"Bò ra" để đến trường
Những trận mưa dữ dội vừa tạm dứt, chúng tôi ngược lên An Lão, một huyện miền núi cao của tỉnh Bình Định, khi hay tin địa phương vừa xảy ra tới mấy chục điểm sạt lở núi đồi, có những vụ sạt nguyên cả quả đồi, hàng chục ngàn khối đất đá trùm hết lên đường sá dân sinh qua lại.
Nhờ hướng dẫn của người dân, chúng tôi di chuyển đến tuyến đường từ xã An Trung đi xã An Vinh. Nhìn bên đường ai nấy đều ớn lạnh: Cả quả đồi trồng keo của dân giờ thành vực thẳm, những thân cây cao 4-5 mét trên đồi giờ nhìn xuống. Dòng nước đỏ đục ngầu trên núi băng qua đường tuôn xuống không dứt.
Đất đá từ trên đồi núi kéo xuống đã vùi lấp cả một đoạn đường dài hàng trăm mét với nhiều điểm sạt lở. Giao thông qua lại rất chật vật. Muốn di chuyển qua phải đi bộ. Lác đác vài ba chiếc xe máy của bà con địa phương ì ạch, lấm lem bùn đất bò qua những con đường tạm được chính quyền địa phương mở ra trong rẫy keo để lấy chỗ cho người dân đi lại.
Các cô giáo Trường Mầm non An Vinh đẩy xe máy qua đoạn trường sạt lở ngập bùn đất. Ảnh: Đinh Nê |
Trên đường đi dạy về, bắt gặp chúng tôi, cô giáo Đinh Thị Nê, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo xã An Vinh cho hay, tuyến đường sạt lở từ nhiều ngày qua nên việc đi dạy của các cô giáo tại điểm trường xã An Vinh gặp nhiều khó khăn.
“Trường toàn các cô, hầu hết là ở xã khác đến trường dạy học. Hằng ngày, các cô phải đi trên con đường sạt lở này để đến được trường, có cô ở tận xã An Hòa lên đây dạy học, đi đường rất là xa. Những ngày mưa lớn đường sạt lở nghiêm trọng, có hôm 7-8 cô giáo phải thay phiên nhau để đẩy xe lên. Ngày nào cũng phải lên xuống như vậy vì trường cũng rất là khó khăn, không có chỗ ở cho giáo viên”, cô Nê nói.
Cũng đang di chuyển qua con đường tạm để xuống huyện, ông Đinh Nưa (người dân xã An Vinh) chia sẻ: “Cũng nhờ chính quyền mở tạm con đường này để đi lại nhưng hiện giờ cũng còn rất khó khăn. Mấy hôm trời mưa, người dân phải thay phiên nhau để khiêng, đẩy xe vượt dốc mới đến được trung tâm huyện".
An Vinh là một trong những xã nghèo của huyện An Lão, toàn xã có 541 hộ chủ yếu là người đồng bào dân tộc Hrê. Cả xã có các điểm trường là mẫu giáo, mầm non và tiểu học. Ông Đinh Văn Mẩy, Chủ tịch UBND xã cho hay, giáo viên ở đây chủ yếu là người ở các xã khác đến dạy.
“Đợt mưa lũ vừa qua đã gây sạt lở tuyến đường đến với xã nên việc đi lại của các cô giáo cũng gặp rất nhiều vất vả" ông Mẩy nói. Ông cho biết thêm, mưa lũ đã khiến đời sống bà con trong xã gặp rất nhiều khó khan. Tuy nhiên, do đã có sự chủ động chuẩn bị tích trữ từ trước nên không xảy ra việc thiếu lương thực, thực phẩm.
“Khó khăn chung An Vinh là xã nghèo so với các xã khác, người dân ở đây chủ yếu trồng lúa nước, đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Chỉ trong đợt mưa lũ mới đây tuyến đường từ thôn 5 đến thôn 6 đã sạt lở nặng nề. Địa phương sau đó cũng đã hỗ trợ khắc phục cho người dân. Còn những cái nào liên quan, ảnh hưởng đến các hộ gia đình thì địa phương cũng vận động sự đoàn kết của bà con trong làng, trong xóm để cùng giúp đỡ”, ông Mẩy chia sẻ.
