Khí xấu

TP - Không phải loại “khí” như vòi vĩnh của ông sư Tam Đảo đang tạo trend trên mạng trong cuộc điều tra của một nữ phóng viên. Mà là không khí. Không khí ở Hà Nội, TP HCM mấy ngày qua đạt đỉnh thế giới về mức độ ô nhiễm. Sáng ngày 26/9, chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại Hà Nội được xác nhận là xấu nhất trong bảng tổng sắp 10.000 thành phố thuộc 80 quốc gia, còn TP HCM thì xấu nhì.

Kết quả dựa trên hệ thống quan trắc tự động không khí AirVisual đặt tại một vạn thành phố, trong đó có các đô thị lớn của Việt Nam.

Đại diện ngành bảo vệ môi trường Thủ đô lập tức lên phủ bác, cho rằng chẳng qua đó là do “không khí Hà Nội ô nhiễm theo chu kỳ” vào thời điểm giao mùa! Và rằng kết quả mà AirVisual ghi nhận chỉ lấy từ một điểm tại khu vực ĐSQ Mỹ nên không thể đại diện cho toàn thành phố!

Ô nhiễm nói chung và ô nhiễm không khí ở Hà Nội, Sài Gòn cũng như các nơi đến mức độ nào, tác hại ra sao thì chính cư dân những nơi ấy biết và thấm thía hơn ai hết. Quyền được hoang mang, lo sợ, thậm chí nghi ngờ của họ là quyền chính đáng. Nhất là khi chính quyền và cơ quan có chức năng luôn tìm cách “bình thường hóa” mọi nguy cơ, minh chứng rõ nhất là vụ cháy nhà máy bóng đèn, phích nước Rạng Đông mới đây. Tín hiệu “an toàn” từ phía chính quyền kéo dài một cách khó hiểu trong thời gian dài, rồi sau đó lực lượng chức năng mới hối hả xô nhau tới hiện trường tẩy độc. Trong khi dân cư sống bên cạnh đám cháy đã hốt hoảng tự di tản, tự vào viện xét nghiệm, thuốc thang từ bao giờ.

Từ vụ này, theo dõi trả lời của các chuyên gia, mới té ra rằng “ngưỡng an toàn” với ô nhiễm của người Việt khác so với thế giới, cao hơn hẳn những chỉ số cảnh báo của WHO. Có nghĩa độ “lỳ”, sức chịu đựng với nguy hại từ ô nhiễm của công dân chúng ta không Tây nào sánh được!

Nhân nói về ngưỡng an toàn, vừa đọc thấy tin Tỉnh ủy Sóc Trăng quyết định chi ngân sách gần 1 tỷ đồng lắp camera được bảo mật tại nhà riêng của 16 vị thuộc Ban Thường vụ tỉnh ủy. Với lý do nhằm bảo đảm an ninh. Túi tiền và “ngưỡng an toàn” của dân về sự mất an ninh có lẽ tốt hơn chăng, khi ai nấy đều phải tự bỏ tiền lắp riêng cho mình, hoặc đành phó mặc?

Cái từ “không khí” (Air) vẫn quen gọi ngày nay có lẽ xuất phát từ Aer – tên vị nam thần nguyên thủy trong thần thoại Hy Lạp, chuyên cai quản không khí tinh khiết. Nhưng là loại thượng khí dành riêng cho các vị thần hít thở, khác với không khí của con người.

Người ta vẫn ví nhẹ như không khí. Nhưng không khí nhẹ nặng thế nào, trong đục ra sao thì tùy thuộc bạn là ai. Nên nhiều khi không phải lúc nào cũng bình đẳng như khí trời như ta vẫn tưởng. 

MỚI - NÓNG