Thủ tướng gặp mặt 70 nhà khoa học trẻ tiêu biểu:

Khơi dậy đam mê sáng tạo

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi với các nhà khoa học trẻ tại buổi gặp mặt Ảnh: Như Ý.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi với các nhà khoa học trẻ tại buổi gặp mặt Ảnh: Như Ý.
TP - Tại buổi gặp mặt 70 nhà khoa học trẻ tiêu biểu sáng 11/9, Thủ tướng nhấn mạnh cần có hình thức khen thưởng, tôn vinh xứng đáng, kịp thời đối với các nhà khoa học trẻ đạt thành tích xuất sắc trong hoạt động khoa học công nghệ, đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông, nâng cao nhận thức, khơi dậy tinh thần đam mê lao động sáng tạo, đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ, nhất là trong thế hệ trẻ Việt Nam.

Theo Thủ tướng, phải đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông, nâng cao nhận thức, khơi dậy tinh thần đam mê lao động sáng tạo, đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ, nhất là trong thế hệ trẻ Việt Nam.

Thẳng thắn bày tỏ với Thủ tướng, các nhà khoa học trẻ cho biết họ có những trăn trở về rào cản trong nghiên cứu khoa học, công nghệ hiện nay như môi trường làm việc, chế độ đãi ngộ còn hạn chế.

Nỗi lo cơm áo

TS Phạm Văn Phúc, Phó trưởng phòng Phòng Thí nghiệm Nghiên cứu và Ứng dụng Tế bào gốc, trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh - người có hơn 40 công bố quốc tế chia sẻ, dù Bộ KH&CN ban hành nhiều chính sách mới nhưng cơ chế tài chính chưa thực sự được tháo gỡ. “Khi lục lại một số cơ chế cho nhà khoa học tôi băn khoăn: Tại sao lại có những cơ chế đó và những người hoạch định chính sách kỳ vọng gì vào cơ chế đó? Tôi nghĩ rằng các nhà hoạch định chưa tin tưởng vào các nhà khoa học, có hay không một sự khủng hoảng niềm tin? Chính điều này làm cho việc triển khai các đề tài, dự án rất khó”, TS Phúc chia sẻ. Anh nói thêm, Việt Nam thiếu các nhà khoa học đầu ngành, vậy làm thế nào để có được? Đào tạo đang có vấn đề, phải có các trung tâm đào tạo mà ở đó người thầy truyền được cảm hứng, đam mê nghiên cứu với học trò nhiều hơn nữa.

“Làm khoa học phải có đam mê, đam mê ấy phải vượt qua những đòi hỏi tầm thường về vật chất, nhưng thực sự đôi khi tôi cũng thấy hoang mang vì cơm áo không đùa với khách thơ”.

TS Phạm Phương Chi - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

TS Phạm Thị Tuyết Nhung, nghiên cứu viên của Trung tâm Vệ tinh Quốc gia - Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, người có 27 công bố quốc tế cho biết, các nhà khoa học rất tâm huyết, luôn muốn được đóng góp ý kiến, trí tuệ vào chiến lược phát triển khoa học công nghệ ở Việt Nam. “Tôi mong muốn lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ hãy tin tưởng  vào chúng tôi”, TS Nhung nói.

Đến từ Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, TS Phạm Phương Chi  nói rằng, người trẻ làm nghiên cứu khoa học, nhất là trong lĩnh vực KHXH phải chịu nhiều thiệt thòi cả vật chất, tinh thần. Bộ ít có công trình để các nhà KHXH tham gia đấu thầu, trong khi mức lương thấp, thiếu chế độ đãi ngộ đặc biệt. “Làm khoa học phải có đam mê, đam mê ấy phải vượt qua những đòi hỏi tầm thường về vật chất, nhưng thực sự đôi khi tôi cũng thấy hoang mang vì cơm áo không đùa với khách thơ”, TS Chi lấy câu thơ Xuân Diệu để chia sẻ. Theo chị, nhà nước cần tạo điều kiện cho các nhà khoa học trẻ được tự do sáng tạo, chứ không phải theo lối mòn cũ. “Phải nhìn nhận, đánh giá một nhà khoa học trên cơ sở năng lực, kết quả làm việc chứ không phải là phân biệt theo giới tính; đẹp, xấu hay giàu, nghèo”, TS Chi nói.

