> 'Bẫy' nghèo do viện phí tăng
Dù gần nửa năm sau, giá viện phí mới được áp dụng, nhưng với những người bệnh nghèo thì “Thư thư ngày nào hay ngày ấy”.
Cơ hội điều chỉnh giá dịch vụ y tế tăng lên hàng chục lần những tưởng khiến những người làm y tế ở tỉnh nghèo Quảng Ngãi “mở cờ trong bụng”. Cơ hội sau hơn 15 năm giờ mới điều chỉnh tăng ai lại không mừng. Thế nhưng, ngành y tế ở Quảng Ngãi không chọn giải pháp ấy, trong khi nhiều tỉnh khác nhanh nhảu chớp thời cơ.
Vị phó chủ tịch của tỉnh nghèo Quảng Ngãi cho rằng tăng viện phí cần có lộ trình, phải biết liệu cơm gắp mắm, nhất là nơi mà người dân còn nghèo như Quảng Ngãi.
Cách Quảng Ngãi không xa, “thành phố đáng sống” Đà Nẵng , nơi người dân có mức thu nhập bình quân đầu người hơn 40 triệu đồng nhưng mới đây, ngành y tế nơi này cũng nói không với tăng viện phí trong năm 2012.
Thực ra, nếu Đà Nẵng tăng viện phí liền trong năm nay cũng không phải là điều ghê gớm, bởi theo những gì mà ông Phạm Hùng Chiến - Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng thông tin thì thành phố này hiện đã có hơn 82% dân số có thẻ bảo hiểm y tế và dự kiến đến cuối năm 2012 con số này cán mốc 100%.
Nếu tăng viện phí, như lời ông Chiến nói với mức tham gia bảo hiểm như vậy cũng khó mà “dồn khó” cho dân. Vậy nhưng, vị này khẳng định “không tăng viện phí lúc này là để khoan thư sức dân” khiến nhiều người ủng hộ.
Cũng vì không muốn người bệnh oằn vai thêm nữa, mới đây TP Hồ Chí Minh, nơi 10 triệu dân đang sinh sống và chỉ có ngót nghét 4 triệu người có bảo hiểm y tế, cũng đã đồng lòng để đến đầu năm 2013 mới áp dụng viện phí mới.
Lãnh đạo của ngành y tế TPHCM cho biết, đầu năm sau sẽ tăng giá khoảng 2.000 dịch vụ kỹ thuật y tế lên 80% và đến năm 2015 theo lộ trình sẽ nâng lên mức kịch trần mà Bộ Y tế quy định.
Ngành y tế TPHCM cho biết, khi mà các loại hàng hóa dịch vụ đang gia tăng chóng mặt, việc “bồi” thêm cú tăng viện phí sẽ gây choáng cho người dân. Hơn nữa, không thể vội vàng quyết định mà cần có lộ trình để bớt gánh nặng cho dân.
Chỉ có 3 tỉnh thành cân nhắc khi kéo dài thời gian điều chỉnh mức viện phí, trong đó có tỉnh nghèo Quảng Ngãi đã không mấy tác động đến việc nhiều tỉnh đồng loạt tăng viện phí kịch trần.
Nhiều bệnh viện đã điều chỉnh tăng vô tội vạ, bất chấp những năm qua họ thu lãi hàng trăm tỷ đồng nhưng vẫn chưa biết sử dụng vào việc gì? Nhiều bệnh viện tăng kịch trần để “đón đầu” cho việc… điều chỉnh hạ xuống.
Một bác sĩ lâu năm trong nghề cho rằng, nếu như dịch vụ y tế tăng lên hàng chục lần nhưng chất lượng dịch vụ giậm chân tại chỗ thì người bệnh nghèo càng thêm phần khốn quẫn.
Hàng triệu bệnh nhân mắc những căn bệnh quái ác, phải chọn bệnh viện làm nhà trong suốt quãng đời bệnh tật. Nhiều bệnh nhân đã phải bán nhà, vay nợ và sống trong nỗi đau cơ cực những mong sớm lành bệnh sẽ ra sao khi từng ngày quay cuồng đôn đáo lo viện phí?
Bà Đặng Thị Minh - Giám đốc Sở Y tế Nam Định trong một cuộc họp bàn về điều chỉnh viện phí mới đây, nói rằng “các bệnh viện kêu ca không kham nổi do viện phí quá thấp, nhưng hãy đặt mình vào vị trí người bệnh, thử hỏi mình có chịu nổi được mức viện phí ấy không khi hưởng mức lương ba cọc ba đồng?”.
Thử hỏi khi xem xét, nâng lên hạ xuống điều chỉnh dịch vụ y tế, liệu các bác sĩ, lãnh đạo các bệnh viện đã đặt mình vào vị trí của người bệnh, nhất là những bệnh nhân nghèo.