'Khoác áo mới' cho chợ truyền thống

Nữ sinh Đinh Thị Lừng và thầy giáo tại lễ nhận giải thưởng Loa Thành năm 2016
Nữ sinh Đinh Thị Lừng và thầy giáo tại lễ nhận giải thưởng Loa Thành năm 2016
TP - Với mong muốn phát triển những khu chợ truyền thống trở nên chuyên nghiệp, bài bản, có điểm nhấn thu hút khách du lịch, nữ sinh Vũ Nguyễn Uyên Minh, ĐH Kiến trúc TPHCM và Đinh Thị Lừng, ĐH Kiến trúc Hà Nội đã có những đề xuất quy hoạch táo bạo và sáng tạo nhằm tạo bộ mặt mới cho các khu chợ truyền thống.

Quy hoạch lại chợ hoa Hồ Thị Kỷ

Với đồ án: “Thiết kế đô thị khu vực chợ hoa Hồ Thị Kỷ, quận 10, TPHCM” (gồm toàn bộ phường 1, quận 10 TPHCM), nữ sinh viên trường ĐH Kiến trúc TPHCM Vũ Nguyễn Uyên Minh vừa giành giải Nhất giải thưởng Loa Thành lần thứ 28, giải thưởng tôn vinh những đồ án tốt nghiệp xuất sắc ngành xây dựng, kiến trúc do T.Ư Đoàn tổ chức.

Với đồ án này, nữ sinh Uyên Minh mong muốn thực hiện khát vọng biến chợ hoa truyền thống Hồ Thị Kỷ phát triển một cách quy mô, đồng bộ theo hướng chuyên nghiệp để không chỉ giữ lại một nét đẹp khó phai trong thành phố mà còn thu hút khách du lịch. Uyên Minh chia sẻ, bản thân cô và người dân ở đây xem khu chợ hoa truyền thống này giống như một phần không thể thiếu trong cuộc sống của họ.

“Đi bộ trên những con phố bán hoa cảm giác như đang lạc vào một khu triển lãm hoa. Đẹp vậy, nhưng người dân ở đây vẫn chưa biết cách khai thác hết những nét độc đáo để thu hút đông đảo khách du lịch”, Uyên Minh nói. Với những trăn trở đó, Uyên Minh hóa thân thành người bán hoa, rảo bộ trên từng con phố, hay thức xuyên đêm bán hoa nhằm có những trải nghiệm đưa ra những đánh giá, quy hoạch chuẩn xác nhất cho đồ án của mình.

Uyên Minh cho biết, chợ hoa Hồ Thị Kỷ rộng 1,8 ha. Uyên Minh quy hoạch thành các khu bán hoa khác nhau. Ở chân khu chung cư sẽ là các siêu thị hoa bán sỉ. Phía trước sân các khu chung cư là hàng hoa bán lẻ, được bố trí, trình bày theo nhiều hình thức khác nhau: Lồng hoa, gánh hàng hoa, hay hoa chở bán trên những chiếc xe đạp. Bên cạnh đó, là những cửa hàng cắm hoa nghệ thuật, giúp du khách không chỉ được mua hoa, ngắm hoa mà thưởng thức nghệ thuật cắm hoa đặc sắc nhất. 

“Ngay cạnh chợ hoa Hồ Thị Kỷ còn có khu người Campuchia khá sôi động. Vì thế, em đề xuất quy hoạch khá táo bạo là mở các tuyến phố đi từ chợ hoa đến khu này để tạo sự phát triển liền mạch với người dân. Không chỉ bán hoa trang trí, nghệ thuật mà còn bán các loại hoa liên quan đến ẩm thực: Hoa thiên lý, hoa sen, bông điên điển,…”, Uyên Minh chia sẻ. Ngoài ra, trong quy hoạch tổng thể, Uyên Minh còn tận dụng không gian triển lãm, nghệ thuật, bảo tàng văn hóa di tích ở phường 1, quận 10 để thu hút khách đến tham quan, trải nghiệm văn hóa đa dạng.

