Khi nông dân là cổ đông

Khi nông dân là cổ đông
TP - GS-TS Võ Tòng Xuân cho rằng cổ phần hóa để người dân có sở hữu trong các doanh nghiệp là cách để giảm rủi ro và thất bại trong nghề nông.

> HTX không thể vay vốn ngân hàng

Nông dân ở công ty Cổ phần giống bò sữa Mộc Châu vừa phát triển nông hộ vừa có cổ phần trong công ty. Ảnh: Xuân Phú
Nông dân ở công ty Cổ phần giống bò sữa Mộc Châu vừa phát triển nông hộ vừa có cổ phần trong công ty. Ảnh: Xuân Phú.

Lúng túng mô hình phát triển

Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và phát triển nông thôn, nhưng vấn đề “tam nông” vẫn còn tồn tại nhiều vướng mắc. Giáo sư đánh giá việc thực hiện nghị quyết thời gian qua thế nào?

Quan tâm đến tam nông là hợp lý. Nông nghiệp, nông dân và nông thôn chúng ta bước vào thế kỷ 21 với không ít khó khăn. Tuy vậy, Trung ương đã có chủ trương những văn bản hướng dẫn cụ thể thì không. Nông dân vẫn phải lo mọi thứ. Sản xuất thì vẫn mạnh ai nấy làm. Khâu tiêu thụ, nhà nước bảo trồng lúa thơm, nhưng nhà nước không mua! Nông dân phải tự bơi.

Nỗ lực sản xuất, tăng sản lượng, nhưng nông dân vẫn chưa giàu có được. Họ đang phải sống với thương lái, làm ra sản phẩm rồi đưa đến cho thương lái. Mấy ông thương lái cấu kết với công ty xuất khẩu. Công ty không chịu làm việc trực tiếp với nông dân mà chỉ thông qua thương lái. Nghị quyết đưa ra không chỉ ra được cách khắc phục tình trạng này như thế nào để giúp nông dân hưởng lợi nhuận từ nhiều khâu trong kinh doanh sản phẩm của họ.

Phải chăng chúng ta đã quá quan tâm đến các vấn đề kỹ thuật, như giống, đào tạo kỹ năng, đẩy mạnh xuất khẩu… mà chưa quan tâm đúng mức đến mô hình kinh tế nông nghiệp giúp nông dân kiểm soát và hưởng được thành quả của họ?

Hiện giờ mỗi nơi làm một kiểu. Nhìn chung nền nông nghiệp vẫn còn rất manh mún. Người ta đầu tư khá nhiều vào lĩnh vực giống, nhưng thực tế giống của chúng ta không hề kém. Bây giờ không nơi nào năng suất dưới 5 tấn/ha/vụ. Các nơi làm hai vụ, thậm chí có nơi làm 2 năm 7 vụ. Sản lượng không hề thấp. Nhưng hiệu quả kinh tế không cao.

Thương lái đi thu mua, họ đâu có phân loại các giống lúa tốt, xấu. Họ gộp cả chục giống vào với nhau rồi đem đi xát, đóng bì xuất khẩu. Lúa gạo Việt Nam không thể làm thương hiệu được là vì sản xuất, thu mua manh mún như vậy. Giá gạo không cao thì nông dân sẽ còn nghèo.

Giáo sư nghĩ như thế nào về mục tiêu đến năm 2020 có 50% lao động nông nghiệp được đào tạo?

Đầu tư hàng ngàn tỷ đồng, giao cho hội nông dân mở lớp, nhưng dạy những kiến thức không thiết thực, người nông dân chẳng áp dụng được là bao.

GS nghĩ thế nào khi nông dân làm việc với cường độ cao, nhưng họ không có lương hưu?

Bên Nhật Bản, nơi tôi học tiến sĩ, nông dân đóng bảo hiểm xã hội. Nông dân mình không đóng gì hết trơn, bảo hiểm y tế cũng không đóng luôn. Xứ văn minh, đương nhiên người ta buộc phải đóng bảo hiểm.

GS-TS Võ Tòng Xuân
GS-TS Võ Tòng Xuân .

Nông dân là cổ đông

Là người đề xuất “Mô hình liên kết bốn nhà”, GS có thể cho biết mô hình này có những ưu điểm gì?

Phải liên kết bốn nhà: Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp. Chúng tôi tập hợp các doanh nghiệp để họ làm trung tâm của mô hình này. Họ xây nhà máy, sân phơi, tổ chức người nông dân trồng lúa theo các tiêu chuẩn sản xuất bền vững. Mô hình này giúp các doanh nghiệp thu mua được gạo chất lượng cao. Còn nông dân, nhờ được trang bị kiến thức, có sự hỗ trợ về kỹ thuật, lúa sẽ ít sâu bệnh, có giá thành thấp, cuối vụ sẽ thu được lợi nhuận cao...

Ngành thủy sản đã thực hiện rất tốt mô hình liên kết giữa sản xuất và chế biến, xuất khẩu. Mô hình này được áp dụng cho việc canh tác lúa và hoa màu?

Thời gian qua, tỉnh nào cũng làm những mô hình liên kết. Những người nuôi cá cũng vậy, họ đã có sự tổ chức nhất định. Nhà máy lên lịch, hôm nào ai sẽ bán cá, tránh việc đem cá vào ào ào, tiêu thụ không kịp. Từ các khâu như giống, thức ăn, chăn nuôi, chế biến đều thống nhất theo quy trình đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu.

