Khẩu tiểu liên 'danh trấn giang hồ' của Hồng quân Liên Xô

Tiểu liên PPSh-41 với hộp tiếp đạn hình trống và băng đạn cong. Ảnh: Wikimedia.
Tiểu liên PPSh-41 với hộp tiếp đạn hình trống và băng đạn cong. Ảnh: Wikimedia.
Khẩu tiểu liên PPsh-41 của Hồng quân Liên xô đã gây ra những cơn ác mộng kinh hoàng cho phát xít Đức trong Thế chiến II.

Trước khi súng AK-47 trở thành biểu tượng của các lực lượng vũ trang Liên Xô, tiểu liên PPSh-41, một khẩu súng hình thù thô kệch với những âm thanh đáng sợ khi bắn liên thanh, được biên chế chính thức và sử dụng hiệu quả trong Hồng quân nước này, theo WarIsboring.

PPSh-41, viết tắt của Pistolet-Pulemyot Shpagina (khẩu súng lục máy của Shpagin) trong tiếng Nga, là khẩu tiểu liên có chốt liên thanh sử dụng đạn 7,62 x 25 mm mà bất kỳ người thợ nghiệp dư nào cũng có thể lắp ráp.

Súng này có tốc độ bắn 900 viên mỗi phút và chỉ duy nhất tiểu liên Thompson khi ấy có tốc độ khai hỏa gần tương đương.

Liên Xô sản xuất hơn 5 triệu súng PPSh từ năm 1941 đến 1945, khiến nó trở thành vũ khí bộ binh chủ lực của Hồng quân trong Thế chiến II và những năm sau đó. Thậm chí, khẩu PPSh vẫn nằm trong biên chế ngay cả khi Liên Xô chế tạo khẩu AK-47 huyền thoại.

Việc tiểu liên PPSh trở thành một trong số những vũ khí phổ biến nhất trong kho vũ khí Liên Xô bắt nguồn từ việc Liên Xô muốn vượt qua đối thủ Phần Lan.

Cuộc chiến Mùa đông Nga – Phần Lan năm 1939 và 1940 là kinh nghiệm quý giúp người Nga mở rộng tầm mắt. Họ muốn một chiến thắng dễ dàng, do quân số áp đảo, nhiều hơn gấp ba lần so với quân Phần Lan.

Tuy nhiên, Phần Lan lại chiếm ưu thế trước Hồng quân vì nhiều lý do, trong đó có việc người Nga chủ yếu sử dụng khẩu súng trường Mosin-Nagant bắn phát một có tốc độ khai hỏa kém so với khẩu tiểu liên Soumi KP-31 9 mm của Phần Lan.

Được làm từ những bộ phận thép đặc đi kèm với hộp tiếp đạn chứa được nhiều viên, tiểu liên KP-31 có thể xả hàng loạt đạn vào đội hình bộ binh Liên Xô gây thương vong lớn. Đây là một bài học đắt giá khiến các chiến lược gia Hồng quân không thể nào quên.

Ngoài ra, khi ấy Hồng quân Liên xô cũng có điểm yếu lớn là quân đội không được huấn luyện bài bản và không có được sự chuẩn bị tốt nhất cho một cuộc chiến.

Khi phát xít Đức xâm lược Nga năm 1941, hầu hết các cơ sở công nghiệp của Liên Xô bị phá hủy và hư hại. Bên cạnh đó, quân Đức còn thu giữ một lượng lớn vũ khí hạng nhẹ của Nga.

Cũng giống các nước khác khi giao tranh với phát xít Đức, Nga rất cần một vũ khí tự động có thể dễ dàng sản xuất. Nhiệm vụ này được giao cho Georgi Shpagin, một nhà thiết kế vũ khí Liên Xô có bộ óc sáng tạo tuyệt vời.

Shpagin đã dựa vào PPD-40, khẩu tiểu liên sẵn có khi đó để chế tạo vũ khí mới. Ông hàn các miếng thép cán lại với nhau mà không cần bu lông hoặc ốc vít. Để tiết kiệm chi phí, ông tận dùng nòng súng từ các khẩu súng trường Mosin-Nagan, cưa làm đôi, mạ crôm và lắp vào thân tiểu liên PPSh mới.

Giống khẩu KP-31, tiểu liên hạng nhẹ PPSh-41 của Liên Xô có hộp tiếp đạn hình trống đủ khả năng chứa được 71 viên. Hộp tiếp đạn này còn có cơ chế nạp đạn kiểu lò xo đẩy giúp xạ thủ nạp dễ dàng giống như vặn một chiếc đồng hồ. Các phiên bản sau đó của tiểu liên PPSh có hộp tiếp đạn 35 viên.

Khẩu tiểu liên 'danh trấn giang hồ' của Hồng quân Liên Xô ảnh 1

Hồng quân Liên Xô được trang bị tiểu liên PPSh-41. Ảnh: Military.

Ngay sau đó, Liên Xô áp dụng các chiến thuật mới dựa trên các tính năng của vũ khí này. Lính bộ binh Liên Xô tấn công dồn dập các cứ điểm phát xít Đức bằng chiến thuật biển người, các nòng súng PPSh đỏ rực khi bộ binh tiến lên phía trước. Hoặc những người lính Nga trang bị tiểu liên PPSh ngồi trên xe tăng dồn dập nã đạn càn quét quân Đức trên đường rút lui.

Trong chiến tranh Triều Tiên, cả lính Triều Tiên và Trung Quốc đều sử dụng bản sao chép tiểu tiên PPSh có tên Type 50.

"Mỗi lần chúng tôi nghe thấy tiếng súng PPSh vang lên là ai nấy đều khiếp sợ", Gerry Farmer, cựu binh Anh từng tham chiến trong chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 nói trong một đoạn video ở Bảo tàng Quân đội Quốc gia Anh. "Tiếng súng đó còn đáng sợ hơn là những loạt đạn từ vũ khí này".

Theo Farmer, tiếng súng như vậy thường là dấu hiệu bắt đầu của các đợt tấn công áp dụng chiến thuật biển người, với sự tham gia của một lượng lớn bộ binh đối phương, thường diễn ra trong đêm tối.

Ngày nay, tiểu liên PPsh của Liên Xô vẫn được các lực lượng nổi dậy sử dụng, ít nhất là hồi năm 2009, lính Mỹ ở Iraq báo cáo thu giữ các khẩu súng này từ quân nổi dậy.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG