Thật đau xót, trong suốt hai năm ròng rã, các y, bác sĩ và cả những đội hình khác đã lao lực và gần như kiệt sức nơi tâm dịch để tham gia bảo vệ sức khỏe người dân một cách đúng nghĩa. Vậy mà vẫn có những thành phần “ăn” không chừa một thứ gì từ đại dịch, trục lợi bất chấp nỗi mất mát, đau đớn tột cùng của đồng bào mình, lọc lừa xuyên cả hệ thống quản lý nhà nước mà ở đó có đầy đủ bộ máy tham mưu giúp việc, “gác cổng” về chuyên môn.
Tôi đánh giá rất cao sự vào cuộc quyết liệt của Cơ quan điều tra Bộ Công an. Xâu chuỗi lại các dữ kiện quan trọng đã được các cơ quan truyền thông đưa tin, quả thật rất khó chấp nhận những sơ suất hay sai sót của các cơ quan quản lý nhà nước cấp bộ trong vụ việc này. Bởi hồ sơ của một sản phẩm thiết bị y tế muốn lưu hành phải qua rất nhiều khâu sát hạch tiêu chuẩn của các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Y tế, Bộ KH&CN mới được cấp phép.
Riêng đối với bộ kit test của Công ty Việt Á, hồ sơ sản phẩm không được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chấp thuận đưa vào Danh sách sử dụng khẩn cấp của WHO nhưng đã thao túng thị trường với giá trên trời ngay trong lúc các nơi đều gặp khó khăn lúng túng trong việc mua sắm thiết bị y tế. Ấy thế mà lại có những bộ sậu liên quan đến Công ty Việt Á thản nhiên bỏ túi riêng tiền tỷ từ việc đều đặn, thần tốc ngoáy mũi dân mỗi ngày.
Trong thời gian đó, tôi được biết hầu hết các địa phương đồng loạt kiến nghị với Chính phủ và Quốc hội quan tâm tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế mua sắm thiết bị vật tư y tế trong công tác phòng chống dịch. Cũng thời điểm này, Bộ Y tế vẫn chưa đưa ra một quy trình điều trị bệnh nhân COVID-19 và theo dõi sức khỏe người nghi nhiễm theo phân tầng như hiện nay.
Hành vi lợi dụng chủ trương phòng chống dịch của nhóm lợi ích để ung dung làm giàu trong sự kiệt quệ chống đỡ yếu ớt của người dân trước dịch bệnh, thiệt hại ngân sách quốc gia phải gánh chịu, tôi cho đó là hành vi độc ác!
Theo tôi, cần có một cuộc thanh tra liên ngành rõ ràng về quy trình cấp phép lưu hành đối với sản phẩm liên quan đến thiết bị, đồ bảo hộ cá nhân trong lĩnh vực y tế... Khi tiếp cận hồ sơ các sản phẩm y tế trong quá trình kêu gọi vận động ủng hộ nguồn lực phòng chống dịch, chúng tôi nhận thấy có quá nhiều quy định chưa rõ ràng về đánh giá tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm.
Điển hình như khẩu trang y tế, quy định rõ về các chứng chỉ ISO, nhưng thực tế không ít doanh nghiệp đã “tự họa” cho bộ hồ sơ sản phẩm của mình rất đẹp đẽ, đánh tráo khái niệm về đạt chuẩn quốc tế nhưng nhà xưởng thì chắc chỉ ngang tầm với nhà xưởng sản xuất kit test của Công ty Việt Á, và bằng cách nào đó vẫn được đưa vào danh sách các đơn vị sản xuất, cung ứng trang thiết bị bảo hộ cá nhân. Tôi tin rằng sẽ có rất nhiều sự thật được phơi bày nếu cơ quan chức năng vào cuộc.
Cơ quan điều tra Bộ Công an cần tiếp tục làm rõ hành vi gian dối, từng đường đi nước bước của các đơn vị, cá nhân đã lợi dụng dịch bệnh hút máu ngân sách, móc túi người dân, cùng với đó là đánh giá những hậu quả gây thiệt hại nặng nề về con người và vật chất.