Hãng tin Haaretz cho hay, thiết bị không người lái tấn công tự sát này có tên gọi là “Rotem”. Nó có thể bay lơ lửng trên không trong vòng 30 phút trước khi được thả xuống mục tiêu thông qua một ứng dụng cài trên máy tính bảng được điều khiển từ xa. Những chiếc máy bay thu nhỏ không người lái này sẽ có thể mang theo lựu đạn và một máy ảnh nhỏ, và đủ nhẹ để có thể chứa trong một balô quân lính Israel. Trọng lượng của nó được giới chức quân đội Israel giới thiệu chỉ khoảng 4,5kg nên mỗi binh sĩ Israel có thể mang được đồng thời tới 2 chiếc “Rotem”.
Không giống như các máy bay không người lái truyền thống, ví dụ như Reaper của Mỹ đòi hỏi phi công được đào tạo và đường băng riêng, máy bay do thám tự sát này nhỏ hơn và tiện dụng hơn rất nhiều. Nó được trang bị 4 cánh quạt ở 4 góc nhưng hoạt động rất êm và gần như không thể bị phát hiện trong cự ly 200m.
Người vận hành sẽ nhận diện mục tiêu rồi điều khiển nó tới, kích nổ 2 quả lựu đạn phá mạnh mà nó mang theo, tiêu diệt mục tiêu của đối phương, đồng thời phá hủy luôn chiếc máy bay không người lái này. Cũng theo tin từ Hãng Haaretz thì đơn vị sản xuất thiết bị này là Hãng Công nghiệp hàng không Israel (IAI). Mỗi một chiếc “Rotem” được dịnh giá ít nhất là 10.000 USD. Đại diện của Hãng IAI còn tiết lộ rằng, trong gia đình vũ khí tự sát mà hãng này sản xuất còn có 2 phiên bản mới là Harpy-NG và Green Dragon.
Cũng liên quan đến công nghệ tàng hình, Bộ Quốc phòng Israel hồi tháng 1 đã hoàn thiện việc lắp đặt hệ thống phòng thủ chủ động Trophy lên các xe thiết giáp chở quân mới nhất. Hệ thống này thực tế là một tấm khiên làm cho chiếc xe thiết giáp trở nên vô hình trước đối phương? Bộ Quốc phòng Israel đã lệnh cho nhà máy sản xuất Trophy sớm lắp đặt các tấm khiên vô hình này cho tất cả các xe thiết giáp Namer mới được sản xuất.
Popeye là tên lửa được quân đội Israel phát triển nhằm trang bị cho hệ thống tàu ngầm hạt nhân của Israel.
Đáng chú ý là bên cạnh hệ thống vũ khí tối tân cho bộ binh, Israel còn sở hữu hàng loạt tên lửa hiện đại, đảm trách vai trò bảo vệ không phận hoặc không kích chính xác những mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ đối phương.
Tờ Daily Mail hồi cuối năm ngoái đã vén bức màn bí ẩn về sự tồn tại của một cỗ xe mang tên Pereh nhưng thực chất là một thiết bị phóng tên lửa di động tối mật của Israel. Hệ thống này được đặt ở gầm xe tăng M60 Pantom và đem theo tên lửa định hướng chống xe tăng Spike. Nó đã được dùng trong hầu hết các cuộc xung đột lớn mà Israel tham gia trong hơn hai thập niên qua và có thể phóng đi các tên lửa Spike, loại tên lửa chống tăng và chống người có vũ trang thế hệ thứ 4 của Israel.
Ngoài ra, Israel còn có tên lửa Jericho III có thể mang một đầu đạn hạt nhân. Đây là loại tên lửa đạn đạo tầm trung có 3 tầng, trọng lượng lên tới 1.000 – 1.300kg. Nó có thể mang được đầu đạn hạt nhân trọng lượng lên tới 750 kg hoặc 2 – 3 đầu đạn có sức công phá thấp hơn. Jericho III dài 15,5m, đường kính đạt 1,56m, có thể được phóng đi từ xe nâng chuyên dụng Shavit. Tầm bắn của Jericho từ 4.800 đến 11.500km với vận tốc di chuyển khá nhanh. Trong khi đó, Popeye là tên lửa được quân đội Israel phát triển nhằm trang bị cho hệ thống tàu ngầm hạt nhân của Israel.
Chưa hết, hồi đầu tháng 4, Công ty Rafael đã giới thiệu hệ thống vũ khí diệt máy bay không người lái mới có tên là “Drone Dome”.
Hệ thống này sử dụng một radar và các thiết bị cảm biến quang học điện tử để phát hiện và lần theo sự di chuyển của các thiết bị bay không người lái, sau đó gây nhiễu hệ thống điện tử của chúng để chấm dứt hành trình bay. Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng Israel còn hợp tác với Mỹ để phát triển một hệ thống phát hiện và phá hủy các hầm ngầm xuyên biên giới mang tên “Vòm sắt ngầm” và hệ thống phòng thủ tên lửa “Magic Wand” (Gậy Thần) hay còn được gọi là David’s Sling.
Hệ thống phòng thủ tên lửa David’s Sling được phát triển bởi Công ty Công nghệ quốc phòng Rafael Advanced Defense Systems của Israel và Tập đoàn Raytheon Co. của Mỹ. Đây là hệ thống được thiết kế nhằm đánh chặn các loại tên lửa ở cự ly từ 70km tới 300km.