Lánh nạn sạt lở bất kể ngày đêm
Vùng thượng nguồn sông Bù Lu, xã Lộc Thủy, đang trở thành tâm điểm của những trận mưa rất lớn trong những ngày gần đây tại TT-Huế, với lượng mưa đo được riêng vào ngày 29/11 lên đến trên 311mm.
Đến đợt mưa lớn cuối tháng 11 này, ông Hà Văn Dũng (ngụ thôn Thủy Yên Thượng, xã Lộc Thủy) không còn nhớ đã bao lần trong mùa bão lụt năm nay phải cùng người nhà chạy sang xóm bên tạm cư để lánh nạn sạt lở từ sông Bù Lu ăn dần vào gần móng nhà; cũng như để tránh nước lũ dâng cao bất ngờ tràn lên ruộng vườn, nhà cửa.
“Mỗi lần mưa to, nước lũ từ trên núi đổ về, dâng cao trên sông Bù Lu, bờ sông lại sạt lở dữ dội, cả nhà tui phải chạy đi lánh nạn chẳng kể ban ngày hay giữa đêm. Không ai dám ở liều trong nhà, đồ đạc cũng phải di chuyển theo rất khổ sở”, ông Dũng nói trong lo lắng.
Sạt lở dữ dội tại bờ sông Bù Lu thời gian trước đây đã "nuốt chửng" nhiều ruộng vườn, rừng cây. |
Mới đây, nạn sạt lở đã tiến sát vào nhà dân ven sông Bù Lu |
Còn theo bà Nguyễn Thị Hoa, một người dân trong thôn, thì trước đây bờ sông Bù Lu cách nhà các hộ dân vùng sạt lở ở thôn Thủy Yên Thượng từ 15 đến 20 mét, nhà cửa bên trong được bao bọc bằng hai lớp lũy tre già vững chãi. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nạn sạt lở diễn ra dữ dội đã nuốt chửng, nhấn chìm các lớp bờ tre có chức năng bảo vệ đất vườn và nhà cửa xuống lòng sông sâu. Vùng sạt lở đã tiến sát vào móng nhà của bà Hoa.
Khu vực bà Hoa sinh sống vẫn chưa được xây kè bê tông để giữ đất bảo vệ bờ sông. Những ngày này, bà và người nhà phải tự đóng cừ tre, xếp hàng chục bao tải chứa đất tạo thành bờ bao tạm thời cạnh khu vực sạt lở để bảo vệ ngôi nhà.
“Với tình trạng sạt lở mỗi lúc một nặng như thế này, chúng tôi vô cùng lo sợ. Trước mắt, gia đình phải tự xoay xở bằng cách đóng cừ tre, chất xếp những bao tải chứa cát làm kè chắn tạm. Về lâu dài mong nhà nước tiếp tục quan tâm đầu tư hoàn thiện hệ thống kè bê tông bảo vệ bờ sông, hoặc có phương án di dời, tái định cư cho bà con”, bà Hoa kiến nghị.
Phần sau một ngôi nhà dân ven sông Bù Lu đành phá dỡ vì sạt lở ăn sâu vào nền móng. |
Một ngôi nhà dân ven sông Bù Lu chênh vênh bên miệng vực sạt lở. |
Theo UBND xã Lộc Thủy, trên tuyến sông Bù Lu dài nhiều cây số hiện có trên 40 hộ dân nằm trong vùng sạt lở, thuộc các thôn Thủy Cam, Thủy Yên Thượng, Thủy Yên Hạ... Tại nhiều khu vực, tình trạng sạt lở bờ sông đã ăn sâu vào sát móng nhà dân. Cứ mỗi lần tại địa phương có mưa lớn, các khu vực sạt lở luôn là nơi cán bộ xã phải “trực chiến” để hỗ trợ di dời, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân.
Ì ạch xây kè chống sạt lở khẩn cấp
Được biết, tình trạng sạt lở bờ sông Bù Lu xuất hiện từ khoảng 4 năm về trước. Ban đầu, nạn sạt lở xuất hiện ở một vài vị trí, sau đó xảy ra tại nhiều thôn. Đặc biệt, thời gian gần đây, tình trạng sạt lở bờ sông Bù Lu tại khu vực có đông dân cư càng trở nên khốc liệt, khiến hàng chục hộ gia đình, cùng nhiều ruộng vườn, nhà cửa bị ảnh hưởng.
Trước tình hình này, UBND xã Lộc Thủy đã kiến nghị cấp có thẩm quyền kiểm tra, xem xét để có phương án xử lý, nhằm bảo đảm an toàn cho sinh hoạt, đời sống người dân.
Xâm thực ăn sâu vào bờ, dãy cây cối giữ đất vườn này trở nên ngả nghiêng và sắp đổ ập xuống sông sâu. |
Một lũy tre già giữ đất đã bị nước sông Bù Lu nhấn chìm, sau khi nạn sạt lở ăn sâu vào bên trong |
Người dân tự đóng cừ tre để hạn chế sạt lở bờ sông ăn sâu vào bên trong. |
Qua kiểm tra của Sở NN&PTNT, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai & Tìm kiếm cứu nạn tỉnh TT-Huế, UBND huyện Phú Lộc, tình trạng sạt lở ven sông Bù Lu được đánh giá thuộc cấp độ nguy hiểm, cần được đầu tư khẩn cấp hệ thống kè bê tông để bảo vệ các khu dân cư, đất sản xuất.
Khu vực triển khai dự án kè chống sạt lở khẩn cấp bờ sông Bù Lu thuộc xã Lộc Thủy vẫn ngổn ngang, chậm tiến độ do ảnh hưởng của dịch bệnh và thiên tai liên tiếp. |
“Vừa qua, UBND huyện Phú Lộc đã cho triển khai đầu tư các đoạn kè chống sạt lở khẩn cấp ven sông Bù Lu qua địa bàn xã Lộc Thủy. Đặc biệt là những khu vực xung yếu, nguy hiểm, với tổng chiều dài các đoạn kè hơn 500 mét. Tuy nhiên, do bị ảnh hưởng dịch COVID-19, địa phương từng bị giãn cách, phong tỏa kéo dài, cùng với mưa lũ liên tiếp, nên công trình kè không được thi công liên tục, tiến độ bị ảnh hưởng. Kè chậm hoàn thiện do yếu tố khách quan, từ đó kéo theo nhiều bất an, lo lắng cho người dân khi có mưa lớn gây sạt lở cùng với lũ sông dâng cao tràn lên uy hiếp nhà cửa, ruộng vườn như trong những ngày gần đây”, ông Nguyễn Văn Hoàng, Chủ tịch UBND xã Lộc Thủy, cho biết.
Kiểm tra tình trạng sạt lở bờ biển mới đây ở TT-Huế, lãnh đạo Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) yêu cầu địa phương cần triển khai ngay các giải pháp xử lý. Tổng cục giao Sở NN&PTNT TT-Huế rà soát, báo cáo các bộ, ngành các điểm sạt lở nghiêm trọng, xung yếu, đề xuất phương án xử lý khẩn cấp trong thời gian tới; trong đó, chú trọng tại điểm sạt lở bờ biển đoạn qua các xã Phú Thuận, Giang Hải… Sở NN&PTNT tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình sạt lở, nghiên cứu áp dụng các giải pháp tiên tiến, hiệu quả, khắc phục sạt lở nhằm đảm bảo an toàn cho người dân sinh sống xung quanh khu vực sạt lở. Toàn tỉnh TT-Huế hiện có hơn 12,4km bờ biển (trong tổng số 127km) bị sạt lở nặng cần xử lý khẩn cấp.