Khát vọng trên trang giấy học trò

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trong số khoảng 300 hồ sơ trong cả nước gửi về dự tuyển học bổng Nâng bước Thủ khoa 2022, đa số những bức tâm thư đều được viết trên trang giấy kẻ ô ly. Những trang giấy từ tập vở học trò - phần thưởng cho thành tích học tập của những năm học phổ thông, giờ trở thành phương tiện chuyển tải ước mơ, khát vọng của những sinh viên nghèo.
Khát vọng trên trang giấy học trò ảnh 1
Những bức tâm thư được viết trên trang giấy học trò

Những bức tâm thư từ vùng xa

Gia đình K’Xuyên ở xã Đạ Đơn (Lâm Hà, Lâm Đồng) có tới 7 anh chị em và thuộc diện hộ nghèo. Dù khó khăn nhưng K’Xuyên rất ham học, 12 năm liền là học sinh giỏi. Nhưng vì khó khăn ngày càng chồng chất nên K’Xuyên đã tính bỏ thi vào đại học. May nhờ sự động viên của gia đình, bạn bè, K’Xuyên mới quay lại ôn thi và trở thành thủ khoa ngành Sư phạm tiếng Anh của trường Đại học Đà Lạt.

Nay H’Tuyết sinh ra tại một vùng đất nghèo ở xã Ea Bia, huyện miền núi Sông Hinh, cách thị xã Phú Yên hơn 60km. Bố là giáo viên bám bản với thu nhập rất thấp, cả gia đình sống chủ yếu bằng nguồn thu từ nương rẫy. Dù khó khăn, Nay H’Tuyết vẫn không nản chí và luôn cố gắng học tập với mơ ước theo nghề của cha, tiếp tục làm giáo viên đứng lớp trên quê hương. Nay H’Tuyết đã trúng tuyển vào ngành giáo viên Tiểu học của Đại học Phú Yên.

Trong hồ sơ những sinh viên được nhận học bổng Nâng bước Thủ khoa có rất nhiều trường hợp có đính kèm giấy chứng nhận hộ nghèo, cận nghèo hoặc gia đình khó khăn. Như Phạm Hồng Nhung (Ea H’leo, Đắk Lắk) - tân thủ khoa Trường Đại học Tây Nguyên, Trần Võ Như Uyên (Tân Uyên, Bình Dương)-Á khoa Học viện Cán bộ TPHCM, Phạm Thị Tú Nguyên (Ba Tri, Bến Tre)-thủ khoa Trường Đại học Tài chính - Marketing…

Ước mơ giản dị

Trong số ứng viên xét học bổng Nâng bước Thủ khoa năm nay, nhiều sinh viên lựa chọn những ngành học giản dị, gần gũi với cuộc sống như sư phạm, y dược, nông nghiệp… Phạm Hồng Nhung cho biết, những lúc mơ mộng, cô và bạn bè cũng mong ước sẽ lựa chọn một ngành thời thượng để được đi đây đó, được trải nghiệm cuộc sống phong phú... Nhưng quê nhà còn nghèo, mỗi người đều phải có trách nhiệm với quê hương nên những lựa chọn thiết thực, có ý nghĩa thật sự đối với quê hương sẽ quan trọng hơn.

Thầy Nguyễn Thôi, Trưởng phòng công tác sinh viên Đại học Duy Tân, đánh giá cao học bổng Nâng bước Thủ khoa. Theo thầy Thôi, số tiền học bổng không chỉ hỗ trợ các em mua sắm sách vở, chi tiêu cá nhân mà thông qua học bổng đó, các em thấy được sự quan tâm, chăm lo của các tổ chức trong xã hội, mà cụ thể là báo Tiền Phong. Sự quan tâm đó sẽ tạo thêm động lực để các em tiếp tục cố gắng trong học tập.

Nay H’Tuyết chia sẻ: “Có thể đối với nhiều người, nghề làm giáo viên hiện nay không phải cao sang, nhất là giáo viên tiểu học, nhưng em luôn nghĩ nếu không có những giáo viên tiểu học thì ai sẽ dạy cho các em bé những dòng chữ đầu đời. Đối với em, nghề giáo viên luôn tràn đầy nhựa sống, đong đầy tri thức, niềm lạc quan và yêu thương vô bờ bến”.

Trần Phạm Quang Đạt, sinh viên chuyên ngành Thú y - Đại học Lâm Nghiệp (Phân viện Đồng Nai), cho biết: “Ước mơ của em là trở thành một bác sỹ thú y, em không chỉ chữa bệnh cho gia súc mà còn giúp sức cứu trợ động vật, nhất là những động vật hoang dã đang có nguy cơ tuyệt chủng. Đặc biệt, trong giai đoạn nhiều dịch bệnh hiện nay, nếu được chăm sóc tốt thì nguy cơ lây bệnh từ động vật hoang dã sẽ không thể xảy ra”, Quang Đạt viết nắn nót trên trang giấy kẻ ô ly.

MỚI - NÓNG