> Vẫn bám biên giới Libya-Tunisia trong những ngày tới
Lao động Việt Nam ở Libya vui mừng vì được về nước sớm. Ảnh: Hữu Việt. |
Nhiều hỗ trợ
Theo quy định của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, lao động từ Libya về nước nằm trong trường hợp bất khả kháng. Do đó, việc giải quyết quyền lợi sẽ theo nguyên tắc: Nếu lao động nào làm việc chưa đủ 1/2 thời gian hợp đồng đã ký kết được hoàn trả 50% tiền môi giới. Làm trên 1/2 thời gian không được hoàn trả.
Riêng phí dịch vụ, nếu nộp trước đủ một lần (mỗi năm một tháng lương), doanh nghiệp phải hoàn trả một khoản tương ứng với số tháng người lao động không còn làm việc theo hợp đồng.
Ngoài ra, theo quyết định của Thủ tướng về quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước, trong thời gian làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, người lao động về nước với nhiều lý do khách quan khác nhau sẽ được hỗ trợ tối đa 5 triệu đồng/người.
Lao động Việt Nam từ Libya về nước, sẽ được vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm và từ Ngân hàng CSXH để học nghề trong 12 tháng kể từ ngày về nước, với lãi suất 0%.
Theo ông Đào Công Hải - Phó Cục trưởng Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), khoảng hai tuần sau khi hoàn tất việc tiếp đón lao động, các Cty phải có nghĩa vụ thanh lý hợp đồng với lao động.
Ngoài các chế độ hỗ trợ theo quy định, Bộ LĐ-TB&XH cũng sẽ đề xuất Chính phủ đưa ra một chương trình hỗ trợ lao động vừa trở về từ Libya. Lao động nào có nguyện vọng tiếp tục đi làm việc ở nước ngoài, doanh nghiệp và địa phương phải có chính sách hỗ trợ xuất cảnh trong thời gian sớm nhất.
“Chính phủ đã chỉ đạo những lao động về từ Libya sẽ được hỗ trợ vay vốn trước khi đi thị trường mới. Với những lao động đang nợ ngân hàng sẽ được khoanh nợ, giãn nợ” - ông Hải cho biết.
Doanh nghiệp gặp khó
Trao đổi với PV Tiền Phong, lãnh đạo nhiều Cty XKLĐ cho biết, sự cố tại Libya khiến họ bị thiệt hại rất nặng nề. Theo ông Nguyễn Văn Hiệp - Phó GĐ Cty Vinaconexmex - đơn vị có số lượng lao động làm việc tại Libya đông nhất (2.920 lao động), thiệt hại lớn nhất đối với doanh nghiệp chính là đã mất đi một thị trường tiềm năng, công việc thu nhập của lao động ổn định. Đây cũng là thị trường có thể đưa được hàng ngàn lao động mỗi năm.
Ông Đoàn Đại Thành - Chủ tịch Cty Sona (thuộc Bộ LĐ-TB&XH), đơn vị có số lượng lao động làm việc đông thứ hai tại Libya (2.112 lao động) cho biết, Cty sẽ cố gắng để thanh lý hợp đồng với lao động sớm.
Theo ông Thành, chủ sử dụng đã phải bỏ ra một khoản tiền rất lớn để mua vé máy bay (trung bình 1.000 USD/người) nên chắc chắn họ sẽ yêu cầu các Cty môi giới lao động Việt Nam chia sẻ.
Ông Nguyễn Vạn Xuân - Chủ tịch HĐQT Cty Cổ phần Việt Thắng cho biết, Việt Thắng là đơn vị có số lao động đông thứ ba tại Libya (1.644 lao động). Khi lao động về nước, Cty đã chủ động hỗ trợ mỗi người 1 triệu đồng.
Với số lượng lao động như vậy, đây là khoản tiền rất lớn, trong khi Cty khó có thể đòi lại phí môi giới từ phía đối tác (theo quy định, phí môi giới doanh nghiệp Việt Nam phải đóng cho đối tác là 400-500 USD/lao động). Cty cũng có trách nhiệm hoàn trả phí quản lý (mỗi năm 1 tháng lương cơ bản, tương đương 200-250 USD/lao động - PV).
“Trường hợp lao động chưa hết hạn hợp đồng 2 năm của Việt Thắng rất nhiều. Nếu trả trung bình 200 USD/người thì tổng số tiền đến hàng trăm nghìn USD” - ông Xuân nói.
Trong khi đó, việc xử lý đối với lao động mới sang Libya cũng không đơn giản. Với trường hợp này, trước khi xuất cảnh, Việt Thắng đã phải ứng trước nhiều khoản, từ phí môi giới (500 USD/người), phí làm visa, tiền vé máy bay (680-720 USD)...
“Đúng quy định, Cty phải trả hết phí quản lý cho lao động thì nguồn tiền dự trữ của chúng tôi sẽ cạn kiệt và không đủ trả lương cho cán bộ nhân viên chứ chưa nói đến việc cầm cự để tồn tại trước khi tìm kiếm thị trường mới” - ông Xuân nói.
Đào tạo nghề miễn phí cho lao động trở về từ Libya Lao động của tỉnh TT- Huế trở về từ Libya sẽ được ưu tiên đào tạo nghề miễn phí hoặc cho vay vốn tự giải quyết việc làm để sớm ổn định cuộc sống, tin từ Sở LĐ-TB&XH TT- Huế. TT- Huế có 11/37 lao động làm việc tại Libya đã trở về nhà, 26 lao động khác trên đường hồi hương. Tất cả lao động này đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn, khi trở về trong cảnh trắng tay sẽ tạo thêm gánh nặng nợ nần, kinh tế khốn đốn. Theo ông Nguyễn Thanh Kiếm, Giám đốc Sở LĐ- TB&XH, sau khi phân loại đối tượng lao động, hoàn cảnh gia đình, Tỉnh sẽ có phương án hỗ trợ thiết thực, trên tinh thần tạo điều kiện tối đa. Sở đã đề nghị các công ty trực tiếp ký hợp đồng với lao động trước đây tìm kiếm thị trường mới cho người có nguyện vọng. |