Không buông lỏng công tác quản lý về ATTP

Ảnh minh hoạ: Internet
Ảnh minh hoạ: Internet
Bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng phải được đặt lên trên hết

Chiều 19/9, Bộ Y tế đã tổ chức cuộc họp với doanh nghiệp (DN) nhằm tiếp thu ý kiến góp ý các nội dung được quy định tại Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 38 về thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm (ATTP).

Tham dự Hội thảo, có đại diện Bộ Y tế, đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ,  Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tư pháp, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phòng thương mại Hoa kỳ tại Việt Nam (Amcham), Phòng thương mại Châu Âu tại Việt Nam, các Hiệp hội,  đại diện lãnh đạo một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp bán lẻ liên quan….

Có thể nói cuộc họp chiều 19/9 tại Bộ Y tế là một cuộc đối thoại hết sức cởi mở nhằm đạt được sự hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp, cơ quan quản lý và người tiêu dùng, trong đó tập trung thảo luận vào 3 vấn đề lớn: về nhóm sản phẩm ít rủi ro (thực phẩm bao gói sẵn, dụng cụ, vật liệu bao gói chứa đựng thực phẩm …) doanh nghiệp có thể tự công bố và nhóm sản phẩm nguy cơ cao đến sức khỏe con người (thực phẩm bảo vệ sức khỏe, phụ gia thực phẩm/chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, sữa dành cho trẻ em) phải được cở quan có thẩm quyền (Bộ Y tế) thẩm định xác nhận công bố; Vấn đề phân cấp quản lý giữa trung ương và địa phương; Về vấn đề kiểm tra nhà nước về ATTP nhập khẩu.

Cuộc họp đã nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp từ phía các nhà khoa học, doanh nghiệp, hiệp hội, nhà bán lẻ.

Đại diện một số doanh nghiệp và  Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham) phát biểu, sản phẩm sữa cho trẻ em được quy định khái niệm rõ ràng trong Tiêu chuẩn Codex về Vệ sinh thực phẩm, là những sản phẩm sữa dành cho trẻ dưới 36 tháng tuổi. Do đó các sản phẩm sữa dành cho trẻ em trên 36 tháng tuổi có thể cho phép doanh nghiệp tự công bố các quy chuẩn về ATTP.

Tuy nhiên, một số đại diện của doanh nghiệp khác cho rằng, sản phẩm sữa là một mặt hàng phổ biến, có tác động lớn tới sức khỏe con người bởi sử dụng thường xuyên, đặc biệt là trẻ em. Do đó, nếu để DN tự công bố quy chuẩn thì một khi có rủi ro sẽ ảnh hưởng lớn đến số lượng lớn người tiêu dùng. Đại diện công ty Nuticare phát biểu “Trong nghề y nếu bác sĩ sơ xuất chỉ ảnh hưởng đến 1 vài người, dược sĩ có sơ xuất ảnh hưởng đến hàng nghìn người còn doanh nghiệp thực phẩm có sơ xuất có thể ảnh hưởng đến cả triệu người”.

TS. Phạm Hưng Củng- Tổng Thư ký Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam cho rằng, hệ thống tiêu hóa, các cơ quan chức năng, sinh lý của trẻ cho đến dưới 12 tuổi là giai đoạn đầu và đặc biệt quan trọng của quá trình phát triển nên không thể lơ là về sản phẩm chất lượng và an toàn.

Thứ trưởng Trương Quốc Cường nhấn mạnh, không phải sản phẩm nào cũng cần công bố hợp quy, tuy nhiên nếu để DN chịu trách nhiệm thì rất rủi ro cho người dân bởi chúng ta có thị trường lớn, ý thức của người dân về ATTP chưa cao, trong khi lực lượng thanh tra chuyên ngành vê ATTP còn hạn chế.

"Chúng tôi lo ngại nếu chỉ hậu kiểm, phát hiện thực phẩm có vấn đề thì đã “vào bụng” người dân hết rồi thì rất gay go, cho nên, vẫn có những sản phẩm chỉ cần hậu kiểm nhưng vẫn có những sản phẩm phải gồm cả hậu kiểm và kiểm soát hồ sơ công bố các tiêu chuẩn sản phẩm cho cơ quan quản lý" - Thứ trưởng Cường nhấn mạnh.

PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP  bày tỏ mong muốn qua cuộc họp thống nhất sửa đổi Nghị định này sẽ đạt được sự hài hòa lợi ích giữa các bên: tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp nhưng đồng thời không buông lỏng công tác quản lý về ATTP và đặt nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng lên trên hết.

MỚI - NÓNG