Theo TS Lê Phước Cường, giảng viên Khoa Môi trường, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng, sự quan tâm của nhà nước đối với các nhà khoa học là có nhưng chưa đủ. Cần tạo một sân chơi cụ thể để khuyến khích tình yêu, niềm say mê với khoa học ngay từ các cấp học trong nhà trường.

Một số ý kiến cho rằng, để các nhà khoa học thực hiện nghiên cứu khoa học, họ gặp không ít thủ tục rườm rà, giấy tờ nhiêu khê.

Khơi dậy đam mê sáng tạo ảnh 1

Thủ tướng gặp mặt các nhà khoa học trẻ sáng ngày 11/9 tại Bộ Khoa học & Công nghệ. Ảnh: Như Ý.

Cơ chế trọng dụng người tài

Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho hay, thời gian qua Bộ tham mưu giúp Chính phủ xây dựng, hoạch định các cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho khoa học và công nghệ phát triển; đặc biệt là chính sách thu hút, trọng dụng các nhà khoa học và nhà khoa học trẻ tài năng. Nhiều việc làm cụ thể như thành lập, vận hành Quỹ Phát triển KH&CN quốc gia (NAFOSTED) tài trợ nghiên cứu theo đề xuất của các nhà khoa học, trong đó ưu tiên các nhà khoa học trẻ; Đề án Thương mại hóa công nghệ theo mô hình thung lũng Silicon, Chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan hướng trọng tâm ưu tiên vào các dự án đổi mới sáng tạo khởi nguồn, khởi nghiệp của các sinh viên năm cuối, các nhà khoa học trẻ.

Bộ trưởng Nguyễn Quân thừa nhận, những người làm khoa học công nghệ nước ta, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ còn gặp nhiều khó khăn: Phương tiện, thiết bị nghiên cứu lạc hậu, kinh phí nghiên cứu hạn hẹp, tiền lương chưa đảm bảo cuộc sống. Tình trạng này chưa thực sự được tháo gỡ để tạo nguồn lực, động lực cho khoa học, công nghệ phát triển. Cơ chế tài chính, giải pháp sử dụng cán bộ khoa học, trọng dụng người tài còn hạn chế. “Để giải quyết vướng mắc, khó khăn trong cơ chế, chính sách, một mình Bộ Khoa học và Công nghệ có lẽ chưa đủ thẩm quyền và phương tiện để thực hiện, đòi hỏi nỗ lực và sự đồng thuận chung của toàn xã hội, của các bộ, ngành, địa phương liên quan”, Bộ trưởng Quân nói.

Lắng nghe ý kiến, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ghi nhận, biểu dương các nhà khoa học trẻ Việt Nam về những nỗ lực, thành tích đã đạt được và mong muốn các bạn bằng tài năng và niềm đam mê, tiếp tục theo đuổi hoài bão nghiên cứu, sáng tạo, đóng góp nhiều hơn nữa cho đất nước. “Các bạn là những tấm gương sáng về tình yêu khoa học trong thế hệ trẻ Việt Nam”- Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng chỉ rõ, Bộ KH&CN, các bộ, ngành, địa phương, các viện nghiên cứu, trường đại học, các doanh nghiệp trong thời gian tới cần rà soát, hoàn thiện, triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách thu hút, sử dụng, trọng dụng các nhà khoa học, nhất là các nhà khoa học trẻ. Cần tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà khoa học trẻ được tiếp cận hỗ trợ từ các quỹ khoa học và công nghệ; được tham gia thực hiện nhiệm vụ trong các chương trình, đề án khoa học và công nghệ quốc gia. Cần khuyến khích, hỗ trợ hiệu quả các nhà khoa học trẻ thực hiện các hoạt động ươm tạo công nghệ, hình thành và phát triển hệ thống doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

Nên có chính sách nhà ở cho nhà khoa học trẻ

GS Ngô Việt Trung, nguyên Viện trưởng Viện Toán học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam):

Nền KHCN Việt Nam chỉ phát triển khi tạo được tương lai cho các nhà học trẻ. Hiện nay nhiều bạn trẻ có tâm huyết nghiên cứu nhưng cần nhu cầu về nhà ở. Có an cư mới lạc nghiệp. Tại sao chúng ta có chính sách xây nhà cho sinh viên, cho công nhân nhưng lại không có chính sách cho nhà khoa học trẻ. Nếu chúng ta không có chính sách đặc thù thì không thể hy vọng vào sự phát triển của các nhà khoa học trẻ.

