Trồng gần 120ha dưa, người dân Đại Lộc (Quảng Nam) chưa kịp mừng vì mùa cho sản lượng cao, đã lâm thảm cảnh rớt giá, ế ẩm. Dưa chất khắp các đường làng, nhưng chẳng mấy thương lái ngó ngàng.
“Trước Tết, giá dưa đạt trên 10 ngàn đồng, sau rớt còn 2-3 ngàn đồng/kg. Thậm chí giờ bán tháo dưới giá 1.000 đồng/1kg nhưng vẫn không xuất hàng được” - ông Nguyễn Văn Huấn (45 tuổi, Đại Lộc) nói. Theo ông Hồ Ngọc Mẫn, Trưởng phòng Nông nghiệp Đại Lộc, giá dưa biến động liên tục khiến người trồng thua lỗ. Điệp khúc được mùa mất giá năm nào tái diễn, do dưa xuất sang Trung Quốc bị ứ đọng.
Trên địa bàn Đức Phổ, Tư Nghĩa, Sơn Tịnh, Nghĩa Hành, Bình Sơn (Quảng Ngãi), người trồng lao đao trước vụ “dưa đắng” mất giá. Anh Phạm Minh (xã Tịnh An, Tư Nghĩa), cho hay: Thời điểm phát triển thì nhiều diện tích dưa bị dịch bệnh, mất trắng. Những ruộng dưa còn lại được mùa nhưng lại mất giá. UBND xã Tịnh An thống kê: toàn xã có hơn 80ha trồng dưa, trong đó 1/3 diện tích gặp bệnh. Số còn lại cho năng suất cao, tuy nhiên giá rớt từng ngày.
Chỉ tuần trước, giá dưa giao động 1.500-2.500 đồng/1kg nhưng nay người dân phải bán tháo với giá rẻ như bèo 500-600 đồng/1kg. Theo Sở NN&PTNT Quảng Ngãi, ước tính vụ dưa hấu đông xuân 2013-2014, tỉnh có trồng hơn 1.500ha. Với giá dưa hiện nay, người dân thua lỗ 10-20 triệu đồng/ha.
Ông Võ Việt Chính, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Ngãi cho hay: giá dưa rớt do cung quá cầu, tâm lý trồng theo phong trào, không tuân thủ quy hoạch, tự phát. Dưa vào vụ lại bị ách tắc xuất khẩu, tư thương ép giá.
Thống kê Sở NN&PTNT Bình Định cho thấy, hơn 3.000 ha đất chuyển đổi sang trồng dưa hấu trên địa bàn các huyện Tuy Phước, Vân Canh, Tây Sơn, Phù Mỹ… chung thực trạng mất giá. Người dân đang vụ thu hoạch, với năng suất dưa đạt trung bình từ 20 - 25 tấn/ha, nhưng giá dưa rớt mạnh.