ngay cả với người dân, Bộ cũng sẽ tuyên truyền để hiểu hơn về linh vật để có ứng xử, sử dụng cho phù hợp với thuần phong mỹ tục, văn hóa. Bộ cũng đã quyết định thành lập đoàn công tác đến với một số trung tâm sản xuất các linh vật để hướng dẫn. Mẫu linh vật ngoại lai hiện nay chủ yếu là sư tử đá, đèn đá…

Qua kiểm tra, thống kê chúng tôi thấy nhiều người cung tiến, nhiều người sử dụng linh vật cũng không biết rõ về nguồn gốc, ý nghĩa tâm linh, sự tích của linh vật. Người công đức không chỉ cần có tâm mà phải có hiểu biết về linh vật.

Chùa xây mới sẽ phải dùng tiếng Việt?

Thưa bà, với những trường hợp cố tình không di dời, Bộ có biện pháp gì không?

Sau khi triển khai chủ trương này chúng tôi thấy rất mừng vì các địa phương đều đồng tình cao. Nhiều địa phương đã có kế hoạch, công văn hướng dẫn rất cụ thể. Điển hình như Ban trị sự phật giáo trung ương, Ban tôn giáo Chính phủ đều vào cuộc cùng với Bộ. Cả hai cơ quan này đều có công văn hướng dẫn. Nhân dân, các cơ quan báo chí cũng rất ủng hộ. Tuy nhiên, chúng tôi thấy cũng phải có lộ trình: Từ nay đến tháng 1/2015, tập trung tuyên truyền, khuyến cáo, kiểm tra nhắc nhở các di tích có hiện vật lạ. Từ tháng 1-tháng 7/2015, Bộ yêu cầu các cơ sở phải nghiêm túc thực hiện, cấm đưa vào di tích các hiện vật lạ.

“Đối với vấn đề chữ viết trong di tích, đền chùa là bài toán khó hơn rất nhiều! Bản thân tôi rất mong muốn phải có một bộ luật về ngôn ngữ vì đây là đặc điểm riêng của lịch sử dân tộc mình. Nhiều người cứ thấy chữ loằng ngoằng thì lại bảo là chữ Tàu. Ngay cả âm Hán Việt hiện đang dùng thì đó cũng là di sản. Không thể vì chữ quốc ngữ mà quay lưng lại với chữ Hán, chữ Nôm. Đây là việc cần phải đưa ra để bàn”.

Nhà sử học Dương Trung Quốc

Những trường hợp cố tình không thực hiện thì Bộ sẽ xử lý, yêu cầu các địa phương phải quyết liệt hơn. Hiện nay có hiện tượng không phải chỉ sản xuất linh vật tại VN mà còn sản xuất từ các quốc gia khác rồi đưa vào nước ta. Do giá thành rẻ hơn nên được đưa vào VN khá nhiều. Đây là việc mà Hải quan và một số cơ quan khác cần vào cuộc.

Chúng tôi cho rằng đây là chủ trương lớn cần phải kiên trì thực hiện vì xâm lăng văn hóa là sự nguy hại lớn, không phải chỉ đời này mà còn tác hại đến nhiều thế hệ mai sau. Ngay cả việc sử dụng ngôn ngữ, chữ viết trong nơi thờ tự cũng sẽ được nghiên cứu cho phù hợp.

Bà có thể nói cụ thể hơn về vấn đề chữ viết đang được treo tại các chùa, các nơi thờ tự?

Đây là vấn đề Bộ đang tính đến và tới đây trong thông tư mới Bộ sẽ quy định việc này. Dự kiến theo tôi, với những đình chùa, di tích do ông cha xây dựng nên thì phải bảo tồn nguyên gốc, và đề nghị phải phiên âm tiếng Việt bên dưới. Với những chùa xây mới, các cơ quan khi thẩm định thì yêu cầu đều phải ghi bằng tiếng Việt. Đầu tháng 11 vừa qua Bộ trưởng VHTT&DL đã nhất trí về nguyên tắc và giao các cơ quan chuyên môn phải nghiên cứu, tham mưu cụ thể nội dung này.

Bên cạnh đó, Bộ sẽ xây dựng bổ sung một số văn bản để tăng cường quản lý nhà nước về di sản theo hướng phân cấp mạnh trong quản lý di tích. Phải quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan với từng di tích, nhất là chính quyền địa phương. Cả nước hiện có trên 7.000 di tích được xếp hạng. Trong đó có trên 3.000 di tích cấp quốc gia, 48 di tích quốc gia đặc biệt. 20 di sản (vật thể và phi vật thể) được UNESCO xếp hạng.

Cảm ơn bà.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.