Ngày 26/3 vừa qua, nhóm xẩm Hà Thành góp thêm bài hát “Tiêu diệt Corona”… Nhạc sỹ của “Hà Nội mùa vắng những cơn mưa” cũng không đứng ngoài cuộc, anh đã hoàn thành ca khúc “Chúng ta sẽ thắng”: “Mạnh nhé, khỏe nhé chiến thắng COVID/Đoàn kết sẻ chia chung sức chung tay/Mạnh nhé, khỏe nhé chiến thắng COVID/Niềm tin Việt Nam sáng tương lai”. Vì khán giả đã lỡ mê một Trương Quý Hải lãng mạn trong “Khoảnh khắc”, “Hà Nội mùa vắng những cơn mưa” nên khi anh trổ tài sáng tác ca khúc tuyên truyền, cổ động, một khán giả thành thật phát biểu: “Hoan hô tinh thần của anh, nhưng nhạc và lời thì chẳng thấy hay”. Hiệu ứng của bài hát thời “Cô Vy” có khi gây cười.
Đã là ca khúc cổ động thì đừng “soi” yếu tố nghệ thuật, lâu nay nhiều người vẫn nghĩ thế. Nhưng đặt câu hỏi ngược lại: Nếu không nghệ thuật, không hấp dẫn thì làm sao chạm đến người nghe? Không có người nghe thì cổ động, tuyên truyền thất bại. Nhớ dạo “Ghen Cô Vy” vừa mới ra lò, khán giả háo hức bình luận, khen, chê đủ cả. Bây giờ các ca khúc thời “Cô Vy” sinh nở quá nhanh, “quá nguy hiểm”, “thượng đế” cũng lười bình luận, biết nói thế nào, bởi khen thì phô, chê thì thô. Ca khúc nào chẳng hô vang khẩu hiệu: Đẩy lùi COVID. Lại nhớ câu “kinh điển” trong “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng: “Biết rồi! Khổ lắm! Nói mãi!”.
So với mặt bằng chung, rõ ràng “Ghen Cô Vy” có sức sống và sự lan tỏa đáng nể. (Mặc dù chưa biết dịch hết, “Ghen Cô Vy” có còn “sống”?). Ngoài ra, “Ghen Cô Vy” đã góp công lớn để tạo thành trào lưu sáng tác ca khúc tuyên truyền mùa dịch. Về phía khán giả, trào lưu này không ảnh hưởng gì, vì “thượng đế” của quyền lựa chọn hoặc bỏ qua “món ăn”. Nhưng về phía người sáng tạo, quả là thiệt thòi. Sinh một “đứa con” tinh thần cũng vất vả ít nhiều, thế mà số phận của nó cũng tương tự “Dã tràng xe cát biển Đông”, có ngậm ngùi hay không?
Giữa lúc này, một ca khúc dành cho thiếu nhi của nhạc sỹ Phạm Tuyên trở lại “Khúc hát đôi bàn tay”: “Hai bàn tay chúng ta đẹp như hai bông hoa/ Biết làm bao việc tốt, viết chữ đẹp và múa ca … Bàn tay sạch là bàn tay thơm/Hãy rửa tay cho kỹ trước khi ăn cơm..”. Chẳng có một từ nào nhắc đến dịch bệnh… song “Khúc hát đôi bàn tay” nhận nhiều lời khen. Một tác phẩm như thế chắc chắn có sức sống vượt qua mùa dịch, nhất là trong tình trạng ca khúc thiếu nhi đang thiếu và yếu. Tuyên truyền mà không lộ ý tuyên truyền, thế mới là văn nghệ.