Miền Trung đối mặt bão số 9

Khẩn cấp gọi tàu, chuẩn bị sơ tán

Khẩn cấp gọi tàu, chuẩn bị sơ tán
TP - Cơn bão số 9 (còn gọi là Ketsana) đang tiến vào gần miền Trung. Tại Đà Nẵng, địa phương được dự báo tâm bão sẽ đi qua, công tác kêu gọi tàu thuyền được triển khai nhanh chóng. Nhiều khả năng Đà Nẵng sẽ phải di dời 10 ngàn hộ dân để tránh bão.

>> Bão số 9 mạnh cấp 12 tiến vào bờ biển Trung Bộ
>>
Thanh Hoá - Hà Tĩnh : 9 người chết và mất tích do mưa lũ

Khẩn cấp gọi tàu, chuẩn bị sơ tán ảnh 1
Ngư dân Đà Nẵng khẩn trương đưa thuyền lên bờ tránh bão - Ảnh: Nam Cường

20 giờ hôm qua, Ban Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB & TKCN) TP Đà Nẵng họp khẩn bàn phương án phòng chống bão số 9 dự báo sẽ quần thảo các tỉnh miền Trung (từ Quảng Trị đến Đà Nẵng).

Ông Huỳnh Vạn Thắng – Phó ban cho hay, Đà Nẵng sẽ lấy bài học kinh nghiệm và công tác phòng chống bão Xangsane (2006) để hạn chế thiệt hại. “Chúng tôi chủ động đối phó, kêu gọi tàu thuyền, sơ tán dân ở vùng nguy hiểm” – Ông Thắng nói.

Khẩn cấp gọi tàu, chuẩn bị sơ tán ảnh 2
Tàu thuyền neo đậu ở Âu thuyền Thọ Quang (Đà Nẵng) - Ảnh: N.Cường

Được biết, số dân phải sơ tán trong ngày hôm nay và vài ngày tới ở Đà Nẵng không dưới 10 ngàn hộ. Hiện, lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) đã gọi được 270 tàu, thuyền đánh bắt gần bờ vào trú ở Âu thuyền Thọ Quang.  

Sẵn sàng giúp dân  

Bộ Tư lệnh Quân khu 5 cho hay, hiện các đơn vị thuộc QK 5 đã chủ động chằng chống hệ thống nhà cửa, kho tàng, bến bãi... chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện, lương thực thực phẩm, thuốc men, dụng cụ y tế... sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xảy ra.

Chiều qua, Trung tâm PCLB miền Trung – Tây Nguyên cho hay, các địa phương ở miền Trung (từ Quảng Bình đến Khánh Hòa) đã kêu gọi được trên 2 nghìn tàu thuyền vào trú ẩn an toàn.

Tuy nhiên, vẫn còn 4.242 tàu với 30.932 lao động đang hoạt động trên biển. Trong đó, địa phương có số tàu thuyền đang ở trên biển nhiều nhất là Bình Định: 2.639 tàu với 16.823 lao động; Quảng Ngãi với 762 tàu/ 7.185 lao động. Điều đáng quan tâm là hiện có 23 tàu với 326 lao động của Quảng Ngãi đang hoạt động trên vùng biển Hoàng Sa khó có khả năng chạy vào bờ kịp, nên dự kiến các tàu thuyền này sẽ vào đảo Trụ Cẩu, thuộc quần đảo Hoàng Sa trú ẩn.

Còn Vùng C Hải quân triển khai cho các lực lượng tàu đang làm nhiệm vụ trên biển xa tổ chức bắn pháo hiệu báo bão và hướng dẫn tàu thuyền ngư dân vào nơi tránh bão. Vùng huy động toàn bộ lực lượng triển khai mọi công tác chuẩn bị, khi có lệnh là cử 5 tàu trực cấp cứu tại vịnh Đà Nẵng; cửa biển Thuận An (Thừa Thiên - Huế); Cửa Đại (Quảng Nam) và Sa Kỳ (Quảng Ngãi).

Hiện có 400 cán bộ chiến sỹ cùng 17 xe ô tô, hàng chục nhà bạt, 200 áo phao và nhiều dụng cụ y tế, thuốc men... sẵn sàng phục vụ dân vùng bão, lũ.

Chiều 27/9, Phó Đô đốc Hải quân Nguyễn Văn Hiến cùng đoàn cán bộ của Quân chủng đã vào kiểm tra công tác phòng chống lụt bão của các đơn vị Hải quân tại Đà Nẵng.

Đoàn Phòng không B75 đã huy động 450 cán bộ chiến sỹ  cùng 3 ca nô; 20 xe tải, xe con; 50 nhà bạt; gần 300 áo phao và phao cứu sinh; mỗi đơn vị chuẩn bị 2 máy phát điện và nhiều dụng cụ y tế, thuốc men, mỳ tôm... sẵn sàng ứng cứu dân khi có tình huống xảy ra.

Thanh Hóa: Người chết, nhà sập, làng bị cô lập

Khoảng 22 giờ đêm 25/9, trên địa bàn huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa), những cơn mưa lớn bất ngờ gây lũ quét, lũ ống làm ngập nặng ở các xã Thọ Bình, Bình Sơn, Triệu Thành, Thọ Tiến... Đất đồi sạt lở làm sập nhà dân; nước dâng nhanh gây chia cắt, cô lập nhiều thôn, xã của huyện.

