Chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11: 

Khó đến mấy vẫn không rời bục giảng

Khó đến mấy vẫn không rời bục giảng
TP- Là thủ khoa được giữ lại trường, tổng thu nhập 1,2 triệu/tháng, trừ tiền xăng xe, điện thoại và thuê nhà, số tiền còn lại để nuôi sống bản thân chỉ còn lại đúng bằng thu nhập của hộ nghèo chuẩn của Việt Nam (dưới 230.000 đồng/tháng). 

Không ít giảng viên trẻ rơi vào tình cảnh này và đã nản chí bỏ  nghiệp để mưu sinh. Tuy nhiên, không ít giảng viên trẻ vẫn quyết tâm trụ với nghề. Họ đã bộc bạch tình yêu cháy bỏng với nghề dạy học nhân dịp 20/11 trong cuộc toạ đàm với Tiền phong.

Họ là những giảng viên trẻ: Nguyễn Hữu Hòa,  Nguyễn Phương Thảo - ĐH Xây dựng;  Lê Thanh Hà - Viện Khoa học Công nghệ, Đại học Giao thông Vận tải; Nguyễn Thanh Tùng - Khoa Công nghệ Thông tin, ĐH  Sư phạm Hà Nội, hiện đang theo học ngành Công nghệ phần mềm bậc Tiến sĩ tại trường Iowa State University (Hoa Kỳ).

Câu hỏi hơi tế nhị, nhưng các bạn có thể cho biết thu nhập lúc bắt đầu khởi nghiệp?

Giảng viên (GV) Thanh Tùng: Các khoản thu nhập và chi tiêu chi tiết của tôi như sau: Lương 500.000 đồng/tháng; Dạy thêm, bao gồm gia sư, ôn luyện học sinh giỏi: 300.000 đồng/tháng. Tổng thu nhập: 800.000 đồng/tháng. Sau khi trừ các khoản chi tiêu cứng gồm: 200.000 đồng xăng xe, 200.000 đồng điện thoại, 200.000 đồng chi cho cưới hỏi, hội họp bạn bè.

Còn lại 200.000 đồng để nuôi sống bản thân trong khi tiền thuê nhà đã là 500.000 đồng/tháng! Tôi phải tìm sự cứu trợ từ gia đình mặc dù đã làm thầy, đã phải tự nuôi sống bản thân.

GV Hữu Hòa: Tổng thu nhập của tôi lúc khởi nghiệp là 1,2 triệu đồng, trừ tiền xăng, điện thoại, thuê nhà thì tôi đã nằm trong danh sách hộ nghèo của Việt Nam với số tiền dưới 230.000 đồng/tháng. Có những người bạn tốt phải cho tôi thêm tiền để sống.

Vậy còn công việc so với thu nhập thế nào?

Khó đến mấy vẫn không rời bục giảng ảnh 1
Giảng viên Phương Thảo (Đại học Xây dựng) hướng dẫn sinh viên làm đồ án Ảnh: Hồng Vĩnh

GV Phương Thảo: Nhiệm vụ của tôi là giảng dạy 311 tiết/năm nhưng số giờ thực giảng phải lên 500 tiết. Ngoài ra tôi còn tham gia dạy thêm tại chức, hoặc dạy thêm ở ngoài.

Con số đó chưa thấm gì so với các thầy, cô giáo của tôi là những người có học vị cao, có kinh nghiệm có số giờ giảng lên tới 1.100-1.200 giờ, không kể dạy thêm tại chức. Nếu dạy nhiều quá sẽ không có thời gian  để  làm nghiên cứu khoa học (NCKH).

GV Hữu Hòa: Quả tình nếu còn phải lo cuộc sống thì khá vất vả trong việc bố trí thời gian cho công việc chuyên môn.  Nhưng đã làm thầy thì phải cố gắng. Tôi tham gia NCKH cùng các đồng nghiệp trong 5-6 công trình cấp Bộ, vài ba công trình cấp trường và cũng có tham gia viết 3 cuốn sách.

Để làm được những việc như thế sau 4 năm ở lại trường, tôi đã phải tận dụng thời gian của bản thân: mỗi ngày chỉ ngủ 3-4 giờ và phải hy sinh các việc khác như kết giao bạn bè, yêu đương...

