Khóc, cười trên những chuyến bay

Chậm huỷ chuyến vẫn là vấn nạn của hàng không.
Chậm huỷ chuyến vẫn là vấn nạn của hàng không.
Những chuyến bay hiện nay giờ không phải là đặc quyền của người có tiền. Vừa qua, hợp đồng mua cùng lúc 100 chiếc máy bay của VietJet làm chấn động giới đầu tư trong nước và quốc tế. Thực tế cũng cho thấy, chuyện hành khách đi máy bay dội mũ bảo hiểm, xách túi ni-lông đang ngày một phổ biến.

Những lần nhìn máy bay khóc

Anh Nguyễn Nam, một nhân viên của VietJet cho biết, 3 năm làm cho VietJet có 2 kỷ niệm sâu sắc đều liên quan đến nước mắt. Lần thứ nhất, cách đây 3 năm, anh thấy nhiều người trong ban lãnh đạo VietJet ôm nhau khóc khi chiếc máy bay đầu tiên sơn màu trắng đỏ của hãng hạ cánh và lấp ló trên đường băng. Lần thứ hai, anh Nam chứng kiến một hành khách ngoài 60 tuổi (bay chặng Hà Nội – Sài Gòn) nhoài người nhiều lần nhìn ra bầu trời khi máy bay cất cánh rồi bật khóc. Đó là lần đầu tiên, vị khách này được đi máy bay bằng tấm vé hàng rẻ do con mua tặng. Những lời xuýt xoa, bi bô hồ hởi của con trẻ hay những câu hỏi về cách thắt dây an toàn, bật công tắc đèn, chỗ vệ sinh... của những người già đi máy bay lần đầu là đặc trưng trên những chuyến bay của VietJet. 

Tốc độ tăng trưởng của hành khách đến với hàng không lên tới hơn 5 – 6 triệu lượt người/năm cho thấy sức hấp dẫn của loại hình vận tải này và sự nỗ lực, cái lợi từ sự cạnh tranh của các hãng hàng không trong nước. QL 1A, con đường thiên lý Bắc – Nam mấy năm nay đang trong quá trình xây dựng, mở rộng khiến người dân khổ sở khi đi đường bộ nhưng lại là cơ hội hiếm có cho hàng không vươn lên. 

Đường sắt dù đang trong nỗ lực cải tổ, tuyên bố giảm giá vé nhưng khó vượt được sự cạnh tranh của hàng không giá rẻ. Giá vé tàu loại đắt nhất (giường nằm tầng 1, khoang 4 giường) đi từ Hà Nội – TP HCM hiện được bán gần 1,9 triệu đồng. Trong khi đó, giá vé bay cùng chặng, mua và bay trong ngày của VietJet cũng chỉ ở mức tương đương. Nếu mua để hôm sau bay, giá vé 1,5 triệu đồng. Mua cách 1 tuần, giá vé chỉ trên dưới 1 triệu đồng. Nếu mua theo các chương trình khuyến mãi, vé máy bay nhiều khi chỉ rẻ bằng giá một chiếc bánh mì, tính cả thuế, lệ phí cũng chỉ nhỉnh hơn 200.000 đồng. 

Trong khi di chuyển bằng tàu, ô tô mất gần 2 ngày, cộng với chi phí ăn uống dọc đường thì hàng không chỉ mất chưa đầy 2 tiếng để từ Hà Nội đến Sài Gòn. Điều đó là lợi thế khó vượt qua của hàng không.

Nhiều máy bay vẫn chậm ?

Điều kỳ lạ là dù nhiều máy bay, nhưng VietJet nói riêng và các hãng hàng không trong nước vẫn vướng vào vấn nạn chậm, huỷ chuyến trầm kha. Thậm chí, gần đây vấn nạn chậm huỷ chuyến còn tăng về số lượng và kéo dài về thời gian. Số liệu mới nhất của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy 6 tháng đầu năm, các hãng hàng không nội địa thực hiện 74.000 chuyến bay. Trong đó tỷ lệ chậm chuyến là 20,9%, tỉ lệ hủy chuyến là 3,2% tăng tương ứng 5,2% và 0,5% so với cùng kỳ năm 2013. Chuyện chậm hủy chuyến bay không phải bây giờ mới xảy ra và cũng không phải chỉ xảy ra tại Việt Nam. Nhưng trong những chuyến bay sẽ lại có những hành khách phải bật khóc.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới chậm, huỷ chuyến. Máy bay bị lỗi kỹ thuật phải tiến hành sửa chữa, bảo dưỡng. Thời tiết xấu là những nguyên nhân khách quan. Nhưng bên cạnh đó có nhiều nguyên nhân chủ quan, như hệ thống làm thủ tục lên máy bay chưa đồng bộ; tiếp xăng dầu chuyến bay chậm, thời gian soi chiếu an ninh lâu (15 - 20 giây); khả năng cung cấp dịch vụ khai thác mặt đất ở một số sân bay chưa đáp ứng được tốc độ phát triển của số lượng máy bay... Thậm chí có từ nguyên nhân do dự báo thời tiết không chính xác. Vì thế, chỉ một chuyến bay chậm, kéo theo các chuyến bay sau cũng bị chậm theo. Nhiều hành khách có kinh nghiệm chọn bay các chuyến sáng sớm sẽ đảm bảo đúng giờ hơn chuyến bay cuối ngày.

Vì phục vụ khách bình dân, nhiều người lần đầu đi máy bay nên VietJet có nỗi khổ riêng. Khách chưa quen, hay trễ giờ khi làm thủ tục bay (lỗi phổ biến nhất là mang theo nhiều loại hàng xách tay dạng lỏng) khiến cho chuyến bay phải chờ để kiểm tra. 

“Mời kiểm tra bom trong hành lý” là những phát ngôn của hành khách mà nhân viên VietJet sợ nhất. Bởi vì, ngay sau đó, máy bay phải trở về sân đỗ, tốn kém hàng trăm triệu đồng để kiểm tra, soi chiếu lại, rồi chậm, huỷ ... Trong tháng 6, hãng này phải 9 lần quay lại sân đỗ vì những lỗi “trời ơi” của hành khách.

Để giải quyết cơ bản vấn đề này, trong cuộc họp với Cục Hàng không mới đây, đại diện của VietJet cho biết, một trong những giải pháp của hãng là bố trí một máy bay dự phòng để thế chỗ cho những máy bay bị chậm. Ngoài ra, hãng cũng xem xét điều chỉnh thời gian phục vụ mặt đất tại một số sân bay cho phù hợp với thực tế hạ tầng

Một chuyên gia hàng không cho biết: “Các nước tiên tiến đều có chậm chuyến bay, nhưng quan trọng là họ biết cách xử lý tốt tình huống. Nếu chậm phải thông báo sớm cho hành khách sớm để bố trí lại công việc”. 

MỚI - NÓNG