Khẩn cấp gọi tàu, chuẩn bị sơ tán ảnh 3
Cán bộ Huyện Đoàn Triệu Sơn và Đoàn xã Thọ Bình đến chia buồn với gia đình em Bùi Văn Lợi, ở thôn 14, xã Thọ Bình - Ảnh: Hoàng Lam
Lũ quét đi qua địa bàn xã Thọ Bình - một trong những xã miền núi của huyện Triệu Sơn - gây sạt lở đất, làm sập nhà dân khiến 2 học sinh thiệt mạng khi đang ngủ trên giường, đó là cháu Bùi Văn Lợi (10 tuổi, học lớp 5) và Lương Văn Chỉnh (9 tuổi, học lớp 4). Hai cháu đều con hộ nghèo của xã.

Ngày 26/9, ngành chức năng của huyện Triệu Sơn đã kịp thời hỗ trợ tiền mặt cho gia đình có người chết (3 triệu đồng/người). Từ đêm 25/9 đến ngày 27/9, hàng nghìn dân quân, đoàn viên thanh niên, bộ đội đã về các địa phương trong huyện Triệu Sơn hỗ trợ di dời người và tài sản đến vùng an toàn; giúp đỡ các hộ dân bị sập nhà; thu hoạch lúa.

Đến cuối ngày 27/9, nhiều thôn, xã trên địa bàn huyện vẫn bị cô lập hoặc ngập nước từ 1 đến 2 mét (như: Thọ Tiến, Xuân Thọ, Tân Ninh, Vân Sơn, Thái Hòa, An Nông...). Công tác giúp dân gặt lúa, khắc phục môi trường sau lũ đang được các cấp thực hiện khẩn trương.

Theo số liệu báo cáo nhanh đến ngày 27/9, toàn huyện Triệu Sơn có 108 nhà bị nước cuốn trôi, sập và hư hỏng; 2.132 hộ bị ngập từ 0,5 đến 2 m; nhiều diện tích lúa, hoa màu bị ngập nặng; nhiều tuyến đê đập bị sạt lở, cầu cống hư hại. Hơn 1.000 hộ dân có nhà ven con sông Nhơm đang bị ngập.

Bí thư Huyện ủy Triệu Sơn Đỗ Minh Tuấn cho biết: Đây là trận lũ lớn nhất ở Triệu Sơn trong hàng chục năm qua. Trước mắt, huyện Triệu Sơn đề nghị ngành chức năng có các phương án hỗ trợ cụ thể đối với các gia đình bị sập, hư hỏng nhà, thiệt hại về kinh tế để dân ổn định cuộc sống.  

Tính đến cuối ngày 27/9, toàn tỉnh Thanh Hóa đã có 7 người chết và mất tích, 2 người bị thương do mưa lũ. Ước tính tổng thiệt hại là gần 300 tỷ đồng.         

Nghệ An: 8 người chết và mất tích

Từ sáng 24 đến chiều 27/9, lượng mưa ở khu vực Nghệ An nơi cao nhất là 458 mm. Một số nơi lượng mưa lớn đó là Yên Thượng, Nam Đàn, Đô Lương, TP Vinh... Mưa to kèm lốc xoáy gây thiệt hại nặng về người và tài  sản.

Ngày 27/9, nhiều nơi trên địa bàn Nghệ An tiếp tục mưa to, nhiều công trình giao thông, hồ đập, cầu cống bị hư hỏng. Có hơn 12.796 m3 đường bị sạt lở.

Đáng chú ý là tuyến QL15A đoạn qua Khe Tọ, Khe Thần ngập sâu 2m, tuyến QL48 có 14 vị trí sạt lở, bùn  và cây cối từ  trên núi vùi lấp đường đi, đoạn Km36+900 - Km 37+200 nước ngập sâu 1m, dài 300m gây ách tắc giao thông.

Tuyến tỉnh lộ và 532 nhiều chỗ bị sạt lở và ngập sâu  trong nước, riêng cầu Châu Hồng 4 tại Km 35+200 bị xói lở đứt đường đầu cầu dài hơn 10m, sâu 4m, sập một phần hai cầu phía thượng lưu gây ách tắc giao thông.

Có 78 cầu cống, 85 đập nước bị vỡ, hư hỏng và bị cuốn trôi, 21.630m kênh mương bị sạt lở và hư hỏng nặng.

Tính đến 19 giờ ngày 27/9, Nghệ An có 8 người chết và mất  tích, hàng chục tàu thuyền bị đánh chìm, hơn 2.015 ha lúa mùa, 3.417 ha ngô, 1.782 ha rau màu bị ngập, đổ, 1.496 ha ao hồ nuôi trồng thủy sản bị ngập. Hơn 1.317 ngôi nhà bị ngập, hàng trăm ngôi nhà tốc mái, sụp đổ. 

Quảng Nam: Tích trữ lương thực cho bảy ngày

Báo cáo chưa đầy đủ của các địa phương, đến chiều 27/9, có gần 4.600 người dân trong vùng trũng, thấp, nhà cửa tạm bợ, nguy cơ xói lở cao, nằm trong diện phải di dời đến nơi an toàn nếu bão vào. Tỉnh yêu cầu các địa phương chuẩn bị phương án sơ tán dân, kiểm tra, rà soát việc tích trữ lương thực, thực phẩm, y tế... trong vòng bảy ngày.

Báo cáo của BĐBP tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện có 117 chiếc tàu cá, trong đó tàu xa bờ là 38 chiếc (1.038 lao động) đang hoạt động trên biển đã nắm được thông tin bão, có 20  tàu xa bờ đang  vào cảng Quy Nhơn, 5 tàu vào cảng Kỳ Hà; tàu hoạt động bần bờ là 79 chiếc với 301 lao động.

Công tác kêu gọi tàu thuyền tránh bão, neo đậu nơi an toàn, tránh va đập đang được khẩn trương thực hiện. 

MỚI - NÓNG