Lương tiến sỹ chỉ có 3,5 triệu đồng

GS Nguyễn Hữu Việt Hưng (khoa Toán, trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội):

40 năm trước, khi tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội, tôi được giữ lại trường làm giảng viên. Đó là một vinh dự tột bậc, không ai trong số chúng tôi từ chối vinh dự ấy nhưng bây giờ số người từ chối cái mà tôi vẫn muốn gọi là vinh dự ấy lại khá nhiều. Những năm gần đây tôi có mời một số sinh viên giỏi ở lại trường nhưng nhiều người từ chối. Điều đó chứng tỏ tiền lương, đãi ngộ cho các nhà khoa học trẻ hiện nay không duy trì được cuộc sống. Mức lương đại học là hơn hai triệu, lương tiến sỹ khoảng 3,5 triệu trong khi các quốc gia bên cạnh Việt Nam, đầu tư cho khoa học gấp vài chục đến vài trăm lần.

Khó khăn trong thu hút người trẻ

GS.TSKH Dương Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam:

Viện Hàn lâm KH&CN có chế độ đãi ngộ riêng trong công tác tuyển dụng đối với những nhà khoa học trẻ như nhà nghiên cứu có bằng thạc sĩ, tiến sĩ như xét đặc cách, tạo điều kiện thuận lợi trong hợp tác nghiên cứu học tập với các đối tác nước ngoài. Tuy nhiên, khó khăn rõ nét nhất là hiện nay là lương của người mới tốt nghiệp quá thấp, thiếu chỗ ở.

Nhiều nhà khoa học trẻ Việt Nam giành giải quốc tế

Các nhà khoa học trẻ tiêu biểu tham dự buổi gặp mặt là những cá nhân có thành tích khoa học và công nghệ xuất sắc, đạt các giải thưởng khoa học và công nghệ danh giá trong nước và quốc tế:

TS Nguyễn Minh Huệ (SN 1982), giảng viên Bộ môn Vật lý, Khoa Hóa lý kỹ thuật, Học viện Kỹ thuật quân sự có 14 công bố quốc tế, Giải thưởng David Daniel, Trường Đại học Texas tại Dallas năm 2013. Giải thưởng Vavilov, Viện Vật lý Lebedev - Viện Hàn lâm khoa học Liên bang Nga. TS Nguyễn Quốc Định (SN 1981), Trưởng Phòng thí nghiệm, Bộ môn Cơ sở Kỹ thuật Vô tuyến, Khoa Vô tuyến Điện tử, Học viện Kỹ thuật Quân sự có 52 bài báo và báo cáo hội nghị khoa học quốc tế, giải thưởng “Nghiên cứu trẻ xuất sắc nhất Nhật Bản” năm 2011.

TS Trần Hà Liên Phương, giảng viên Bộ môn Kỹ thuật Y sinh, trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh có 34 bài báo khoa học (31 bài quốc tế), 42 báo cáo hội nghị quốc tế. Giải thưởng “Nhà khoa học trẻ tài năng của thế giới” do Quỹ L’Oréal-UNESCO (Vì sự phát triển của phụ nữ trong khoa học) trao tặng.                

Nguyễn Hoài

70 nhà khoa học trẻ tiêu biểu đến thăm FPT

Chiều 11/9, lãnh đạo Bộ KH&CN  và 70 nhà khoa học trẻ tiêu biểu đã có chuyến thăm trường Đại học FPT tại Khu công nghệ  cao Hòa Lạc. 

Chuyến thăm nằm trong chương trình Thủ tướng gặp mặt các nhà khoa học trẻ tiêu biểu năm 2015 do Bộ KH&CN  tổ chức, nhằm ghi nhận, biểu dương những đóng góp của thế hệ các tài năng trẻ, nhà khoa học trẻ với sự phát triển của đất nước nói chung và nền KH&CN nói riêng. Đoàn đi thăm khuôn viên của làng phần mềm FPT - dự án phần mềm đầu tiên và có quy mô lớn nhất tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc và trường ĐH FPT. 

Đại diện FPT đã giao lưu cùng các nhà khoa học trẻ phát huy đam mê, sáng tạo, nhằm đưa khoa học công nghệ ứng dụng vào phục vụ sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất lao động và tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế.

                Như Ý

MỚI - NÓNG