Không vì thu hồi tài sản mà dung túng tham nhũng

Đại biểu Đỗ Ngọc Niễn (Bình Thuận) tại nghị trường ngày 16/6. Ảnh: Như Ý.
Đại biểu Đỗ Ngọc Niễn (Bình Thuận) tại nghị trường ngày 16/6. Ảnh: Như Ý.
TP - “Không thể vì mục tiêu thu hồi đầy đủ tải sản tham nhũng mà đánh mất lòng tin của nhân dân, làm thay đổi cán cân công lý, dung túng, bao che cho tham nhũng bằng việc giảm hình phạt tù thay bằng nộp tiền để khắc phục hậu quả”, đại biểu (ĐB) Đỗ Ngọc Niễn (Bình Thuận) nói như vậy trong phiên thảo luận về Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) ngày 16/6.

Có tiền là thoát án tử?

ĐB Đỗ Ngọc Niễn (Bình Thuận) khẳng định, quy định không thi hành án tử hình đối với tội phạm về tham nhũng kinh tế sau khi đã chủ động khắc phục hậu quả sẽ tạo kẽ hở để tham nhũng “dùng tiền để đổi mạng”, chẳng khác nào khuyến khích, dung túng, bao che cho tham nhũng. “Áp dụng điều luật này khác gì bỏ án tử hình đối với tội tham nhũng, làm như vậy thì xã hội tất sẽ loạn và nhân dân chắc chắn sẽ không tha thứ nếu chúng ta thông qua quy định trên”, ông Niễn nói.

“Nếu không bị phát giác thì họ sẽ ung dung, tự tại sống sang trọng cả đời. Nếu bị phát hiện có tiền nộp cũng mua được mạng sống. Như thế sẽ làm cho pháp luật mất công bằng, méo mó. Ngân sách nhà nước rất cần tiền nhưng không có nghĩa là vì tiền mà bất chấp mọi nguy hại của xã hội”, ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) nói và khẳng định: “Hình thức này chỉ áp dụng cho người nhiều tiền, nhiều của”.

ĐB Giàng Thị Bình (Lào Cai) cũng cảnh báo, nếu ban hành quy định trên thì coi chừng tội phạm ma túy cũng có thể thoát án tử. Vì ma túy cũng là nhắm đến mục đích kinh tế. ĐB Bình đề nghị cần làm rõ và quy định thật chặt chẽ vấn đề trên để tránh tình trạng lạm dụng, tùy tiện trong áp dụng.

Tuy nhiên, ĐB Trần Văn Độ (An Giang) cho rằng, tăng tử hình, tăng phạt tù chưa chắc đã giảm được tội phạm. “Nếu ai khẳng định, chứng minh được điều đó thì tôi ủng hộ ngay. Tính nghiêm minh của pháp luật không phải ở chỗ cứ xử phạt thật nặng. Tham nhũng chúng ta quy định có tử hình nhưng thực tế có tử hình được mấy ai đâu. Xử lý phải có giáo dục, răn đe, kịp thời đấy mới là chính sách pháp luật hình sự”, ông Độ khẳng định.

Không nên hình sự hóa các quan hệ kinh tế

Đề cập đến tội cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, ông Nguyễn Doãn Khánh, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương cho rằng không nên bỏ. Vì tham nhũng vốn là tội phạm ẩn, trong nhiều trường hợp cơ quan chức năng không làm rõ được tính vụ lợi thì phải sử dụng tội cố ý làm trái để xử. “Nếu bỏ tội này sẽ dẫn đến bỏ lọt tội phạm, không đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội tham nhũng trong giai đoạn hiện nay”, ông Khánh khẳng định.

Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng, trong một cơ chế “sáng đúng, chiều sai, mai lại đúng” thì xử ai tội cố ý làm trái cũng được. “Thời nay muốn đổi mới vươn lên thì phải có vượt khung, vượt rào. Nếu không bỏ tội này thì sẽ cản trở rất lớn đến sự đổi mới, phát triển kinh tế của đất nước. Vì thế phi hình sự hóa tội kinh doanh trái phép, tội làm trái là phù hợp”, ông Thuyền nói.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh thì khẳng định, Hiến pháp sửa đổi năm 2013 đã quy định rất rõ là, mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm. Thông lệ quốc tế cũng là không hình sự hóa các quan hệ kinh tế và dân sự.  Thực tế, đây không phải là vấn đề mới nhưng nó vẫn là trở ngại, là những rào cản đối với công cuộc đổi mới sáng tạo, làm nản lòng rất nhiều nhà đầu tư, doanh nhân muốn bỏ tiền ra đầu tư kinh doanh. “Tôi chắc chắn trong gần 41 doanh nhân có mặt trong Quốc hội hôm nay, cũng như mấy trăm nghìn các doanh nghiệp khác đều rất lo lắng việc này. Nếu Bộ luật Hình sự của chúng ta đưa ra khái niệm không minh bạch, rõ ràng thì sẽ là rào cản rất lớn, nhà đầu tư chỉ sơ sảy là có thể bị quy tội hình sự ngay”, ông Vinh nói.

Theo ông Vinh, rất nhiều vụ án đã xử, vẫn bị thất thoát, không thu hồi được tài sản… Lẽ ra để cho họ sống thì tài sản đó được thu hồi, thậm chí họ còn trở thành anh hùng và đã có nhiều người như vậy. “Nếu không làm rõ được vấn đề này thì sẽ là rào cản để phát triển doanh nghiệp, động viên mọi người bỏ tiền đầu tư kinh doanh, làm ăn, đóng góp, sáng tạo và đổi mới. Vì có nhiều đổi mới có thể đi trước và có thể không đúng luật pháp. Nếu chúng ta quy vào những tội không rõ ràng sẽ rất nguy hiểm cho đất nước”, ông Vinh nói.

Trước quá nhiều ý kiến khác nhau, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, sau kỳ họp này sẽ tiến hành lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) để chỉnh lý, tiếp thu cho phù hợp.

Đề nghị xử lý hình sự tội gây lãng phí

“Để ngăn chặn hành vi gây lãng phí nghiêm trọng như nhiều dự án bỏ hoang gây thiệt hại, thất thoát tài sản nhà nước và cũng để ngăn chặn những nguy cơ tiềm ẩn có tham nhũng trong đó, tôi đề nghị bổ sung thêm tội lãng phí gây hậu quả nghiêm trọng, tội phạm hóa loại tội phạm này trong Bộ luật Hình sự”, ĐB Đỗ Văn Đương, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.

MỚI - NÓNG
Ninh Bình có tân Giám đốc Công an
Ninh Bình có tân Giám đốc Công an
TPO - Chiều 4/11, Cục Tổ chức cán bộ, Bộ Công an đã công bố quyết định điều động, bổ nhiệm Đại tá Đinh Việt Dũng, Phó Cục trưởng Cục An ninh nội địa, Bộ Công an làm Giám đốc Công an tỉnh Ninh Bình, kể từ ngày 6/11.