Vì sao tiểu thương chợ Đồng Đăng quyết giữ chợ truyền thống?

Chợ truyền thống Đồng Đăng rất thuận tiện cho việc mua bán song vẫn vắng khách, tiểu thương lo ngại ra Trung tâm thương mại sẽ khó khăn hơn.
Chợ truyền thống Đồng Đăng rất thuận tiện cho việc mua bán song vẫn vắng khách, tiểu thương lo ngại ra Trung tâm thương mại sẽ khó khăn hơn.
TP - Trong những ngày qua, hàng trăm tiểu thương chợ Đồng Đăng (huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) bỏ chợ, kéo nhau đến trước cổng trụ sở UBND tỉnh Lạng Sơn biểu thị sự phản đối việc di chuyển chợ thị trấn truyền thống ra Trung tâm thương mại Đồng Đăng.

Chợ Đồng Đăng là khu chợ dân sinh truyền thống, có tuổi đời khoảng 120 năm nằm giữa thị trấn Đồng Đăng, là nơi giao lưu, trao đổi hàng hóa giữa bà con dân tộc Tày, Nùng, Kinh, Hoa trong vùng. Trải qua thời gian, chợ dần lớn mạnh, trở thành một trong những chợ cửa khẩu lớn ở Lạng Sơn, thu hút đông khách du lịch tham quan, mua sắm. 

Hiện nay, chợ có diện tích hơn 7.000m2, khoảng 500 gian hàng, được xây theo dãy ki - ốt một tầng, thuận tiện cho việc giao lưu, trao đổi, mua sắm. Chợ không chỉ là nơi kinh doanh mà còn là mảnh đất gắn liền yếu tố văn hóa sinh hoạt cộng đồng. 

Trong khi đó, Trung tâm thương mại Đồng Đăng được khởi công từ cuối tháng 9/2014 tọa lạc tại Quốc lộ 1A trên đường đi lên cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị. Đây là công trình do Công ty Cổ phần & đầu tư thương mại Đồng Đăng làm chủ đầu tư. Tòa nhà trung tâm được xây dựng 3 tầng với tổng số 808 quầy hàng, vốn khoảng 300 tỷ đồng, dự kiến sẽ đi vào hoạt động đầu năm 2016.

Ông Phạm Văn Lạc, một hộ bán hàng tạp hóa lâu năm ở chợ Đồng Đăng cho biết: Lo lắng nhất của hơn 300 tiểu thương đang hoạt động kinh doanh tại chợ Đồng Đăng là người dân địa phương chưa có thói quen đi mua sắm tại những nơi cao sang, siêu thị lớn sẽ ảnh hưởng đến việc kinh doanh. Hai Trung tâm thương mại Sài Gòn - Tân Thanh (huyện Văn Lãng), Trung tâm thương mại Phú Lộc (TP Lạng Sơn) hiện vắng bóng người qua lại.

“Trung tâm Phú Lộc nằm giữa thành phố Lạng Sơn sầm uất. Thế nhưng 7 năm nay, trung tâm này chỉ còn trơ lại bộ xương, không có hộ kinh doanh nào đến bán hàng”, ông Lạc nói.

Bà Nguyễn Thị Ngọc, tiểu thương  chợ Đồng Đăng cho biết thêm, chợ truyền thống rất thuận lợi, nhưng có thời điểm ế hàng; thử hỏi ra Trung tâm thương mại xa xôi, ai sẽ đến mua hàng. Nhất là những mặt hàng thiết yếu như: Tàu xoi, đậu dị, mì chính, xì dầu và các quầy ăn uống truyền thống?!

Đủ điều kiện mới chuyển chợ

Ngày 29/12/2015, UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức họp xem xét tình hình quản lý, hoạt động chợ Đồng Đăng, sau đó ban hành kết luận số 304 TB-UBND. Theo đó lãnh đạo tỉnh cho rằng, chủ trương đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại và chuyển đổi khu đất chợ Đồng Đăng hiện tại để xây dựng công viên cây xanh là phù hợp quy hoạch chung xây dựng thị trấn Đồng Đăng, phù hợp quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn.

Tuy nhiên, các cấp chính quyền của huyện Cao Lộc và chủ đầu tư chưa làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân về chủ trương di dời chợ, chuyển đến địa điểm kinh doanh mới; chưa thực hiện đúng trình tự, thủ tục về chuyển giao mô hình quản lý chợ và tiếp nhận bàn giao chợ hiện tại theo các quyết định của UBND tỉnh và theo các quy định của Nhà nước về quản lý, kinh doanh chợ.

Khi các hộ thương nhân kiến nghị, khiếu nại đã không kịp thời xử lý theo đúng quy định, dẫn đến công dân bức xúc, khiếu nại gay gắt. Trách nhiệm này thuộc về UBND huyện Cao Lộc, UBND thị trấn Đồng Đăng và các sở, ngành liên quan.

Lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn yêu cầu cấp ủy, chính quyền địa phương, sở ngành liên quan chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, yếu kém; đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền, đối thoại với nhân dân, tìm kiếm sự đồng thuận. “Chỉ khi hoàn thành các thủ tục đúng quy định thì các cơ quan chức năng và doanh nghiệp mới được di dời chợ hiện tại và tổ chức khai thác, kinh doanh chợ mới”. Văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Lạng Sơn nhấn mạnh.

“Chỉ khi hoàn thành các thủ tục đúng quy định thì các cơ quan chức năng và doanh nghiệp mới được di dời chợ hiện tại và tổ chức khai thác, kinh doanh chợ mới”. 
MỚI - NÓNG