Các bạn nghĩ gì về tình trạng giảng viên trẻ thu nhập không đủ sống đã phải bỏ nghề đi mưu sinh?

GV Phương Thảo: Tôi biết có nhiều giảng viên trẻ rời trường. Với tấm bằng giỏi, kiến thức chuyên môn vững, ngoại ngữ tốt, ra ngoài làm một giảng viên có thể kiếm tới 500 - 1.000 USD/tháng. Con người phải mưu sinh, không thể trách gì họ.

GV Thanh Hà: Con số những giảng viên trẻ bỏ nghề tôi biết là hơn 20 người. Những người muốn ở lại trường làm thầy thường là yêu nghiệp và mong muốn học cao hơn nữa. Nhưng phải mất 3 - 4 năm tu luyện như đã nói thì trong thời gian đó họ sẽ phải sống sao?

Vậy theo các bạn, các cơ quan có trách nhiệm phải làm gì để giảng viên trẻ yên tâm với nghiệp dạy?

GV Thanh Tùng: Cải thiện về môi trường giáo dục là việc đầu tiên chúng ta nên làm. Tôi hy vọng có một dịp khác quay trở lại với độc giả của Tiền Phong về điều này dựa trên kinh nghiệm những ngày tháng tôi tu nghiệp ở nước ngoài. Trong khuôn khổ nội dung cuộc trao đổi này tôi  chỉ nói đến một số điều chúng ta nên làm để giữ chân các giảng viên trẻ.

Trước hết là cải thiện về thu nhập theo hướng: thu nhập của giáo viên phải đảm bảo đủ cho cuộc sống và có tích lũy. Thu nhập được căn cứ trên hiệu quả công việc chứ không nên theo thâm niên hay bằng cấp. Nhờ đó giáo viên mới dành tâm sức để đầu tư nâng cao hiệu quả trong công việc của mình.

Kế đến là cải thiện về điều kiện làm việc: Trường không nên chỉ mở cửa vào giờ hành chính. Cần tạo điều kiện để sinh viên và giáo viên có thể học tập, nghiên cứu, gặp gỡ, trao đổi tại trường.

Nên có hình thức trợ giảng (có thể tuyển chọn từ các sinh viên giỏi) để giúp giáo viên bớt thời gian vào những công việc phụ (như hướng dẫn thực hành, chấm bài kiểm tra) và có thêm thời gian tập trung cho công việc chính (NCKH, chuẩn bị bài giảng).

GV Thanh Hà: Lương chưa cao chúng tôi có thể chịu được nhưng điều kiện làm việc, NCKH là một điều bức xúc. Một số trường có thiết bị nghiên cứu, một số trường không có đủ hay đơn giản như giảng viên trẻ muốn đi dự một hội thảo khoa học ở các nước trong khu vực, thậm chí  ở TPHCM cũng không có công tác phí để đi dự. Để có một công trình ở hội nghị khoa học mà cũng không có điều kiện thì động lực đâu để NCKH?

Khó khăn như thế, tại sao các bạn vẫn chọn nghề giảng dạy?

GV Thanh Hà: Chúng tôi chọn nghề giáo vì những lý do khác nhau nhưng lý do chung là thích nghề dạy học và để có điều kiện học tập nghiên cứu cao hơn ở nước ngoài, mong muốn trở lại Việt Nam để góp phần làm thay đổi diện mạo nền giáo dục.

GV Hữu Hòa: Truyền thụ cho lớp lớp học sinh khát khao học tập, NCKH, nâng cao kiến thức là ước mơ cháy bỏng của các nhà giáo. Cao hơn, các giảng viên có thể làm chiếc cầu nối, tạo điều kiện để đưa nhiều thế hệ học sinh đi tu nghiệp mang kiến thức về xây dựng đất nước cũng là đóng góp rất đáng trân trọng.

Để làm được những điều như vậy, dù khó mấy, những người làm thầy cô giáo cũng đi về phía trước. Đó chính là cái duyên của nghiệp làm thầy!

Cảm ơn các bạn.

Hồ Thu (thực hiện)

MỚI - NÓNG