Khi Đoàn tiếp sức cho thanh niên

Ông chủ trẻ xứ trầm Lê Ngọc Long.
Ông chủ trẻ xứ trầm Lê Ngọc Long.
TP - Nhờ sự tiếp sức, khuyến khích kịp thời của Đoàn thanh niên, nhiều bạn trẻ mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế và giúp đỡ những bạn trẻ khác cùng lập nghiệp.

Ông chủ trẻ xứ trầm

Lê Ngọc Long (24 tuổi, thôn Lộc Tây 2, xã Quế Lộc, huyện Nông Sơn, Quảng Nam) hiện là chủ cơ sở sản xuất Hương Trầm Bình An với doanh thu 700-800 triệu đồng mỗi năm, tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương. 

Ngọc Long cho hay, trước khi mở cơ sở sản xuất hương trầm anh từng lăn lộn mưu sinh bằng nhiều nghề từ phụ hồ, cơ khí, làm thuê cho các cơ sở sản xuất trầm hương. “Vất vả xa nhà mà đồng lương ít ỏi không đủ chi tiêu nên mình nghĩ phải làm một cái gì đó cho riêng mình, không thể cứ làm thuê mãi được” – Long chia sẻ.

Anh bắt đầu lập nghiệp với tài sản là một chiếc xe máy ba mẹ cho, chút vốn ít ỏi dành dụm để thuê trọ và tiện hạt làm vòng tay bằng trầm. Căn phòng trọ vài chục mét vuông trở thành “xưởng” sản xuất. Khi đồng vốn dày dặn lên, cuối năm 2013, Long quyết định về quê mở cơ sở sản xuất nhang trầm. Thông qua Đoàn xã, Long vay thêm 50 triệu đồng góp thêm vốn để kinh doanh.

Từ diện tích 20m2, đến nay cơ sở sản xuất hương trầm của Long đã mở rộng lên 300m2 và đầu tư trang thiết bị hiện đại, mỗi tháng có thể sản xuất ra hơn 5 tấn nhang và nhiều sản phẩm phụ gia khác. Cơ sở của Long hiện tại còn giải quyết việc làm ổn định cho hàng chục lao động, với mức lương dao động 3,5 – 4,5 triệu đồng/tháng. “Đa số anh em làm ở đây đều là tay ngang nên cơ sở phải đào tạo lại từ đầu. Việc tạo nghề cho anh em ở quê có một công việc ổn định không chỉ phát triển cơ sở bền vững mà còn gắn kết cùng nhau phát triển quê hương” – Long chia sẻ.

Khi Đoàn tiếp sức cho thanh niên ảnh 1 Nguyễn Hữu Bình - tổ trưởng Tổ hợp tác thanh niên nuôi thỏ Thành Đạt thành công với mô hình nuôi thỏ, làm giàu ngay trên quê hương.

Chữ “tín” của thanh niên

Nhờ bí kíp chăn nuôi riêng, các thành viên trong Tổ hợp tác thanh niên nuôi thỏ Thành Đạt (thôn La Thọ 2, xã Điện Hòa, huyện Điện Bàn, Quảng Nam) có thu nhập ổn định từ 150 – 200 triệu đồng/ năm. Tổ hợp tác đang mở rộng quy mô, giúp đỡ những thành viên mới có cùng đam mê trong đó có cả thanh niên hoàn lương và những người lớn tuổi lập nghiệp. 

Anh Nguyễn Hữu Bình – tổ trưởng cho hay, Tổ hợp tác thanh niên Thành Đạt thành lập năm 2014, hiện Tổ có 10 thành viên, hỗ trợ nhau trong phát triển mô hình nuôi thỏ. Các thành viên trong tổ đều thống nhất hoạt động dựa trên những nội quy được đặt ra như tham gia đầy đủ trong các cuộc họp hằng tháng; không phá giá; kỹ thuật chăn nuôi phải đảm bảo vấn đề an toàn đối với môi trường xung quanh… “Việc đưa ra và thực hiện đúng với nội quy sẽ giúp cho hoạt động của tổ đi vào nề nếp, hiệu quả và đảm bảo hoạt động được bền vững, lâu dài. Mình là tổ hợp tác thanh niên nên làm ăn phải giữ uy tín của người mặc áo đoàn” – anh Bình chia sẻ.

Trong số các thành viên tham gia tổ hợp tác có những thanh niên trẻ mới ra trường chưa có việc làm, có cả thanh niên mãn hạn tù đang tìm việc làm và cả những người lớn tuổi có đam mê khởi nghiệp. Ngoài hỗ trợ kỹ thuật, những thành viên mới gia nhập được hỗ trợ về mặt tài chính, con giống. Đặc biệt, Bình cùng các thành viên tìm hiểu, mày mò tìm ra công thức chế biến thức ăn 5 nghìn đồng giúp giảm chi phí và nâng cao thu nhập.

Trong khi nhiều người đang chật vật tìm thị trường, giá cả bấp bênh, các thành viên của tổ hợp tác luôn chủ động và đảm bảo được đầu ra. “Mình làm việc uy tín lâu dài chứ không thể vì lợi ích nhất thời mà thay đổi đạo đức kinh doanh được. Đó cũng là bí kíp và là phương châm hoạt động của tổ hợp tác” – anh Bình chia sẻ. 

MỚI - NÓNG