Không còn tin vào vàng

Không còn tin vào vàng
TP - “Cần nhốt cái “thằng” có tên là “vàng” vào trại tâm thần Trâu Quỳ. Vì nó điên thực sự rồi”. Đã có người thốt lên trên mạng xã hội Facebook như thế khi chứng kiến những cơn “co giật” của thị trường vàng trong nước mấy ngày qua.

> Giá vàng trong nước lùi xuống mức 48,50 triệu đồng

Không còn tin vào vàng ảnh 1

Xem đồ thị về giá vàng từ đầu tháng 8 tới nay sẽ thấy rõ “cơn điên loạn” của nó: Chỉ từ ngày 1 đến 9-8, giá vàng từ 39,9 triệu đồng/lượng đã vọt lên 46, 2 triệu đồng/lượng, nhưng chỉ 2 tuần sau, ngày 23-8, giá vàng có đỉnh mới: trên dưới 49 triệu đồng/lượng, tăng tới gần 10 triệu đồng/lượng!

Việc giá vàng tăng liên tục được lý giải bởi những bất ổn của kinh tế thế giới và chủ yếu là kinh tế Mỹ (vừa bị hạ bậc tín nhiệm tín dụng từ mức AAA xuống AA+), những bất ổn ở Trung Đông và Bắc Phi hay khủng hoảng kinh tế ở châu Âu khiến giá dầu liên tục tăng kéo theo sự tăng của giá vàng. So với đầu tháng, giá vàng thế giới tăng trên dưới 270 USD/ounce (gần 17%).

Tuy nhiên, khi tình hình Lybia, một nước xuất khẩu dầu mỏ quan trọng đang có chiều hướng ổn định trở lại, giá dầu đang xuống thì trái với quy luật thông thường, giá vàng vẫn tiếp tục tăng, do yếu tố tâm lý lan truyền từ quốc gia này tới quốc gia khác về sự mất niềm tin vào các nền kinh tế.

Ở Việt Nam, theo các chuyên gia, còn có yếu tố tâm lý xã hội mang tính bầy đàn, cộng các chiêu đầu cơ, kích giá can dự vào chuyện vàng nhảy múa. Ai cũng rõ đầu tư vào vàng tại thời điểm này mang đầy yếu tố rủi ro nhưng vẫn đổ xô đi mua vàng, bất chấp khả năng giá vàng đang bị thổi lên bởi giới đầu cơ.

Trên các mạng xã hội vẫn lan truyền những thông tin, dù vô căn cứ nhưng chắc chắn khiến những “cái đầu nóng” xôn xao: nào là giá vàng trong nước có thể lên tới 60 triệu đồng/lượng, nào là giá vàng thế giới còn lên và sẽ sớm đạt ngưỡng 2.000 USD/ounce. Trong bối cảnh ấy, cộng với sự ảm đạm của kinh tế thế giới và thị trường bất động sản, chứng khoán trong nước, chưa ai dám chắc “bong bóng” giá vàng sẽ còn phồng lên tới mức nào.

Để can thiệp, trong ngày hôm qua, Ngân hàng Nhà nước tuyên bố sẽ không hạn chế nhập khẩu vàng nhằm “hạ sốt” thị trường này, tương lai gần sẽ ban hành quy định mới về việc kinh doanh vàng.

Tuy vậy, cũng cần phải nhắc lại, đây không phải là lần đầu tiên xảy ra sốt giá vàng và cũng không phải lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước, sau khi sốt giá diễn ra, đã dùng tới “biện pháp mạnh” can dự. Hồi tháng 11-2009 và tháng 10-2010, từ chỗ nhích dần theo thế giới, giá vàng miếng SJC - thương hiệu đang chiếm hơn 90% thị phần trong nước, bỗng chốc tăng với biên độ cả triệu đồng trong một ngày và chỉ kết thúc khi có tuyên bố chính thức của Ngân hàng Nhà nước về việc cho phép nhập vàng để tăng nguồn cung.

Lần này cũng vậy. Rất nhiều chuyên gia đã cho rằng cũng như những lần trước, đợt sốt giá vàng năm nay chắc chắn có yếu tố đầu cơ, làm giá và ngay cả các quan chức Ngân hàng Nhà nước cũng thừa nhận sự thao túng của giới đầu cơ, với những chiêu kích giá tăng nhanh hơn cả giá thế giới.

Số đông các nhà đầu từ nhỏ lẻ, bị cuốn theo làn sóng giá vàng, đã trở thành “mồi ngon” của giới đầu cơ. Giá trị “bản vị vàng” đã thay đổi.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG