Khi đường sắt thành nơi trồng rau, nuôi gà

Người dân phá rào đường sắt làm lối đi tắt
Người dân phá rào đường sắt làm lối đi tắt
TP - Bất chấp tai nạn đường sắt do lấn chiếm hành lang an toàn tăng cao tại TPHCM và các tỉnh lân cận, người dân vẫn vô tư phá rào làm lối đi, thậm chí trồng rau, nuôi gà trên đường sắt.

Trên tuyến đường sắt Bắc – Nam qua địa bàn TPHCM, nhiều đoạn hàng rào bằng sắt bị bẻ cong để người dân chui qua. Những đoạn hàng rào bằng bê tông cũng bị phá dỡ một đoạn ở cả hai bên đường để làm lối đi tắt.

Tại đoạn đường sắt chạy qua địa bàn quận Phú Nhuận, hai bên đường rất nhiều tuyến dân sinh với hàng trăm hộ dân. Để đảm bảo an toàn, cơ quan chức năng đã lập rào chắn bằng sắt cao hơn 1m. Tuy nhiên, nhiều thanh sắt đã bị bẻ cong, có nơi dỡ hẳn ra để làm lối đi. Bên trong, người dân tự ý xây bệ đổ đất tạo thành những luống lớn để trồng các loại rau xanh và dùng để chất giàn giáo.

Chiều 13/2, một chiếc xe tải tấp vào đường dân sinh song song với đường sắt Bắc – Nam tại nút giao với đường Hoàng Văn Thụ để nhận hàng. Do bên kia đường sắt đường dân sinh quá nhỏ, xe tải không vào được nên nhiều thanh niên vác những bao tải lớn chứa phế liệu đi tắt qua đường sắt để chất lên xe. Theo quan sát, dù hành lang đường sắt được xây rào chắn bằng sắt và cơ sở phế liệu nằm cách đường Hoàng Văn Thụ chưa đến 10m nhưng những người này không đi vòng ra đường mà bẻ rào đường sắt để đi tắt qua.

Tương tự, dọc tuyến đường sắt chạy qua địa bàn quận Bình Thạnh, Thủ Đức (TPHCM), khu vực thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương cũng bị người dân phá rào. Tại khu vực thuộc phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức (TPHCM), đường sắt ngăn cách đường Phạm Văn Đồng với đường dân sinh phía trong nên người dân vô tư trèo qua hàng rào để đi tắt qua lại giữa hai con đường cho dù đường ngang cách đó không xa. Nhiều đoạn rào bằng bê tông bị phá để làm lối đi. Hành lang đường sắt thành nơi vứt rác, trồng rau, chất phế liệu…

Xóa chỗ này mọc chỗ khác

Theo Công ty Cổ phần Đường sắt Sài Gòn, đơn vị quản lý tuyến đường sắt Bắc - Nam từ TPHCM đến hết địa bàn tỉnh Bình Thuận, dù lực lượng chức năng đã nhiều lần rào chắn, xóa bỏ các đường ngang tự phát nhưng người dân phản đối. Họ bất lực bởi khi mới rào xong, thì người dân lại đến phá ra làm lối đi.

Trên tuyến đường sắt chạy qua địa bàn tỉnh Đồng Nai có chiều dài gần 90km, ngoài 57 điểm đường ngang hợp pháp thì có đến 66 điểm đường ngang dân sinh tự phát, chưa kể nhiều vị trí người dân tự ý tháo rào để vào trong đường sắt. Nhiều đoạn khi lực lượng chức năng đến xóa bỏ đường ngang hoặc thu hẹp lại thì bị người dân phản đối. “Nhiều người còn mang máy cày đến phá những điểm vừa được rào chắn để tạo lối đi như trước”- đại diện công ty này cho biết.

Tương tự, tỉnh Bình Dương có 10 đường ngang hợp pháp thì có 6 lối đi tự phát, tỉnh Bình Thuận có 17 đường ngang hợp pháp nhưng có đến 89 lối đi dân sinh tự phát. Những lối đi tự phát do người dân lập nên không đảm bảo an toàn giao thông, lực lượng chức năng đã nhiều lần tổ chức thu hẹp, xóa bỏ nhưng gặp nhiều khó khăn.

Tuyến đường sắt đơn vị này quản lý có tất cả 63 điểm có gác chắn, trách nhiệm hoàn toàn thuộc ngành đường sắt, những lối đi dân sinh thì trách nhiệm thuộc chính quyền địa phương. Việc phát sinh thêm những lối đi dân sinh mới, chính quyền các địa phương phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Riêng địa bàn TPHCM có 26 đường ngang trong đó có 21 đường có gác chắn và 5 điểm được gắn cảnh báo tự động. Dọc tuyến đường sắt từ Bình Thuận vào tới TPHCM, những đường ngang có nguy cơ mất an toàn giao thông cao, lực lượng chức năng đã rà soát và tăng cường chốt gác ở các điểm nguy hiểm.

Ông Nguyễn Đình Đảng, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Đường sắt Sài Gòn cho biết, để xóa bỏ được tình trạng người dân tự ý phá rào làm đường ngang, vào trong hành lang đường sắt trồng rau… ngoài trách nhiệm của ngành chức năng, chính quyền các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân.

Luật sư Nguyễn Tri Đức, đoàn luật sư TPHCM, cho biết phá rào bảo vệ vào trong hành lang đường sắt, làm lối đi tự phát là hành vi vô cùng nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông đường sắt, đe dọa đến tính mạng của người đi đường, mất an toàn giao thông đường sắt. Các hành vi này sẽ bị phạt theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, mức phạt chưa đủ sức răn đe.

MỚI - NÓNG