Khẩn cấp làm gờ giảm tốc, lắp thêm đèn chớp
Chiều 6/2, Bộ GTVT họp khẩn về tình hình TNĐS. Số liệu cập nhật của Cục Đường sắt cho thấy, trong 7 ngày Tết (từ 29 đến mùng 5 Tết) hệ thống đường sắt quốc gia xảy ra 9 vụ tai nạn làm 5 người chết, 14 người bị thương. So với Tết năm 2016, các chỉ số đều tăng, số vụ tăng 125%, số người bị thương tăng 180%, số người chết tăng đến 400%.
Tổng GĐ Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) Vũ Tá Tùng nhìn nhận, hậu quả TNĐS là rất “nặng nề” và “phản cảm” với hình ảnh tàu liên tục đâm phải xe khách, ô tô đồng thời cho biết sẵn sàng chịu trách nhiệm khi nguyên nhân các vụ tai nạn được làm rõ.
Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông, phụ trách đường sắt đánh giá TNĐS dịp Tết năm nay phức tạp, “đa dạng” đến mức có cả tai nạn xảy ra đối với công nhân ngành đường sắt. Ông Đông cho rằng, dù phức tạp nhưng tính chất, nguyên nhân các vụ tai nạn vẫn như cũ, được lường trước (qua các công văn, chỉ đạo tăng cường phòng ngừa trước Tết Nguyên đán) nhưng đáng tiếc, tai nạn vẫn tăng cao. Ngoài nguyên nhân từ người điều khiển phương tiện trên đường bộ, ông Đông nhấn mạnh cần xem xét trách nhiệm, “lỗi chủ quan” trong việc không thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Ủy ban ATGT, đặc biệt là trong lúc cao điểm như dịp Tết vừa qua.
Những bất cập trước mắt mang tính nội tại của ngành ĐSVN trong dịp Tết vừa qua được các bên đề cập như: Thiếu cảnh giới tại các đường ngang, các tín hiệu tại đường ngang (biển báo, đèn, rào chắn) và cả còi tàu chưa đảm bảo. Phó Cục trưởng Đường sắt Khương Thế Duy cho hay, người dân nhiều địa phương phản ánh không nghe thấy lái tàu kéo còi khi qua đường ngang; còi tàu giống tiếng còi container nên người dân nhầm lẫn. Vụ trưởng ATGT Nguyễn Văn Thạch cho rằng, giải pháp làm gờ giảm tốc cưỡng hiệu quả, không tốn quá nhiều kinh phí được đề cập từ lâu nhưng triển khai chậm.
Qua các ý kiến, Thứ trưởng Đông yêu cầu thực hiện một số giải pháp cấp bách. Trong đó, giao Tổng cục Đường bộ, Cục Đường sắt khẩn trương xây dựng kế hoạch làm gờ giảm tốc tại các đường ngang. Để tránh tình trạng khó khăn kinh phí, ông Đông đề nghị lấy từ Quỹ bảo trì Đường bộ. Với các cảnh báo tại đường ngang, ông Đông cho biết, việc tăng hoặc thay còi tàu sẽ không hiệu quả vì hầu hết ô tô hiện nay đóng cửa kính, bật điều hoà. “Yêu cầu Tổng Cty Đường sắt nghiên cứu lắp đèn chớp nhiều màu tại các đường ngang và nóc đầu máy toa tàu để tăng cảnh báo” - ông Đông kết luận.
Phát sinh đường ngang, lãnh đạo huyện “bất chấp”
Về lâu dài, số lượng đường ngang lớn, vẫn có dấu hiệu phát sinh là bài toán quan trọng nhất đối với ngành đường sắt. Theo Tổng Cty ĐSVN, hiện toàn quốc có hơn 1.500 đường ngang hợp pháp và hơn 4.000 đường ngang bất hợp pháp. Cục Đường sắt cũng nêu trường hợp điển hình: tại huyện Kim Thành (Hải Dương), có đoạn chỉ 2,5 km có đến 84 đường ngang dân sinh. Sự nguy hiểm của các đường ngang tăng lên khi nhiều đoạn tuyến đường sắt và đường bộ chạy liền kề, ô tô xe máy rẽ vào đường ngang, gặp rủi ro là có thể đâm ngay vào tàu.
