Khó tin bé 3 tuổi đọc viết vanh vách
> “Hiện tượng Đỗ Nhật Nam” qua ý kiến chuyên gia nước ngoài
> Xuất hiện nhiều clip bé hát Quốc ca
Mỗi lần Sơn khóc hay không nghe lời, người lớn chỉ cần đưa bất kỳ cuốn sách nào có chữ là cậu bé lập tức im lặng và dán mắt vào sách để đọc.
Bé Sơn đang đọc "Vở thực hành luyện viết tiếng Việt 1". Ảnh: Chế Bắc. |
Cậu bé Nguyễn Thanh Sơn sinh ngày 22/10/2009, đang làm người dân xã Bù Nho, huyện Bù Gia Mập (Bình Phước) trầm trồ khâm phục về khả năng đọc sách báo lưu loát mà không cần phải học ghép vần hay có bất cứ một sự dạy dỗ nào. Cả giáo viên nơi Sơn đang được gửi trẻ cũng phải ngạc nhiên. Bé đang học trường mần non Phú Riềng B, xã Phú Riềng, là con anh Nguyễn Thanh Quang (31 tuổi) và chị Nguyễn Thị Ngọc Nguyên (23 tuổi).
“Gặp người lạ là cháu chỉ bám lấy bố thôi, trừ khi đưa cho bé cuốn sách”, cô Nguyễn Thị Lệ, giáo viên chủ nhiệm trực tiếp nhóm lớp Sơn mách. Bé đang bám lấy bố khóc đòi, thế mà nhìn thấy cuốn “Vở thực hành luyện viết tiếng Việt 1” liền nín thinh và nhanh miệng dán mắt vào đọc trang bìa “luyện nét chữ, rèn nết người”; “vở thực hành luyện viết tiếng Việt”… không sót chữ nào. Cậu bé đọc nhanh, liền mạch, không cần đánh vần từng chữ. Sau đó bé ngồi xuống bên các bạn cùng nhóm 1A (nhóm lớp nhỏ nhất của trường), mở từng trang sách và đọc cho các bạn nghe. Thấy trên bàn có đặt một tờ báo, bé liền đến gần và đọc: “Bình Phước”, “thứ hai, ngày 6 tháng 5 năm 2013”...
Cô giáo Lệ kể, Sơn được gửi vào trường từ tháng 8/2012. Lúc đầu, cậu bé không nghe lời cô giáo cũng như chơi cùng bạn bè nên rất khó trông nom. Khoảng 2 tháng sau, mẹ của Sơn đưa đến một cuốn sách và nói nếu bé không nghe lời người lớn thì cho bé đọc chữ. "Tôi liền thử làm thì ngạc nhiên khi bé Sơn ngoan hơn hẳn và chỉ chăm chú vào đọc sách mà không cần đánh vần câu nào”, cô giáo cho biết.
|
Vẻ ngạc nhiên lẫn thán phục, cô giáo nhận xét: “Sơn là một trường hợp đặc biệt. Lớp tôi là một nhóm gửi trẻ, không có dạy chữ mà chỉ dạy múa hát vui chơi. Không ngờ bé Sơn lại có thể biết đọc rất nhanh mà không cần ghép vần”.
Anh Quang bố cháu bé cho biết, vợ chồng làm công nhân cao su nên không có thời gian chăm sóc hay dạy dỗ con cái. Từ trước giờ chưa bao giờ gia đình dạy cháu đọc hay đưa cho cuốn sách nào. Thế nhưng hơn 2 tuổi, Sơn đã lẩm bẩm biết đọc hết những chữ xuất hiện trước mặt. Bé còn có thể viết bằng cách gõ trên máy tính và luôn miệng đọc mỗi khi đánh xong chữ nào đó, giọng ngọng nghịu, một số chữ phát âm sai dấu hoặc không dấu nên hơi khó nghe. Ví dụ bé đọc “phần thướng giá tị” và gõ vào máy tính là “phan thuong gia tri” (phần thưởng giá trị). Khi những người xung quanh không nghe được và hỏi lại, bé phát âm từng chữ cái một trong câu, kèm theo cả dấu. Bé đánh vần đúng và nhanh.
Đưa một nắm tăm cho con, chị Nguyên - mẹ bé nói rằng Sơn mới lên 3 nhưng trong nhà không có bất cứ đồ chơi gì. Trò chơi duy nhất của cháu là đọc sách và xếp chữ. Chị cho biết: "Đi nhà trẻ về là bé lại dán mắt vào chữ hoặc lấy đũa hay que tăm ra xếp chữ, vừa xếp vừa đọc. Con tôi có thể ngồi hàng giờ chỉ với mấy con chữ và mấy que tăm".
Trong lúc mẹ nói chuyện, Sơn đã xếp gần xong chữ “VŨ ĐIỆU XANH” (có dấu). Lúc đầu chữ “VŨ” được Sơn xếp sai dấu là VÙ, sau khi xếp xong cậu bé liền bẻ que tăm và sửa dấu huyền thành dấu ngã ra chữ “VŨ”.
Bé vừa gõ chữ vào máy tính vừa đọc. Ảnh: Chế Bắc. |
Theo người mẹ, Sơn chậm nói, 16 tháng tuổi mới tập nói từng tiếng một (ba, mẹ, bà, nước…). Khi bé được 2 tuổi, gia đình gửi con tại Trường mẫu giáo Phú Riềng B. Được khoảng một tháng, cô giáo chủ nhiệm khuyên bố mẹ đưa con đi khám bệnh vì bé có nhiều biểu hiện lạ: Không chơi đùa, nói chuyện cùng bạn bè, ngồi nói một mình suốt ngày không ai hiểu nội dung gì.
"Vợ chồng tôi đưa con đến khoa tâm lý Bệnh viện nhi đồng 1 khám bệnh. Tại đây bé vẫn nói chuyện huyên thuyên một mình mà không trả lời những câu hỏi của bác sĩ. Bác sĩ chẩn đoán bé có dấu hiệu bị tự kỷ", chị Nguyên cho biết.
Cũng theo người mẹ, quan sát một lúc, các bác sĩ phát hiện bé không phải nói nhảm mà là đọc tất cả những chữ trên tường và vật dụng xung quanh. Bác sĩ kết luận bé không bị bệnh gì, chỉ là thích đọc chữ. Do bé đọc nhanh và bỏ hết dấu nên khó nghe được nội dung.
Bé Sơn đang xếp chữ "Vũ điệu xanh" bằng que tăm. Ảnh: Chế Bắc. |
"Bác sĩ khuyên gia đình không cho bé chơi những gì liên quan đến chữ, không treo, dán lịch, hình ảnh có chữ trên tường… một thời gian bé sẽ trở lại bình thường", mẹ cháu nói.
Theo Chế Bắc
VnExpress