Thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực ngành AI

Giờ học của sinh viên ngành Công nghệ thông tin trường ĐH Bách khoa. Ảnh: BK
Giờ học của sinh viên ngành Công nghệ thông tin trường ĐH Bách khoa. Ảnh: BK
TP - Trí tuệ nhân tạo (AI) được dự báo sẽ bùng nổ trong những năm tới, song tại Việt Nam nguồn nhân lực ngành này đang và sẽ thiếu hụt trầm trọng.

Tại Ngày hội trí tuệ nhân tạo diễn ra trong 2 ngày 15-16/8, các chuyên gia bàn thảo nhiều về vấn đề nhân lực để phát triển AI-ngành công nghệ thông tin (CNTT) được coi là cốt lõi của cách mạng công nghiệp 4.0.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy chia sẻ tin vui, lần đầu tiên, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội có ngành tuyển sinh với điểm chuẩn vượt điểm chuẩn của Đại học Y Hà Nội. Đó là hai ngành đào tạo nhân lực liên quan đến AI gồm ngành Khoa học máy tính 27,42 điểm và ngành Chương trình tiên tiến khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo 27 điểm. Mới đây, một công ty của Nhật Bản đã tuyển 12 sinh viên chương trình kỹ sư CNTT Việt-Nhật của Đại học Bách khoa Hà Nội sang làm việc với mức lương 6.000 USD/tháng (tương đương hơn 130 triệu đồng/tháng).

Theo bà Ngô Thị Ngọc Lan, Giám đốc vùng của Công ty việc làm Navigos Search North, chưa thể đánh giá tổng thể nhu cầu nhân lực của ngành AI, song với tốc độ và tiềm năng phát triển những năm qua, có thể hy vọng AI sẽ bùng nổ trong những năm tới.

Bà Lan cho biết, nhu cầu của doanh nghiệp tăng cao nhưng số lượng đào tạo chưa đáp ứng được. Nhiều doanh nghiệp phải chủ động tìm đến các trường đại học để phối hợp đào tạo và tìm nguồn nhân lực. Không chỉ thiếu hụt về số lượng, nhân sự trong lĩnh vực này thường có xu thế nhảy việc nhanh. Đây là vấn đề đau đầu của doanh nghiệp tuyển dụng.

Bà Lan chia sẻ, một khảo sát do công ty thực hiện trên nhóm ứng viên ngành CNTT cho thấy, 70-80% ứng viên muốn nhảy việc, hơn 50% nói sẽ ra nước ngoài làm việc nếu có lời mời. Gần 60% doanh nghiệp tuyển dụng trong lĩnh vực này cho rằng khó khăn lớn nhất của họ là vấn đề nhân lực sau đó mới đến vấn đề dữ liệu và gọi vốn đầu tư. Doanh nghiệp Việt cũng gặp phải sự cạnh tranh khi nhiều doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam tìm kỹ sư công nghệ để mời sang nước họ làm việc do thiếu nguồn nhân lực...

Đại diện Tập đoàn công nghiệp viễn thông Quân đội (Viettel) chia sẻ, Viettel có rất nhiều bài toán cần giải quyết bằng công nghệ AI. Tuy nhiên, nguồn nhân lực rất thiếu hụt, nhà mạng này phải tìm về các trường đại học để thu hút sinh viên xuất sắc. Tuy nhiên, số lượng này không nhiều. Hơn nữa, nhiều sinh viên dù xuất sắc trong công nghệ thông tin song khả năng am hiểu về Viettel, các vấn đề của Viettel còn hạn chế. Vì vậy, nhà mạng này phải chú trọng đào tạo nội bộ.

Theo ông Trần Hồng Thắng, Giám đốc Ban Quản trị Dữ liệu của Ngân hàng Vietinbank, đơn vị này phải mất 4 năm mới tuyển dụng được 3 vị trí nhưng đều không đúng chuyên môn. Ông Thắng nêu một thực tế, những người giỏi về công nghệ AI lại ít am hiểu các chuyên môn nghiệp vụ của ngành ngân hàng. Các mô hình tính toán, phân tích rất tốt được tạo ra nhưng nghịch lý là những người tiếp nhận và sử dụng lại không chấp nhận, vì quá khó hiểu.

GS Hồ Tú Bảo, Viện John von Neumann, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh chia sẻ, cùng với việc đào tạo trong nước, Việt Nam nên thu hút các nhân tài người Việt đang làm về AI cho các tập đoàn hàng đầu thế giới như Google, Microsoft, xây dựng mạng lưới chuyên gia AI người Việt trên toàn cầu để huy động nguồn nhân lực cho sự phát triển của ngành AI Việt Nam.

MỚI - NÓNG