Địa phương phải mở các con đường tạm xuyên qua rẫy keo để người dân di chuyển. Ảnh: Trương Định |
Núi đồi tuôn chảy
Ông Trương Tứ, Chủ tịch UBND huyện An Lão cho biết, qua thống kê sơ bộ, đợt mưa lũ vừa qua trên địa bàn huyện đã xảy ra vài chục điểm sạt lở. Có những điểm sạt lở với khối lượng đất đá rất lớn, lên đến cả chục ngàn mét khối. Lo lắng nhất hiện nay là tuyến đường từ xã An Hòa đi xã An Toàn với hơn 10 điểm sạt lở lớn.
Ngay trong sáng 1/12, khi chúng tôi vừa lên, tại xã An Toàn tiếp tục bị sạt lở, với khối lượng đất đá rất lớn tuôn chảy xuống. Giao thông qua đây gặp nhiều khó khăn, chủ yếu là đi bộ hoặc những người đi xe máy nhưng phải “cứng tay ga” mới băng qua được. Sạt lở đã chia cắt toàn bộ tuyến đường lên thôn 1 của xã An Toàn.
Ngoài ra, tuyến đường từ xã An Trung đi xã An Vinh cũng bị sạt lở nghiêm trọng. Đây là một điểm “nóng” sạt lở của huyện An Lão. Do địa hình đồi dốc rất lớn, cắt ngang đỉnh đồi nên việc sạt lở do mưa lớn cấp tập đã dễ dàng xảy ra. Hiện trên tuyến đã có vài chục điểm sạt lở.
“Đến giờ này tuyến đường vẫn chia cắt toàn bộ người dân của xã An Vinh, bởi khối lượng đất đá sạt lở rất lớn. Do nền đất rất yếu, chính quyền vẫn chưa thể chỉ đạo các giải pháp mạnh để khắc phục”, ông Tứ nói. "Biện pháp mạnh" ở đây là việc huy động xe cơ giới và lực lượng lớn, bởi mối nguy hiểm vẫn còn rình rập, ập xuống không biết lúc nào.
Theo Chủ tịch huyện An Lão, giải pháp bây giờ là cho khắc phục tạm thời, đồng thời mở các tuyến đường tạm xuyên qua rừng keo để người dân đi lại. Còn đối với những hộ dân đang còn bị "kẹt" lại cô lập ở vùng bị chia cắt giao thông, địa phương đã triển khai phương án 4 tại chỗ, chủ động chỉ đạo giúp bà con di dời tài sản, vật nuôi đến nơi an toàn. Huyện và xã cũng đã chủ động lương thực từ trước nên không xảy ra việc người dân thiếu lương thực hay nhu yếu phẩm…
Nói về tình trạng sạt lở những ngày qua trên địa bàn, ông Hồ Đắc Chương, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định cho rằng, mưa lớn cũng chỉ là một tác nhân gây ra lở đất, sạt đồi núi. Sạt lở chính là do nhiều thứ tích tụ lại.
“Ngày xưa là rừng tự nhiên được phân tầng nhiều lớp, khi mưa rớt xuống nước chảy từ từ rồi mới ra sông suối, còn bây giờ trồng keo, bạch đàn, cành thì người ta chặt, phát dọn hết để cho cây phát triển nhanh hơn. Khi trời mưa thì hạt mưa rớt trực tiếp xuống mặt đất, trôi nhanh thì sẽ gây xói mòn, sạt lở”, ông Chương nói.
Cũng theo ông Chương, một điều nữa là bây giờ công nghiệp hết, khi khai thác gỗ kéo, bạch đàn thì người dân sẽ cưa, mở đường đồi núi để xe lên chở. Rồi trong quá trình phát triển xã hội phải đào lấy đất để làm đường sá… Hậu quả xảy ra hiện giờ là do con người chưa hiểu hết và thiếu tôn trọng thiên nhiên.