“Khát” nhân lực nhóm ngành kỹ thuật - công nghệ

Dự báo ngành Kỹ thuật - Công nghệ tiếp tục hút thí sinh trong thời gian tới Ảnh: Nghiêm Huê
Dự báo ngành Kỹ thuật - Công nghệ tiếp tục hút thí sinh trong thời gian tới Ảnh: Nghiêm Huê
TP - Kỹ thuật - Công nghệ được coi là nhóm ngành tiên phong trong đào tạo nhân lực 4.0.  Lần đầu tiên có một nghiên cứu, đánh giá tổng quan về đào tạo, sử dụng nhân lực trình độ ĐH nhóm ngành này.

Th.S Trần Phương, Phòng nghiên cứu và Đào tạo, Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực (Bộ GD&ĐT), thành viên nhóm nghiên cứu cho biết, tính đến tháng 9/2019 cả nước có 114 cơ sở có đào tạo ngành Kỹ thuật và Công nghệ - Kỹ thuật. Về quy mô đào tạo, tổng số sinh viên chính quy năm 2019 là 1.443.000. Phần lớn sinh viên tập trung theo học các ngành Toán và thống kê; Máy tính và công nghệ thông tin; Công nghệ kỹ thuật; Kỹ thuật…

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ GD&ĐT, nhiều trường chưa quan tâm đầu tư các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo để đáp ứng quy mô tuyển sinh; đội ngũ giảng viên, đặc biệt là giảng viên cơ hữu chưa đáp ứng yêu cầu về trình độ chuyên môn; nguồn lực tài chính phân tán; chưa đầu tư dự báo thị trường nên các ngành đào tạo còn trùng lặp, chồng chéo trong một địa bàn...

Nhiều nơi mở ngành đào tạo vẫn dựa vào năng lực và kinh nghiệm vốn có, dẫn đến những ngành xã hội cần thì lại thiếu. Đó là những nguyên nhân khiến cơ cấu ngành nghề chưa hợp lý và chất lượng đào tạo hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế.

Th.S Trần Phương cho biết, qua khảo sát trực tiếp từ cơ sở đào tạo và từ phía thị trường lao động kết quả cho thấy, thị trường đang có dấu hiệu rất “khát” nhân lực nhóm ngành Kỹ thuật - Công nghệ. Hầu hết các sinh viên năm cuối nhóm ngành này thường có các đơn vị nhận trước ngay từ năm cuối, thậm trí từ năm thứ 3 với nhiều chính sách hỗ trợ và ưu đãi. Một số doanh nghiệp còn đặt hàng cơ sở đào tạo trong việc đào tạo nhân lực. Tuy nhiên, cũng có nhiều phản hồi về chất lượng và khả năng đáp ứng yêu cầu công việc đối với nhân lực nhóm ngành Kỹ thuật - Công nghệ.

TS Trần Sâm, chuyên viên Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) cho biết, trong vài năm học gần đây, xu thế số lượng và tỷ lệ số ngành đào tạo trình độ ĐH theo các nhóm ngành lĩnh vực Kỹ thuật - Công nghệ tăng.

“Theo số liệu từ mùa tuyển sinh 2019, những ngành được xem là "nóng" nhất bao gồm nhóm ngành công nghệ thông tin (phân tích dữ liệu, kỹ thuật phần mềm, an ninh mạng), công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh tài chính và nhiều lĩnh vực khác; công nghệ tự động hóa (cơ điện tử, điện tử, điều khiển tự động, chế tạo ô tô, chế tạo vật liệu); các ngành kỹ thuật xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng cao cấp, năng lượng, công nghệ in 3D; các ngành thuộc lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ chế biến, kỹ thuật y sinh (tích hợp kỹ thuật số - vật lý - sinh học…)” - TS Trần Sâm cho hay.  

MỚI - NÓNG