Địa điểm phát sinh cùng lúc 26 điểm vi phạm đường sắt tại huyện Thanh Liêm - Hà Nam chưa được xử lý. Ảnh: Bảo An
Tại cuộc họp, Phó Cục trưởng CSGT Trần Quốc Trung cho hay, nhiều vụ TNĐS được khởi tố, nhưng không thể truy tố bị can (xác định người có tội). Nguyên nhân vì lỗi không thuộc về lái xe mà thuộc về hạ tầng giao thông, như trường hợp các tín hiệu cảnh báo tại đường ngang không hoạt động, tầm nhìn tại đường ngang bị che khuất.
Hiện tại, đường ngang trái phép vẫn dấu hiệu tăng lên do vừa thiếu nguồn lực và chưa thực hiện đúng trách nhiệm giữa các bên. Cục phó Đường sắt Khương Thế Duy báo cáo: Trước Tết, tại huyện Thanh Liêm (Hà Nam) phát sinh cùng lúc 26 điểm đổ đất, làm đường ngang qua đường sắt quốc gia (dân đổ đất lấp ruộng làm cửa hàng rồi làm đường ngang từ quốc lộ qua đường sắt đi vào). Phát hiện sự việc, Cục Đường sắt lập đoàn kiểm tra, mời lãnh đạo huyện Thanh Liêm cùng dự nhưng không ai có mặt. Cục Đường sắt đành “đánh” công văn báo cáo lãnh đạo tỉnh Hà Nam hỗ trợ xử lý nhưng đến nay chưa hồi âm. Nghe sự việc, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia Khuất Việt Hùng sốt ruột, đề nghị Cục Đường sắt báo cáo chi tiết để cùng vào cuộc.
Theo lãnh đạo Cục Đường sắt, đó chỉ là một trong những sự việc nhỏ trong cuộc đấu tranh dẹp bỏ, lập lại an toàn đường ngang. Đơn cử, từ năm 2014, lãnh đạo Cục Đường sắt nhiều lần làm việc với lãnh đạo tỉnh Nam Định (địa bàn đường sắt giáp đường bộ (QL 10) với nhiều đường ngang nguy hiểm) và thống nhất: Nam Định sửa chữa, nâng cấp đường bộ nối vào đường ngang, phần trong hành lang đường sắt sử dụng nguồn vốn của ngành đường sắt. Tỉnh Nam Định gấp rút triển khai, Cục Đường sắt (được giao chủ trì về đảm bảo ATGT về đường ngang, hành lang ATGT đường sắt) đề nghị Tổng Cty Đường sắt (cơ quan được cấp kinh phí thực hiện dự án) bố trí kinh phí (khoảng 4,5 tỷ đồng) phối hợp với tỉnh Nam Định. Tuy nhiên, từ đó đến nay, đề nghị này rơi vào quên lãng. Cho dù, mỗi năm, Tổng Cty Đường sắt được giao hơn 2.000 tỷ đồng để duy trì hệ thống đường sắt và nhiều dự án cải tạo đường ngang độc lập khác.
Tăng cường đào tạo kỹ năng vượt đường ngang
Nhiều ý kiến đề nghị Tổng cục Đường bộ bổ sung các nội dung về lưu thông qua đường ngang giao với đường sắt vào chương trình đào tạo lái xe, bao gồm cả các khâu lý thuyết, thực hành và sát hạch. Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Đường bộ cho biết, hiện đã có nhưng sẽ bổ sung nhiều hơn vào chương trình.