Hiểm họa trôi nổi
Tàu ngầm hạt nhân thường được miêu tả như công cụ sức mạnh địa chính trị đáng sợ, thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng và bí mật. Tuy nhiên, đến "cuối đời", chúng trở thành những mối họa hạt nhân trôi nổi, theo BBC.
Các lực lượng hải quân trên thế giới đã mất nhiều công sức để giải quyết những chiếc tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa đạn đạo từ thời Chiến tranh Lạnh. Kết quả là, một số nghĩa địa công nghiệp kỳ lạ nhất đã ra đời - trải dài từ tây bắc Thái Bình Dương của Mỹ qua Vòng Bắc Cực đến thành phố Vladivostok, nơi có căn cứ Hạm đội Thái Bình Dương của Nga.
Tại bãi phế liệu tàu ngầm ở các lối vào vịnh Olenya ở phía tây bắc bán đảo Kola của Nga, những mũi tàu gỉ sét để lộ ống phóng ngư lôi bên trong. Những buồng chỉ huy bị ăn mòn đến biến dạng và thân tàu đang vỡ ra từng mảnh, như những con trai bị đập vỡ trên đá bởi các con mòng biển.
Quỹ Bellona của Na Uy, một tổ chức quan sát về môi trường có trụ sở tại Oslo, cho rằng Liên Xô đã biến biển Kara thành "hồ chứa rác phóng xạ". Đáy biển có khoảng 17.000 thùng chứa chất phóng xạ hải quân, 16 lò phản ứng hạt nhân và 5 tàu ngầm hạt nhân - một chiếc có các lò phản ứng vẫn còn nhiên liệu.
Giám đốc điều hành của Quỹ Bellona Nils Böhmer cảnh báo rằng, khu vực biển Kara hiện là mục tiêu của các công ty dầu mỏ và khí đốt – nhưng về nguyên tắc, một mũi khoan vô tình nhằm vào bãi rác thải này cũng có thể khiến các chất phóng xạ lan vào các khu vực ngư trường.
Trong khi đó, nghĩa địa tàu ngầm chính thức có thể dễ phát hiện hơn. Người ta có thể nhìn thấy chúng trên Google Maps hoặc Google Earth bằng cách phóng to vào các bãi rác thải hạt nhân lớn nhất của Mỹ tại Hanford, Vịnh Sayda, Washington; hoặc các nhà máy đóng tàu gần thành phố Vladivostok. Đó là những hộp kim loại khổng lồ xếp nối tiếp nhau, mỗi hộp dài khoảng 12 m.
Các lò phản ứng hạt nhân của Nga được lưu trữ tại bến cảng ở Vladivostok. Ảnh: BF
Hộp kim loại là những gì còn lại của hàng trăm tàu ngầm hạt nhân. Chúng được bịt kín và qua quá trình xử lý theo phương pháp được gọi là “những đơn vị 3 khoang".
Đầu tiên, tàu ngầm không còn hoạt động được kéo đến một bến tàu để loại bỏ nhiên liệu. Lượng nhiên liệu này sau đó được đưa lên tàu hỏa để chuyển đến các nhà máy xử lý chất thải.
Ở Mỹ, quá trình này được thực hiện tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Idaho thuộc Cơ sở Phản ứng Hải quân và ở Nga là nhà máy sản xuất và tái chế plutonium Mayak ở Siberia.
Mặc dù máy móc thuộc các bộ phận phản ứng hạt nhân giờ không còn chứa nhiên liệu uranium được làm giàu, chất liệu kim loại bên trong vẫn nhiễm phóng xạ. Vì vậy, chúng sẽ được tách khỏi thân tàu.
Sau khi loại bỏ nhiên liệu, tàu ngầm được kéo vào vũng cạn, nơi các thiết bị cắt và hàn điện sẽ tách các khoang lò phản ứng khỏi thân tàu. Sau đó, các tấm thép dày được hàn kín vào 2 đầu.
Những tàu ngầm hạt nhân không còn được sử dụng vẫn tiềm ẩn mối nguy hiểm vì thân của chúng nhiễm phóng xạ. Ảnh: GI.
Bằng phương pháp “những đơn vị 3 khoang”, đến nay Nga đã loại bỏ 120 tàu ngầm hạt nhân của Hạm đội Biển Bắc và 75 tàu ngầm từ Hạm đội Thái Bình Dương.
Trong khi đó, tại Mỹ, 125 tàu ngầm thời Chiến tranh Lạnh đã được tháo dỡ theo cách này. Pháp cũng đã sử dụng biện pháp tương tự. Tuy nhiên, tại Anh, tàu ngầm của Hải quân Hoàng gia được thiết kế sao cho các mô-đun lò phản ứng có thể được loại bỏ mà không cần phải cắt đứt các khoang giữa.
Tác động đến môi trường
Phòng Thí nghiệm Quốc gia Idaho là điểm đến của tất cả nhiên liệu cao cấp không còn được sử dụng của Hải quân Mỹ từ khi tàu ngầm hạt nhân đầu tiên, USS Nautilus, bắt đầu hoạt động năm 1953. Các nhóm bảo vệ môi trường cũng đã bày tỏ quan ngại về việc bảo quản nhiên liệu hạt nhân tại Mỹ.
Bà Beatrice Brailsford, từ Snake River Alliance, một tổ chức bảo vệ môi trường, cho hay, lò phản ứng của USS Nautilus được thử nghiệm tại INL và từ đó, tất cả nhiên liệu đã qua sử dụng của các tàu hạt nhân của hải quân đều được đưa về Idaho.
Số nhiên liệu này được trữ trên mặt đất, nhưng những chất thải còn lại được chôn phía trên tầng ngậm nước. Điều này đang khiến nhiều người dân ở Idaho lo ngại, không chỉ về nguồn nước mà các sản phẩm nông nghiệp như khoai tây cũng có thể bị ảnh hưởng.
Ngay cả khi được bảo quản tốt, chất phóng xạ có thể bị rò rỉ theo những cách khác nhau. Ví dụ ở cả INL và Hanford, các cây bụi bên ngoài rơi vào các bể làm nguội, dính nước phóng xạ và sau đó bị gió thổi bay ra ngoài. Nhưng các quy trình xử lý tốn kém có vẻ không làm cho các nhà chiến lược quân sự ngưng chế tạo thêm tàu chiến.
"Cho đến nay Hải quân Mỹ vẫn tin rằng các tàu ngầm hạt nhân là một thành công lớn và hiện việc thay thế những lớp tàu ngầm chính đang được tiến hành", ông Edwin Lyman, một nhà phân tích chính sách hạt nhân tại Hiệp hội các nhà khoa học thuộc Đại học Cambridge, Massachusetts nhận định.
Không chỉ Mỹ, Nga cũng đang chế tạo 4 tàu ngầm hạt nhân mới tại Severodvinsk và có thể chế tạo thêm 8 chiếc trước năm 2020. Trung Quốc cũng đang làm điều tương tự. Như vậy, các nghĩa địa tàu ngầm sẽ còn phải duy trì trong thời gian tới.