Tham dự và ấn nút tại lễ khởi công dự án có Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cùng lãnh đạo Bộ Công Thương, EVN, tỉnh Bình Thuận cùng các bên liên quan.
Dự án Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 được EVN giao cho Tổng Cty phát điện 3 (EVN Genco 3) làm chủ đầu tư. Đây là một trong 4 dự án nhà máy của Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (Tổng sơ 7) đã được Thủ tướng phê duyệt.
Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 gồm hai tổ máy, tổng công suất lắp đặt 1.200 MW, sản lượng điện sản xuất hàng năm khoảng 7,2 tỷ kWh. Hợp đồng EPC ký ngày 23/12/2014 giữa EVN Genco 3 và tổ hợp nhà thầu (Tập đoàn Công nghiệp nặng Doosan-Hàn Quốc; Tập đoàn Mitsubishi-Nhật Bản; Cty cổ phần Tập đoàn Thái Bình Dương; Cty cổ phần tư vấn xây dựng điện 2 - Pecc 2) với số tiền 1,36 tỷ USD.
Trong số vốn 1,36 tỷ USD của hợp đồng EPC, sử dụng 85% vốn tín dụng xuất khẩu ưu đãi, thương mại người mua của Tổ hợp Ngân hàng xuất nhập khẩu Hàn Quốc (Kexim), Cty bảo hiểm thương mại Hàn Quốc (Ksure), Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (Jbic), Cty Bảo hiểm đầu tư và xuất khẩu Nhật Bản (Nippon Export and Investerment Insurance); còn lại 15% là vốn đối ứng của chủ đầu tư vay của các ngân hàng trong nước mà Ngân hàng Đầu tư phát triển làm đầu mối.
Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 là một trong số ít các dự án nguồn điện trọng điểm được Thủ tướng cho phép một số cơ chế, chính sách đặc thù để đầu tư các công trình điện cấp bách trong giai đoạn 2013-2020.
Dự án ứng dụng công nghệ nhiệt điện ngưng hơi truyền thống. Thông số hơi trên tới hạn, hiệu suất cao, công nghệ đốt tiên tiến phù hợp với nhiên liệu than nhập khẩu có chất lượng tốt. Than sẽ được vận chuyển đến nhà máy bằng phương tiện vận tải thủy có tải trọng 100.000 DWT. Lượng than tiêu thụ cho Vĩnh Tân 4 khoảng hơn 3,7 triệu tấn/năm, dự kiến nhập khẩu từ nước ngoài.
Theo tiến độ đã được ký kết, nhà máy sẽ được hoàn thành và đưa vào vận hành tổ máy số 1 sau 46 tháng xây dựng (2017) và tổ máy số 2 sau 52 tháng (2018). Nhà máy sẽ được đấu nối với Hệ thống điện quốc gia thông qua lưới điện đồng bộ 500kV. Khi đi vào hoạt động, Vĩnh Tân 4 sẽ góp phần chống thiếu điện khu vực miền Nam vào những năm sau 2017, giảm sự phụ thuộc của hệ thống điện vào nguồn thủy điện, đặc biệt vào mùa khô và các năm cạn kiệt. Ngoài ra, nhà máy sẽ giảm sản lượng điện phải truyền tải từ Bắc vào Nam; giảm tổn thất điện năng, tăng tính an toàn, ổn định, kinh tế cho hệ thống.