Chợ dân tộc thị trấn Sapa

Đến chợ tình Sapa (Lào Cai) vào một ngày cuối tuần có tuyết rơi thu hút rất đông khách du lịch đến tham quan, nữ sinh Đinh Thị Lừng, trường ĐH Kiến trúc Hà Nội không khỏi băn khoăn khi không thấy người dân bản địa họp chợ buôn bán cho du khách. “Em bắt xe ôm đi lòng vòng các nhà dân hỏi, họ trả lời do rét quá, đi chợ xa không có chỗ ở lại qua đêm, khu chợ mới chả có mấy khách đến. Với lại khách đến chợ tình chủ yếu đứng xem múa hát, giao duyên, người dân muốn bán gì cũng khó”, nữ sinh Lừng kể.

'Khoác áo mới' cho chợ truyền thống ảnh 1

Nữ sinh Vũ Nguyễn Uyên Minh bên bản thiết kế quy hoạch chợ hoa Hồ Thị Kỷ

Với mong muốn giúp khách du lịch đến tham quan chợ tình, trải nghiệm những nét văn hóa đặc trưng ở Sapa, vừa giúp đồng bào dân tộc họp chợ, kiếm kế sinh nhai từ thế mạnh du lịch, nữ sinh Đinh Thị Lừng nghiên cứu quy hoạch lại chợ vùng cao: “Chợ dân tộc thị trấn Sapa”.

Theo đó, đồ án quy hoạch khu chợ phát triển trong một tổng thể hài hòa, vừa buôn bán vừa trải nghiệm văn hóa. “Thiết kế khu chợ theo hình ốc xoắn theo nguyên tắc chủ đề từ: Ấm no, mặc đẹp rồi đến hạnh phúc. Bước vào chợ dân tộc, đầu tiên du khách sẽ qua khu ẩm thực, ăn uống, và bán các sản vật ăn uống của đồng bào dân tộc vùng cao. Tiếp đó là đến khu bán quần áo, thổ cẩm. Cuối cùng mới đến khu hạnh phúc, tức là khu chợ tình, giao lưu văn hóa, kết bạn”, Đinh Thị Lừng chia sẻ đặc trưng khu chợ dân tộc thị trấn Sapa theo quy hoạch của cô.

“Với cấu trúc không gian khu chợ như thế này, tất cả du khách khi đến với chợ tình Sapa đều được bước qua và trải nghiệm các đặc trưng văn hóa, sản vật của đồng bào vùng cao, chứ không chỉ biết mỗi chợ tình. Đây cũng là cách giúp bà con dân tộc tiếp cận khách du lịch, tạo sinh kế từ thế mạnh du lịch của địa phương”, nữ sinh Đinh Thị Lừng nói.

Với những quy hoạch độc đáo và ý nghĩa thiết thực, đồ án: “Chợ dân tộc Sapa” vừa đạt giải Nhì giải thưởng Loa Thành năm 2016, được Hội đồng giám khảo đánh giá là thiết kế tổ chức mặt bằng theo hướng liền mạch và thông suốt với không gian sinh hoạt văn hóa, phù hợp với các hoạt động đa dạng của chợ vùng cao.

Về ý tưởng quy hoạch chợ hoa Hồ Thị Kỷ của Uyên Minh, Thạc sĩ, Kiến trúc sư Vũ Đình Thành, Viện Kiến trúc Quốc gia đánh giá: “Ý tưởng xây dựng mô hình phố chợ không phải là mô hình mới nhưng các giải pháp sinh viên đề xuất có tính khả thi cao. Việc hình thành mô hình phố chợ có sự kiểm soát của cộng đồng người dân sở tại trên cơ sở phát triển giữa kinh tế - du lịch – cảnh quan đô thị và kết hợp hài hòa giữa các khu vực không gian công cộng – riêng tư là đề xuất tốt phù hợp với điều kiện thực tế”.

MỚI - NÓNG