Không dám đấu tranh vì sợ “mất ghế”

Chủ tịch nước trao đổi với cử tri quận 1. Ảnh: Huy Thịnh.
Chủ tịch nước trao đổi với cử tri quận 1. Ảnh: Huy Thịnh.
TP - Theo Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, trong chiến tranh, nhiều cán bộ đảng viên không sợ chết, bị tù đày, tra tấn dã man vẫn giữ vững khí tiết, nay đất nước độc lập, thống nhất, đồng chí với nhau lại kiêng dè, không dám đấu tranh, nói tiếng nói của dân vì những điều hết sức tầm thường như sợ mất ghế, sợ bị trù, mất “lợi ích”,…

Ngày 29/6, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) số 1 đã tiếp xúc cử tri quận 1 và quận 3 để báo cáo kết quả kỳ họp thứ 9.

Đề nghị đại biểu quốc hội vi hành

Cử tri Nguyễn Hữu Vạn (phường Bến Thành) cho rằng những buổi tiếp xúc định kỳ giữa ĐBQH và các cử tri chưa phản ánh hết những tâm tư, nguyện vọng của người dân vì thời gian tiếp xúc, trao đổi quá ngắn. Cử tri thực tế là các cán bộ về hưu, tổ trưởng tổ dân phố, trong khi nhiều vấn đề nóng của đất nước, những diễn biến phức tạp của khu vực, đặc biệt là tình hình biển Đông đang tạo ra nhiều dư luận trái chiều trong nhân dân.

“Các ĐBQH cần vi hành đến quán cà phê, hàng ăn, những nơi tập trung đông người để lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng của người dân” – ông Vạn nói.

Cử tri Tạ Quang Hân (phường Tân Định) nói: Quốc hội rất cần người dân nói thật nhưng những điều chúng tôi đang nói ở đây chỉ là một phần. Còn nhiều sự thật khác chúng tôi rất ngại, thậm chí không dám nói. Mong ĐBQH trực tiếp vi hành, nghe dân nói.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang kể, mỗi lần về TPHCM, ông đều chạy qua lối xóm thăm hỏi nhiều bà con. Người ta thích ông này, không thích ông kia cũng nói ào ào.

“Hôm rồi tôi gặp mấy ông cùng chịu tù đày. Trong chiến tranh không sợ chết, vào tù, bị tra tấn dã man vẫn giữ khí tiết. Bây giờ chuyện nội bộ, chuyện dân không dám nói. Có lẽ là sợ mất ghế, sợ bị trù. Địch không sợ, ta với ta lại sợ. Hay các anh có cùng “lợi ích”, anh nói thì nó không cho? Nói cho cùng những cái sợ đó không cao cả gì. Ngày xưa với cách mạng anh không tiếc, bị đánh tơi bời anh không mất khí tiết, giờ đấu tranh xây dựng để lo cho dân anh lại không làm” – Chủ tịch nước nói.

Theo Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nạn tham nhũng không phải do cán bộ ít học mà do sự suy thoái về đạo đức lối sống, không phải cứ cho học nhiều là cán bộ sẽ hết suy thoái đạo đức.

Chi thường xuyên: Phải đi vay

Trả lời thắc mắc một số cử tri về các chính sách an sinh xã hội như tăng lương,  chăm lo cho các đối tượng chính sách, tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sỹ, hỗ trợ cho các ngư dân vươn khơi bị Trung Quốc xua đuổi, phá hỏng tàu, ngư cụ… Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói Đảng, nhà nước luôn canh cánh và muốn thực hiện nhiều nhưng bị rào cản về nợ công và chi thường xuyên.

Theo Chủ tịch nước, chi tiêu công hiện nay đang ở mức rất cao. Con số Chính phủ báo cáo Quốc hội chưa tính đến nợ của doanh nghiệp nhà nước. Doanh nghiệp không trả được thì ngân sách phải trả. Thực tế tại một số đơn vị đã làm như vậy. Chi thường xuyên đã chiếm 72% tổng thu ngân sách quốc gia, nếu lấn qua vạch đỏ sẽ có nguy cơ đổ vỡ, gây hại nền kinh tế. Hiện nay, Việt Nam phải vay tiền để bổ sung chi thường xuyên. Nếu không làm vậy, cân đối thu chi 1-2 năm gần đây không thực hiện được.

Tuy nhiên, chăm lo đời sống cho ngư dân vươn khơi là chiến lược biển của Việt Nam. Tàu của ngư dân bị Trung Quốc hay các nước khác làm hư hại, nhà nước đều hỗ trợ, không có trường hợp nào ngư dân phải tự bơi.

“Tôi đã đi thăm một số tỉnh. Số tàu thuyền được đóng mới, cải hoán, nâng công suất mỗi năm mỗi tăng. Quốc hội, chính phủ chưa an lòng, bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng hỗ trợ, đóng mới tàu vươn khơi cho bà con với lãi suất ưu đãi. Sốt ruột lắm. Mình làm theo khả năng chứ không thể quá sức. Thế nhưng thủ tục nhiêu khê ghê gớm. Tôi đi kiểm tra 3-4 tỉnh, sau một năm mới đóng mới trên dưới 10 chiếc tàu. Dân bức xúc, mình cũng bức xúc” – Chủ tịch nước nói.

Trả lời cử tri một số cử tri quận 3 về phản ứng của Việt Nam trước tình hình Trung Quốc xây dựng các bãi đá trên biển Đông, Chủ tịch nước cho rằng để chống lại sự lấn chiếm Việt Nam phải mạnh về kinh tế, văn hoá xã hội, quốc phòng an ninh. Để thế giới lên tiếng ủng hộ lập trường của Việt Nam trên biển Đông là kết quả của cả quá trình vận động. Việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo là hết sức lâu dài và bền bỉ, kiên trì. 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết Chính phủ đã hai lần chủ trương tăng lương nhưng không thực hiện được bởi tăng chi công hơn nữa sẽ không còn tiền chi đầu tư, thậm chí nợ đến hạn, ngân sách không đủ trả phải đi vay để trả.

Về bắt buộc cả gia đình mua bảo hiểm y tế tự nguyện, theo Chủ tịch nước, bức xúc của người dân là xác đáng. Nguyên tắc là dùng tiền người khoẻ chăm lo người yếu và không sử dụng ngân sách để bù đắp nên cần thời gian nghiên cứu, sửa đổi luật cho phù hợp.

Theo Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nạn tham nhũng không phải do cán bộ ít học mà do sự suy thoái về đạo đức lối sống, không phải cứ cho học nhiều là cán bộ sẽ hết suy thoái đạo đức.

MỚI - NÓNG