Wonsan là thành phố nằm ở bờ biển phía đông của Triều Tiên. Hồi năm 2014, chính quyền nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố sẽ tiến hành chương trình tái thiết lớn tại Wonsan nhằm xây dựng thành phố này thành một điểm đến du lịch mang lại lợi nhuận hàng tỷ USD, đồng thời thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Ảnh: Reuters
Theo Business Insider, hầu hết những công dân Triều Tiên từng đặt chân đến Wonsan ít nhất một lần. Kể cả những người được cho là đã đào tẩu khỏi Triều Tiên để đến Hàn Quốc cũng đều dành những lời khen ngợi có cánh cho Wonsan. Ảnh: Reuters
Theo các tài liệu quảng cáo, Wonsan có rất nhiều bãi tắm tự nhiên, di tích lịch sử và khoảng 680 điểm du lịch. Ảnh: KCNA
Thành phố Wonsan cũng là nơi tổ chức Trại hè Thiếu nhi Quốc tế Songdowon – hoạt động nhằm tăng cường giao lưu văn hóa giữa trẻ em Triều Tiên và trẻ em quốc tế. Ảnh: AP
Trẻ em Nga và Triều Tiên chơi đùa trên bãi biển Wonsan. Ảnh: AP
Wonsan không chỉ thu hút du khách vào mùa hè mà còn là điểm đến lí tưởng vào mùa đông với một khu nghỉ mát trượt tuyết có tên Masik Pass. Ảnh: AP
Chính quyền Triều Tiên đã cho xây dựng công viên nước và thủy cung ở Wonsan. Ông Kim Jong-un từng đến thăm thủy cung này năm 2014. Ảnh: KCNA
Từ trước đến nay, chính quyền Triều Tiên luôn coi quân đội là trung tâm. Nhà nước Đông Bắc Á này đã có một thời gian dài theo đuổi chiến lược "songun", nghĩa là đặt quân đội lên hàng đầu. Trong ảnh: Quân đội Triều Tiên tiến hành cuộc tập trận bắn đạn thật tại Wonsan hồi tháng Tư để kỉ niệm 85 năm ngày thành lập Lực lượng Vũ trang. Ảnh: KCTV
Wonsan từng được coi là “bãi tập” của quân đội Triều Tiên với hàng loạt vụ thử tên lửa, tập trận pháo kích và các hoạt động quân sự khác. Ảnh: KCNA
Nhưng những ưu tiên của Triều Tiên đang thay đổi, và kế hoạch của Chủ tịch Kim tại Wonsan phản ánh rõ điều này. Chủ tịch Kim Jong-un đã cho sửa lại sân bay quốc tế Kalma tại Wonsan để đón khách du lịch. Sân bay này hiện vẫn đang được sử dụng cho cả mục đích quân sự và dân sự. Ảnh: AP
Chính quyền thành phố Wonsan nói rằng họ hy vọng sẽ có thêm những ngôi nhà cao tầng, một cửa hàng bách hóa khổng lồ, và một sân gôn sang trọng. Ảnh: KCNA
Đến thời điểm hiện tại, chính sách kinh tế mới của Chủ tịch Kim (được gọi là “byunngjin”) dường như vẫn đang phát huy tác dụng. Năm 2016, nền kinh tế Triều Tiên đạt mức tăng trưởng cao nhất trong 17 năm, bất chấp các lệnh trừng phạt từ cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, sự gia tăng này chủ yếu là nhờ chi tiêu quân sự và hạt nhân của Triều Tiên, không phải nhờ du lịch. Mặc dù việc tiếp thị, lôi kéo đầu tư vào dự án cải tạo Wonsan đang được đẩy mạnh, nhưng hiện chưa có đối tác quốc tế nào tỏ ra quan tâm đến dự án, theo Business Insider. Ảnh: KCNA