Khi học chỉ để thi

Khi học chỉ để thi
TP - Clip quay cảnh học sinh lớp 12 một trường THPT tại TPHCM đồng loạt xé đề cương ôn thi môn Sử, ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố thi tốt nghiệp không có môn này thực sự là hình ảnh phản cảm gây xôn xao dư luận.

> Học lệch- hệ lụy của nền giáo dục ứng thí
> Sẽ đổi mới cách dạy, cách thi để không học lệch

Có thể đó chỉ là hành động bột phát thiếu suy nghĩ của lứa tuổi học trò. Nhưng thực ra, hiện tượng trên chính là “phần nổi của tảng băng chìm” của nền giáo dục nước nhà.

Đó là vấn nạn học lệch, học đối phó hay học chỉ để đi thi! Mà đâu chỉ có học trò, căn bệnh thành tích này đã ngấm sâu vào cả hệ thống giáo dục, từ phương pháp dạy và học, nội dung chương trình tới cách thi cử, đánh giá, xếp loại học sinh.

Vừa qua, lần đầu tiên sau nhiều năm áp dụng điểm sàn, Bộ GD&ĐT đã công khai phổ điểm của thí sinh thi đại học. Kết quả cho thấy, chỉ chưa đầy 40% thí sinh dự thi đạt từ điểm sàn trở lên trong suốt ba năm 2010 – 2012. Trong khi đó, tỷ lệ thi đỗ tốt nghiệp THPT trên cả nước suốt nhiều năm qua toàn ở mức 98 - 99%.

Xin lưu ý, độ khó của đề thi ĐH hiện nay cũng chỉ ở mức trên trung bình chút xíu. Dư luận cũng từng chỉ ra không ít trường hợp thi đỗ tốt nghiệp điểm cao chót vót, song lại không đạt được nổi 10 điểm 3 môn, trong kỳ thi ĐH. Khi đặt con số “40% vượt điểm sàn” bên cạnh con số “99% đỗ tốt nghiệp”, mức chênh lệch quá lớn này hẳn phơi lộ nhiều điều đáng suy ngẫm. Vậy đâu là con số thể hiện chất lượng thực sự của hàng triệu thí sinh cả nước? Hẳn tất cả chúng ta đều dễ dàng tìm ra câu trả lời.

Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận trong lần trả lời chất vấn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua đã thẳng thắn thừa nhận một thực tế buồn rằng: “Sau vụ Đồi Ngô nghiên cứu thấy cần giám sát cả cán bộ coi thi, chấm thi và chỉ đạo thi”.

Báo Dân trí mới đây nêu câu chuyện “nỗi nhục của học sinh... tiên tiến” tại một trường tiểu học ở TPHCM, khi có vị phụ huynh bày tỏ sự bức bối với ban Giám hiệu rằng “con mình học chỉ được tiên tiến thì… nhục quá”, không còn mặt mũi nào để nhìn ai. Hóa ra, căn bệnh “thành tích”, đã “di căn” ra cả xã hội, đến nỗi danh hiệu “học sinh tiên tiến” bị rẻ rúng tới mức này.

Như vậy, dù không muốn chúng ta cũng phải lật lại vấn đề bản chất của sự học, đó là: học để làm người, học để phấn đấu làm một công dân có ích cho xã hội, có bằng cấp thực sự! Thất vọng thay, trong không ít trường hợp giả dối, thiếu trung thực trong thi cử, đâu chỉ có mỗi thí sinh có lỗi, mà cả người lớn cũng ra sức tiếp tay.

Cần lắm thay một triết lý giáo dục nghiêm túc và khoa học cho sự học của quốc gia!

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây.