Số người chết vì TNGT bị báo cáo thấp?

Số liệu thống kê tai nạn giao thông của Việt Nam chưa phản ánh hết hậu quả của tai nạn giao thông. Ảnh: Bảo An
Số liệu thống kê tai nạn giao thông của Việt Nam chưa phản ánh hết hậu quả của tai nạn giao thông. Ảnh: Bảo An
TP - Phòng CSGT Ninh Bình - tỉnh được xếp vào danh sách không có tai nạn giao thông (TNGT) dịp Tết vừa phải bổ sung con số thiệt hại do TNGT gây ra. Các chuyên gia cho hay, số liệu về các trường hợp tử vong vì giao thông theo cách tính của nước ta đang thấp hơn cách tính của thế giới khoảng 30%. 

Số liệu TNGT dịp Tết liên tục thay đổi

Theo số liệu được Cục CSGT, Bộ Công an cung cấp ngày 1/2 (mồng 5 Tết Nguyên đán, ngày cuối cùng của kỳ nghỉ Tết), toàn quốc xảy ra 41 vụ TNGT khiến 30 người tử vong, 47 người bị thương. Cộng với số liệu được cơ quan này công bố trước đó về thiệt hại do TNGT trong 6 ngày trước (cả nước đã có 226 vụ TNGT, 141 người chết, 252 người bị thương), tổng số người thiệt mạng vì TNGT trong 7 ngày Tết là 171 người.

Tuy nhiên, ngày hôm đó, Ủy ban ATGT quốc gia chưa công bố số liệu chính thức về thiệt hại do TNGT, cũng như báo cáo chung về tình hình ATGT như thường lệ. Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho hay, vì phải kiểm tra chéo số liệu của Cục CSGT với các địa phương và thống nhất với Văn phòng Chính phủ nên chưa công bố.

Sau đó, Ủy ban ATGT quốc gia chính thức công bố: Trong 7 ngày Tết 2017 (từ 26/1 đến 1/2), toàn quốc xảy ra 368 vụ TNGT, làm chết 203 người, bị thương 417 người. Như vậy, số liệu về số người chết do Ủy ban ATGT quốc gia công bố chênh so với Cục CSGT 32 người.

Cũng theo công bố chính thức của Ủy ban ATGT quốc gia, có 6 địa phương không xảy ra TNGT là Bắc Ninh, Cao Bằng, Kon Tum, Ninh Bình, Sơn La và Lào Cai trong dịp Tết.

Tuy nhiên, như Tiền Phong phản ánh, Ninh Bình là địa bàn xảy ra vụ TNGT nghiêm trọng khiến 2 người chết. Cụ thể, khoảng 22h ngày 26/1 ông Vũ Văn Vĩnh (45 tuổi) và con trai Vũ Trung Hiếu (7 tuổi) đều trú tại xã Ân Hòa, Kim Sơn, Ninh Bình đi xe máy sắm Tết. Hai bố con ông Vĩnh lưu thông trên Quốc lộ 10 hướng Kim Sơn - TP Ninh Bình khi đến địa bàn xã Ân Hòa bất ngờ bị chiếc taxi chạy ngược lại đâm trực diện khiến cả 2 văng xuống sông và tử vong.

Sau đó, Phòng CSGT tỉnh Ninh Bình gửi báo cáo đến Cục CSGT và Văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia đính chính thông tin, trong đó bổ sung vụ tai nạn nghiêm trọng trên. Nguyên nhân được đại diện Phòng CSGT Ninh Bình lý giải, vụ tai nạn xảy ra ngày 29 Tết, đáng ra cũng phải thống kê nhưng bộ phận thông kê chỉ tính từ ngày 30 Tết.

Trả lời câu hỏi “liệu có phải vì sợ trách nhiệm, muốn tăng thành tích nên có hiện tượng các địa phương báo cáo giảm số thiệt hại do TNGT?”, ông Khuất Việt Hùng cho hay: “Có thể do cách hiểu khác nhau dẫn đến báo cáo chưa chính xác. Về tình người, không ai nỡ giấu việc đau thương, mất mát của nạn nhân TNGT để lấy thành tích”.

Thống kê đầy đủ sẽ tăng khoảng 30%

Ông Nguyễn Phương Nam, chuyên gia về tai nạn thương tích của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho hay, hiện nay số liệu chính thức về TNGT của Việt Nam được lấy từ CSGT. Cách tính này sẽ bỏ lọt các vụ TNGT người dân tự xử lý, không có sự có mặt của CSGT. Trường hợp nạn nhân bị thương vì TNGT rồi tử vong trong bệnh viện cũng sẽ không được ghi nhận.

“WHO đang thống kê số người tử vong vì TNGT sau 30 ngày điều trị kể từ khi vụ tai nạn xảy ra. Còn Việt Nam đang chủ yếu tính các nạn nhân tử vong ngay tại hiện trường. Việc theo dõi số người chết vì TNGT tại bệnh viện của lực lượng CSGT chỉ thực hiện đối với một số vụ nghiêm trọng. Thông thường, tổng số người chết vì TNGT tính cả trong bệnh viện sau 30 ngày điều trị cao hơn số người chết tại hiện trường khoảng 30%” - ông Nam cho hay. Theo ông Nam, việc thống kê thiệt hại 30 ngày sau tai nạn sẽ cho bức tranh toàn cảnh chính xác về hậu quả của tai nạn giao thông. Ngoài ra, WHO cũng khuyến cáo thống kê các khía cạnh khác của một vụ tai nạn như tình trạng kỹ thuật phương tiện, hạ tầng, biện pháp cấp cứu, cứu hộ, chữa trị cho nạn nhân... Điều này sẽ có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đưa ra các biện pháp, chính sách phòng ngừa và ứng phó với TNGT.

Cũng ông Nam cho biết, WHO Việt Nam đang cùng Ủy ban ATGT quốc gia xây dựng quy chế báo cáo về TNGT. Tiến sỹ Trần Hữu Minh, Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia - người trực tiếp tổng hợp, xây dựng quy chế này cho biết, dự thảo đã cơ bản hoàn thiện, sẽ ban hành trong quý I hoặc đầu quý II năm nay. Theo ông Minh, số liệu TNGT chính thức tới đây không chỉ lấy từ nguồn của CSGT mà sẽ được đối chiếu từ nhiều nguồn như: CSGT, bệnh viện và bảo hiểm. “Do lấy số liệu của nhiều cơ quan nên việc cần thiết nhất là tránh bị trùng lặp trong thống kê. Phương án được đưa ra là khi xảy ra tai nạn, cơ quan chức năng tiếp cận đầu tiên sẽ đặt mã số cho vụ tai nạn. Mã số đó sẽ được sử dụng cho các tiến trình tiếp theo” - ông Minh nói.

Tuy nhiên, theo ông Minh, ban soạn thảo vẫn chưa quyết định sẽ áp dụng phương án thống kê số người tử vong vì TNGT tại bệnh viện sau 7 ngày hay 30 ngày đúng như khuyến cáo của WHO.

Xem xét trách nhiệm vì tai nạn đường sắt tăng cao

Ngày 5/2, Phó Thủ tướng thường trực, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình có công điện khẩn sau các vụ tai nạn đường sắt liên tiếp xảy ra. Trong đó, Phó Thủ tướng yêu cầu xác định trách nhiệm của UBND một số tỉnh, thành phố có đường sắt đi qua và Tổng Cty Đường sắt Việt Nam. Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GTVT, Bộ Công an và các địa phương thực hiện các giải pháp tăng cường an toàn giao thông đường ngang, hành lang ATGT đường sắt.

Trong dịp nghỉ Tết Đinh Dậu xảy ra 8 vụ TNGT trên đường sắt, làm chết 6 người, làm bị thương 11 người, tăng 60% về số vụ, 100% về số người chết, 175% số người bị thương so với cùng kỳ Tết Nguyên đán Bính Thân.

MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.