Trong canh tác lúa cũng vậy. Hiện giờ một số nơi làm được mô hình này. Ví dụ họ tạo ra những cánh đồng hàng ngàn ha. Giao giống cho dân làm, có cán bộ chăm sóc, hướng dẫn. Nhà máy thì sấy, giữ thóc ở kho, sau đó xuất khẩu. Chất lượng của lúa gạo rất tốt, lợi nhuận cũng cao hơn hẳn.

Mô hình của giáo sư có điểm khác gì so với các mô hình trên?

Các mô hình hiện nay, tuy đã có những ưu điểm vượt trội so với việc sản xuất manh mún tự phát, nhưng về bản chất nó vẫn chưa tạo điều kiện cho người dân làm chủ. Nông dân vẫn là người làm thuê cho các doanh nghiệp. Mô hình của tôi sẽ hoạt động kiểu cổ phần, trong đó nông dân chính là người làm chủ.

Nông dân chúng ta rất nghèo, tiền đâu để mua cổ phần?

Tôi được biết một số doanh nghiệp đã đề nghị người dân hùn vốn bằng đất đai của họ. Tôi không đi theo hướng đó. Tôi thấy mô hình của Nhật Bản rất đáng tham khảo. Họ chỉ khuyến khích mua cổ phần, còn đất đai của ai người ấy giữ để canh tác.

Tôi đề nghị mô hình trong đó nông dân mua cổ phần bằng sản phẩm thu hoạch được. Chẳng hạn mỗi năm thu được 1.000 kg sản phẩm, có thể trích 200 ký mua cổ phần. Cuối năm, ngoài tiền bán lúa giá cao người nông dân còn được chia cổ tức. Như vậy họ sẽ được hưởng lợi nhuận từ nhiều khâu chứ không chỉ từ bán lúa.

Làm theo hướng này, người nông dân sẽ không còn bị cảnh “được mùa, mất giá”, giảm rủi ro và thất bại trong nghề nông. Sự thành công của doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu, cũng đem đến lợi ích cho nông dân khi họ là các cổ đông.

Mô hình của giáo sư đòi hỏi phải có rất nhiều doanh nghiệp mạnh và nhiệt huyết đối với lĩnh vực nông nghiệp. Nhưng hiện nay phần nhiều các đại gia không đầu tư cho sản xuất nông nghiệp?

Đúng vậy, chúng tôi mãi chẳng triển khai được mô hình vì tìm không được doanh nghiệp làm đối tác. Hiện nay, một số doanh nghiệp đã nhận lời rồi.

Nông dân thì đã quen với truyền thống tự sản tự tiêu và phần nào mất niềm tin vào các doanh nghiệp đầu tư ích kỷ trong vấn đề phân chia lợi nhuận. Theo GS họ có sẵn sàng tham gia mô hình?

Nông dân đang dè dặt lắm. Mô hình ở Mỹ Thành Nam chỉ có mười mấy người tham gia. Đến vụ sau mới có được hơn trăm người gia nhập. Mô hình Đức Huệ của tôi, dự tính trồng lúa 110 ha, với 117 người tham gia, nhưng lúc đăng ký thả giống chỉ thấy có 86 người. Họ ngại việc làm theo quy trình GlobalGap.

Theo tiêu chuẩn này nông dân phải tuân thủ quy trình, không phải muốn phun thuốc muốn chăm bón lúc nào cũng được. Ngoài ra họ còn phải có nhà vệ sinh! Rồi nước sạch để pha thuốc… Họ ngán, không dám gia nhập. Sau vụ này, dựa trên số liệu chúng tôi sẽ xin trình mô hình lên Quốc hội.

Những vướng mắc về luật đất đai?

Mô hình của giáo sư sẽ tiến đến việc hình thành các tập đoàn trong lĩnh vực nông nghiệp trong đó nông dân sẽ trở thành hàng triệu cổ đông với những cánh đồng hàng trăm ngàn ha. Điều này có mâu thuẫn với vấn đề hạn điền?

Thực tế dân giao đất cho một ông nào đó nhiều vốn, nhiều kinh nghiệm, còn họ chỉ làm công. Có người canh tác được trên diện tích 600 ha. Thậm chí người trồng khoai lang thôi, đã trồng trên 200 ha rồi. Nông dân cho thuê đất, họ vừa lấy được tiền cho thuê vừa lấy tiền lao động hằng ngày. Người thuê đất, họ có đủ đất đai và nhân lực cũng như sự thống nhất tập trung để làm ra sản phẩm chất lượng đúng với khối lượng lớn theo hợp đồng. Theo tôi, chúng ta đừng nên đặt ra vấn đề hạn điền nữa.

Đất đai - tư liệu sản xuất chính của nông dân - thuộc sở hữu toàn dân. Các cá nhân làm sao đem nó để hùn vào các công ty?

Giấy tờ đất đai của nông dân hiện nay, một số lượng không nhỏ đang… nằm trong ngân hàng. Tuy nói họ chỉ có quyền sử dụng, nhưng thực ra họ còn nhiều quyền khác nữa. Tôi nghĩ, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp nên đổi ra giấy chứng nhận chủ quyền đất nông nghiệp.

GS-TS, Anh hùng Lao động, Nhà giáo Nhân dân Võ Tòng Xuân là nhà giáo, nhà khoa học nổi tiếng trong nước và thế giới. Ông sinh năm 1940 tại An Giang, nguyên Hiệu trưởng Đại học An Giang. Hiện ông là thành viên hội đồng quản trị quỹ Rokefeller (đang hỗ trợ cho Việt Nam là y tế, ứng phó và nâng cao khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu)...

Trần Nguyễn Anh
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.